Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tuy không trực tiếp nắm trên 1% vốn HDBank nhưng cổ đông lớn nhất nắm gần 14,3% vốn nhà băng này chính là Công ty CP Sovico – doanh nghiệp do nữ tỷ phú sáng lập.
Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM – HDBank (HoSE: HDB) – vừa công bố danh sách cổ đông nắm từ 1% vốn điều lệ theo yêu cầu của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.
Theo công bố, nhà băng này hiện chỉ có 2 quỹ ngoại sở hữu trên 1% vốn và một doanh nghiệp liên quan đến tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch thường trực HĐQT.
Cụ thể, quỹ đầu tư từ Phần Lan Pyn Elite Fund (Non-Ucits) hiện nắm 2,2% vốn điều lệ ngân hàng. Quỹ ngoại còn lại là Baillie Gifford Pacific Fund nắm 2,19%.
Còn lại cổ đông lớn (sở hữu từ 5% vốn điều lệ trở lên) của HDBank là Công ty CP Sovico. Người đại diện pháp luật của doanh nghiệp này là ông Phạm Khắc Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. HDBank cho biết hiện Sovico đang nắm giữ gần 418 triệu cổ phiếu HDB, tương đương 14,27% vốn điều lệ ngân hàng.
Liên quan tới Công ty CP Sovico, đây cũng chính là doanh nghiệp được sáng lập bởi nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam Nguyễn Thị Phương Thảo, hiện bà Thảo giữ chức Phó chủ tịch thường trực HĐQT của HDBank.
Trước đó, báo cáo quản trị doanh nghiệp công bố ngày 29/07/2024 danh sách cá nhân nắm trên 1% vốn điều lệ HDBank vẫn còn ghi nhận 2 Phó chủ tịch HĐQT là bà Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Nguyễn Hữu Đặng, lần lượt nắm 3,72% vốn và 2,75% vốn. Ông Đào Duy Tưởng – Trưởng ban kiểm soát sở hữu 2,73%. Cá nhân sở hữu vốn cao nhất tính tại thời điểm công bố báo cáo quản trị là ông Phạm Văn Đẩu – Giám đốc Tài chính kiêm người phụ trách quản trị ngân hàng với số vốn 4,31%.
Tuy nhiên, trong danh sách cập nhật mới nhất, các cá nhân này đều đã không còn nắm giữ trên 1% vốn của HDBank.
Riêng vị lãnh đạo cấp cao của HDBank là Chủ tịch HĐQT kiêm Thành viên HĐQT độc lập Kim Byoungho hiện cũng không nắm trong tay cổ phiếu HDBank. Ông Kim Byoungho cũng là vị lãnh đạo ngân hàng hiếm hoi không nắm giữ cổ phiếu ngân hàng mình làm việc.
Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 đã giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cho cổ đông là tổ chức (gồm cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%.
Kể từ 1/7/2024, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt trần theo quy định mới vẫn được duy trì nhưng không được phép tăng thêm, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.