Chứng khoán là kênh đầu tư mang lại cảm xúc mạnh mẽ với những người tham gia. Song nghịch lý là để thành công, nhà đầu tư phải biết kiểm soát chặt chẽ cảm xúc.
Khi cảm xúc lấn át lý trí
Bán cổ phiếu ở mức lợi nhuận kỳ vọng, nhưng sau đó lại mua vào khi giá cổ phiếu tiếp tục tăng để rồi “đu đỉnh”; tranh mua khi cổ phiếu tăng giá mạnh, rồi nhanh chóng bán tháo để hạn chế thua lỗ khi cổ phiếu “đổ đèo”… Những hành vi này trên thị trường chứng khoán được gọi chung bằng khái niệm FOMO, viết tắt của Fear Of Missing Out, tức sợ bỏ lỡ cơ hội.
FOMO cũng chỉ là một trong rất nhiều cảm xúc trong đầu tư chứng khoán – kênh đầu tư được ví là “trò chơi kinh doanh vĩ đại nhất của loài người” hay nhiều người còn xem chứng khoán là nơi đánh bạc, đỏ đen.
Sự lạc quan thái quá, hay lo sợ thái quá của nhà đầu tư đều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất đầu tư. Nhiều nhà đầu tư tranh mua khi cổ phiếu đã ở mức định giá quá cao, hoặc hoảng sợ bán ra khi thị trường chỉ vừa “rung lắc”, mà quên đi quy luật chung của các thị trường chứng khoán trên thế giới là chỉ số luôn có xu hướng tăng trong dài hạn (hàng chục năm) dù trong ngắn và trung hạn có thể trải qua nhiều cú sốc.
Trong lĩnh vực tài chính, tài chính hành vi đang ngày càng được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi. Hiểu ngắn gọn thì tài chính hành vi là việc áp dụng tâm lý học vào giải thích các quyết định tài chính của các chủ thể trong nền kinh tế.
Nếu như trước đây, các lý thuyết về tài chính đều cho rằng nhà đầu tư hành động lý trí và đưa ra các quyết định đúng đắn nếu được cung cấp đầy đủ thông tin, họ không bị nhầm lẫn bởi cách thức thông tin được truyền đến họ và không bị chi phối bởi các cảm xúc của chính bản thân họ. Nhưng các nghiên cứu hàng chục năm gần đây cho thấy những giả định này chưa phù hợp, các nhà đầu tư thường đưa ra các quyết định phi lý trí.
Các bạn có thể tìm đọc cuốn sách “Tất cả chúng ta đều hành xử cảm tính” của tác giả Richard Thaler – Giáo sư về Khoa học Hành vi và Kinh tế tại Đại học Chicago, chủ nhân giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2017 & bộ sách “Phi lý trí” của tác giả Dan Ariely – Giáo sư Tâm lý học và Kinh tế học hành vi tại Đại học Duke.
Các nhà khoa học chỉ ra rằng, con người thường có xu hướng hành động khi trải nghiệm một cảm xúc nào đó. Chẳng hạn, khi lạc quan và hưng phấn bước vào ngày giao dịch đầu năm mới, hay bắt đầu giao dịch hệ thống mới, nhà đầu tư có xu hướng mua chứng khoán nhiều hơn.
Ngược lại, cảm xúc sợ hãi khi thị trường có sự điều chỉnh mạnh thường làm cho nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu, bất chấp cổ phiếu đó tốt xấu ra sao. Chính cảm xúc và hệ quả là các nhu cầu vô thức của con người đều tác động đến việc ra quyết định đầu tư và nếu được thực hiện bởi đại bộ phận nhà đầu tư thì sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường.
Để giữ cho mình một cái đầu lạnh
Có hai kỹ năng mà nhà đầu tư cần rèn luyện liên tục trong suốt quá trình đầu tư của mình:
- Một là, hiểu trạng thái tâm lý hiện tại;
- Hai là, khả năng thiết lập và tái thiết lập kế hoạch hành động.
Việc đối diện với cảm xúc sẽ giúp nhà đầu tư nhìn nhận được mình có khả năng bị phiến diện trong việc nhận định trạng thái thị trường, danh mục đầu tư hiện tại theo thiên hướng tích cực thái quá, hoặc tiêu cực thái quá hay không.
Việc một số nhà đầu tư tự làm khổ mình bằng cách kiểm soát thái quá cảm xúc cá nhân là điều không nên, vì điều này có thể hướng tới việc tự ức chế cảm xúc của mình, khiến chai lì cảm xúc. Điều này cũng lý giải vì sao một số nhà đầu tư chuyên nghiệp vẫn cần yếu tố cảm giác để nâng cao khả năng chiến thắng của bản thân.
Khi hiểu được trạng thái tâm lý, nhà đầu tư nên thiết lập và tái thiết lập kế hoạch hành động. Bản kế hoạch đầu tư hoặc kế hoạch giao dịch là bản thiết kế quan trọng và cần thiết trước mỗi khoản đầu tư. Việc rèn luyện viết kế hoạch sẽ giúp nhà đầu tư thẳng thắn nhìn nhận vào các kịch bản có thể xảy ra trong tương lai.
