Ai đang sở hữu FPT?

Báo cáo thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần FPT cho biết, tổng doanh thu đạt 62.849 tỷ tăng 19,4% so với cùng kỳ. Doanh thu trong 5 năm qua đều tăng trưởng mạnh mẽ, duy trì mức tăng từ 19% đến 23%.

Lợi nhuận sau thuế đạt 9.271 tỷ đồng tăng 19,1% so với năm 2023. Giá trị vốn hóa có sự tăng trưởng vượt bậc trong năm 2024. Mức tăng là 83,8% từ 122.044 tỷ đồng vào năm 2023 lên 224.338 tỷ đồng năm 2024.

Đáng chú ý, báo cáo cũng cho biết top 10 cổ đông lớn nhất của FPT. Trong đó, ông Trương Gia Bình vẫn đang là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu là 6,94% (giảm 0,05 điểm phần trăm so với năm 2023).

Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT
Trương Gia Bình – Chủ tịch FPT

Đứng top 2 là Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) với tỷ lệ sở hữu 5,71% (giảm 0,04 điểm phần trăm so với năm 2023).

Top 10 cổ đông lớn nhất của FPT năm 2024
Top 10 cổ đông lớn nhất của FPT năm 2024

Năm 2024, các cổ đông cá nhân và tổ chức lớn như ông Trương Gia Bình, SCIC, Công ty TNHH QT, ông Bùi Quang Ngọc, VOF Investment Limited, và bà Trương Thị Thanh Thanh đều tăng số lượng cổ phiếu sở hữu 15%, tương ứng với tỷ lệ tăng của tổng số cổ phiếu phát hành, nhưng tỷ lệ sở hữu của họ giảm nhẹ do pha loãng cổ phần.

Cổ đông lâu năm Macquarie Bank Limited giảm sở hữu từ 1,39% xuống 1,16%. Tuy nhiên, năm 2023 Macquarie Bank Limited đứng thứ 9 còn năm 2024 Macquarie Bank Limited xếp thứ 8 trong top 10.

Top 10 cổ đông lớn nhất của FPT năm 2023
Top 10 cổ đông lớn nhất của FPT năm 2023

Năm 2024 là năm đầu tiên FPT hở room. Trên thực tế, khối ngoại đã bán ròng mạnh tay FPT từ khoảng tháng 5-6/2024 và kéo dài tới hiện tại. Đà bán diễn ra trong bối cảnh thị giá cổ phiếu này liên tục tăng nóng, phá đỉnh cùng “trend” công nghệ toàn cầu.

Giai đoạn trước, FPT được ví như thỏi nam châm thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Room ngoại thường xuyên được phủ kín 49% và hầu như chỉ hở ra do các hoạt động ESOP nhưng đều được lấp đầy ngay sau đó. Nhiều giao dịch ghi nhận khối ngoại phải chấp nhận trả một mức giá chênh (premium) cao nhất thị trường, lên đến 40% so với thị giá để sở hữu FPT. Tuy nhiên tới nay, với việc hở room lớn, hiện khối ngoại có thể dễ mua được FPT thông qua giao dịch trên sàn. Dù vậy, khó có thể dự báo thời điểm khối ngoại đảo chiều quay trở lại gom FPT, đặc biệt khi dòng vốn ngoại trên toàn cầu đang có xu hướng rút khỏi các thị trường mới nổi và cận biên trong đó có Việt Nam.

Năm 2025, FPT đặt mục tiêu doanh thu là tăng 20% so với năm 2024 (so với cùng kỳ); lợi nhuận trước thuế 13.395 tỷ đồng, tăng 21%. Nếu hoàn thành, đây sẽ tiếp tục là mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục mới của doanh nghiệp đầu ngành công nghệ Việt Nam và sẽ là năm thứ 5 liên tiếp tăng trưởng trên 20%/năm.

Chiến lược phát triển 2025-2027 là tập trung vào AI – Bán – Xe – Số – Xanh (Trí tuệ nhân tạo, Bán dẫn, Công nghệ ô tô số, Chuyển đổi số và Chuyển đổi xanh), trong đó, AI là trụ cột chiến lược quan trọng nhất.

Lịch sử FPT

8/13 thành viên Sáng lập FPT - Bức ảnh được cho là chụp đầy đủ nhất nhà Sáng lập FPT cùng Trung tướng, cựu Phó Thủ tướng Đồng Sỹ Nguyên (đội mũ, đứng giữa).
8/13 thành viên Sáng lập FPT – Bức ảnh được cho là chụp đầy đủ nhất nhà Sáng lập FPT cùng Trung tướng, cựu Phó Thủ tướng Đồng Sỹ Nguyên (đội mũ, đứng giữa).

Ngày 13/09/1988, FPT được thành lập với tên gọi Công ty Công nghệ Thực phẩm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sấy, công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa. (Chữ gốc FPT ban đầu có nghĩa là The Food Processing Technology Company – Công ty Công nghệ Thực phẩm).

Quyết định thành lập năm 1988
Quyết định thành lập năm 1988

Ngày 27/10/1990, được đổi tên thành The Corporation for Financing Promoting Technology – Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghệ với hoạt động kinh doanh cốt lõi là công nghệ thông tin.

Ngày 13/12/2006, cổ phiếu FPT niêm yết lên sàn chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) với 60.810.230 cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. FPT là doanh nghiệp đầu tiên trong lĩnh vực CNTT niêm yết và ngay lập tức trở thành cổ phiếu lớn (bluechip) trên thị trường chứng khoán. Trong ngày đầu tiên chào sàn, cổ phiếu của FPT được giao dịch với giá 400.000 đồng/cổ phiếu và là một trong những công ty niêm yết có giá trị thị trường cao nhất cho đến hiện nay. Trong ngày này rất nhiều nhân viên của FPT đã trở thành triệu phú đô la.

13/12/2006 ngày FPT niêm yết trên HoSE
13/12/2006 ngày FPT niêm yết trên HoSE

Ngày 19/12/2008, Công ty FPT công bố được chấp thuận đổi tên từ “Công ty Cổ phần Phát triển và Đầu tư Công nghệ” thành “Công ty Cổ phần FPT” viết tắt là “FPT Corporation

Hiện nay có 4 công ty thuộc tập đoàn FPT đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán gồm:

  1. FPT Coporation (FPT)
  2. FPT Telecom (FOX)
  3. FPT Retail (FRT)
  4. FPT Online (FOC).

FPT có hệ thống văn phòng tại 30 quốc gia trên thế giới, và hạ tầng viễn thông phủ khắp 63/63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Công ty đặt trụ sở chính tại Tòa nhà FPT, số 10 Phố Phạm Văn Bạch, Phuờng Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, với 8 công ty thành viên và 2 công ty liên kết.

8 Công ty thành viên:

  1. Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software)
  2. Công ty TNHH FPT IS (FPT IS)
  3. Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom)
  4. Công ty Cổ phần Dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online)
  5. Công ty TNHH Giáo dục FPT (FPT Education)
  6. Công ty TNHH Đầu tư FPT (FPT Investment)
  7. Công ty TNHH FPT Smart Cloud (FPT Smart Cloud)
  8. Công ty TNHH FPT Digital (FPT Digital)

2 Công ty liên kết:

  1. Công ty Cổ phần Synnex FPT (Synnex FPT)
  2. Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail)

Đánh giá 5 sao nhé bạn. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này!

Đăng ký
Nhận thông báo
guest

0 BÌNH LUẬN
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi
Xem tất cả bình luận
DMCA.com Protection Status
error: Bản quyền thuộc Adautu.com