Thị trường chứng khoán luôn là cơ hội hấp dẫn để gia tăng tài sản, nhưng đi kèm với nó là những rủi ro tiềm tàng mà không phải ai cũng nhận ra. Một trong những vấn đề đáng lo ngại mà nhiều nhà đầu tư dễ mắc phải là “ảo tưởng bản thân”. Đây không chỉ là điều xảy ra trong lĩnh vực chứng khoán mà còn trong đời sống cá nhân.
Nhà đầu tư chỉ cần nhớ lại những gì mình đã trải qua trong giai đoạn thị trường chứng khoán lên đỉnh năm 2021 rồi rơi xuống đáy năm 2022 sẽ cảm nhận được bản thân mình đã “ảo tưởng bản thân” theo sự thăng hoa của thị trường rồi sau đó rơi vào trầm cảm như thế nào.
Khi đầu tư thành công, giá cổ phiếu tăng gấp đôi, gấp ba từ đáy và có được một khoản lợi nhuận đáng kể, trong đó có phần nhờ vào việc sử dụng đòn bẩy tài chính để khuếch đại lợi nhuận, nhiều nhà đầu tư dễ rơi vào cảm giác tự mãn. Họ có thể bắt đầu chiều chuộng bản thân bằng những món đồ xa xỉ, những bữa tiệc thâu đêm và lối sống tiêu xài phóng khoáng. Đây là bước khởi đầu cho quá trình “ảo tưởng bản thân,” khiến họ mất đi sự kỷ luật đã giúp bản thân đạt được thành công.
Cảm giác thắng cuộc trong đầu tư cũng “gây nghiện”. Ban đầu, việc đầu tư là một việc đơn giản và dễ dàng, nhưng khi đã trải nghiệm cảm giác chiến thắng, nhà đầu tư sẽ cảm thấy cần phải “chơi lớn” hơn nữa. Sự thỏa mãn nhất thời từ những lần đầu tư thành công khiến họ không đủ tỉnh táo để nhớ rằng rủi ro luôn tiềm ẩn.
Rủi ro lớn nhất trong đầu tư là khi giá cổ phiếu đạt đỉnh, tổng tài sản trong danh mục đầu tư tăng lên, nhà đầu tư lại phát sinh suy nghĩ “deal tới sẽ thắng tiếp” và thay đổi lối sống dựa vào sự lạc quan “mình sẽ tiếp tục thắng”. Đó cũng là một trong những lý do vì sao chu kỳ trên thị trường chứng khoán vẫn cứ lặp đi lặp lại dù đã xảy ra rất nhiều lần trong quá khứ.
Khi đã bắt đầu một lối sống xa hoa, việc quay trở lại cuộc sống bình thường và đơn giản trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các nhà đầu tư lại thấy mình bị cuốn vào vòng xoáy tiêu dùng, dẫn đến một cách nhìn sai lệch về giá trị thực sự của tiền bạc. Họ sẽ dễ dàng quên đi rằng sự ổn định tài chính và lối sống thanh đạm mới chính là nền tảng vững chắc cho một tương lai bền vững.
Không phải ngẫu nhiên mà Warren Buffett, nhà đầu tư vĩ đại nhất thế giới, lại có một cuộc sống giản dị. Ở một căn nhà trong suốt nhiều năm, không xài xe sang, đồ hiệu đắt tiền, sống bình dị so với khối tài sản khổng lồ mà ông sở hữu. Đó là những đức tính rất khó tìm thấy nơi các nhà đầu tư khác trên thị trường chứng khoán.
Warren Buffett nổi tiếng ghét lãng phí tiền của mình hoặc của cổ đông. Vị tỷ phú này ăn sáng tại McDonald’s trên đường đi làm, chỉ nhận mức lương 100,000 USD, không thưởng hoặc cổ phiếu thưởng trong hơn 40 năm, và vẫn sống trong căn nhà mà ông mua vào năm 1958. Warren Buffett vẫn ở căn nhà ở Omaha, Nebraska trong nhiều thập kỷ. Đây là căn nhà gồm 5 phòng ngủ ở trung tâm Omaha, tiểu bang Nebraska. Buffett mua căn nhà với giá 31.500 USD vào năm 1958, tương đương khoảng 329.505 USD theo giá trị đồng USD ngày nay.
Để chống lại tình trạng “ảo tưởng bản thân” nhà đầu tư cần sớm nhận ra “vòng tròn năng lực” của mình và kiểm soát lòng tham vô đáy của mình. Giữ cho mình một lối sống ở mức độ vừa đủ, không vội vàng rơi vào những cám dỗ của cuộc sống xa hoa. Việc duy trì sự đơn giản và thanh đạm sẽ giúp nhà đầu tư dễ dàng kiểm soát theo cách có lợi cho tương lai tài chính của mình.
Thưởng thức bữa ăn bình thường nhưng bền vững sẽ tốt hơn nhiều so với việc tổ chức những bữa tiệc xa xỉ, tốn kém nhưng không dài lâu.