“Mỗi nhà đầu tư cần giữ cái đầu lạnh, thật sự tỉnh táo, tránh rơi vào các hành vi lệch lạc tâm lý như tự tin thái quá, phấn khích khi thị trường tăng cũng như quá sợ hãi khi thị trường giảm. Việc chúng ta dễ bị cảm xúc chi phối sẽ dẫn tới rơi vào tâm lý bầy đàn, từ đó, bỏ qua hết những phân tích khách quan mà mình đã dày công nghiên cứu. Chỉ có cách rèn luyện bản lĩnh, kinh nghiệm trong việc giữ mình tách khỏi những tác động tâm lý mới có thể mang lại hiệu quả đầu tư”
Để không bị tâm lý lệch lạc chi phối quá trình ra quyết định, nhà đầu tư phải luôn trau dồi kiến thức về kinh tế và tài chính, cũng như nghiên cứu kỹ doanh nghiệp mà mình đang nắm giữ cổ phiếu. Đơn cử, trong năm vừa qua, chính sách tiền tệ vẫn thiên về nới lỏng, tức lãi suất vẫn giữ ở mức thấp và đây là yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán nhưng trong ngắn hạn, có những thời điểm câu chuyện tỷ giá căng thẳng làm nhiều nhà đầu tư sợ hãi, dẫn tới những quyết định sai lầm như bán tháo, cắt lỗ cổ phiếu.
Tuy nhiên, cuối cùng, cổ phiếu của các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả vẫn có quá trình tăng giá rất ấn tượng (một phần cũng do hiệu ứng FOMO hỗ trợ). Một khi hiểu được sự vận động của thị trường, hiểu về doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ có được sự tự tin, bản lĩnh khi thị trường biến động cũng như có thể tận dụng được những sự biến động này để gia tăng hiệu quả đầu tư.
Các nhà đầu tư vĩ đại như Warren Buffet, Charlie Munger, Peter Lynch… đều nằm ở việc kiểm soát tâm lý rất tốt, không bị các biến động ngắn hạn chi phối, thậm chí còn tận dụng những biến động ngắn hạn để mua được cổ phiếu tiềm năng với mức giá chiết khấu sâu so với giá trị nội tại. Nguyên nhân là họ rất tự tin vào việc đã tìm hiểu phân tích kỹ doanh nghiệp và nhìn thấy được tiềm năng tăng giá của cổ phiếu trong tương lai.
Nhà đầu tư cần tuyệt đối tránh rơi vào việc giao dịch ngắn hạn quá mức cũng như theo dõi bảng điện hàng ngày. Việc này sẽ dẫn tới bị cuốn theo những biến động của thị trường trong từng phiên giao dịch, từ đó rất dễ gây ra những hành động vô thức do cảm xúc chi phối, bởi những biến động ngắn hạn này thường là ngẫu nhiên và không thể dự đoán. Khi tìm được cổ phiếu tốt, có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai thì việc mua và nắm giữ dài hạn sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với việc giao dịch ngắn hạn.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần có kỹ năng ứng xử với các tin đồn hoặc những thông tin bất lợi với doanh nghiệp mà mình nắm giữ cổ phiếu. Khi có sự kiện, thông tin bất lợi xảy ra, cần bình tĩnh suy xét liệu sự kiện đó có trọng yếu, dẫn tới ảnh hưởng lớn tới kết quả kinh doanh trong tương lai của doanh nghiệp đó hay không và không vội vàng ra quyết định bán tháo ngay cổ phiếu trong tâm trạng hoảng sợ, mất bình tĩnh.
Ví dụ, gần đây, có những thông tin bất lợi cho một doanh nghiệp bán lẻ và đã xuất hiện hiện tượng bán tháo cổ phiếu ngay khi thông tin tiêu cực đó được tràn lan trên mạng (vụ giá đỗ ngâm hóa chất). Tuy vậy, trên thực tế, ảnh hưởng của câu chuyện đó là rất nhỏ, không làm thay đổi xu hướng phục hồi của doanh nghiệp, vì vậy, việc bán tháo cổ phiếu là việc làm sai lầm.
Để thành công trên thị trường chứng khoán, ngoài trang bị cho mình kiến thức đầu tư Đúng chuẩn khoa học, bạn cần phải tuân thủ nguyên tắc 4K (Kỷ luật, Kiên nhẫn, Kiên định, Kiên trì).
- Từ chàng trai trẻ đến huyền thoại trong giới tài chính đã đầu tư như thế nào?
- Bà Ngô Thị Mai Chi – Nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Khang Điền
- Ông Lương Trí Thảo – Anh trai Chủ tịch Đất Xanh Lương Trí Thìn là ai?
- Ông Bùi Ngọc Đức – Tổng Giám đốc Tập đoàn Đất Xanh là ai?
- Top 10 phụ nữ giàu nhất Việt Nam hiện nay năm 2021, họ là ai?