Bà Karen Goracke đã nỗ lực phấn đấu từ vị trí nữ nhân viên bán hàng bình thường trở thành Chủ tịch kiêm CEO công ty con Borsheims được chính Warren Buffett đề bạt.
Bên dưới là toàn bộ chia sẻ của bà Karen Goracke – Chủ tịch kiêm CEO hãng trang sức Borsheims – với Business Insider về con đường sự nghiệp và quá trình làm việc cùng huyền thoại đầu tư Warren Buffett.
Borsheims được thành lập năm 1870, là một trong hàng chục công ty thuộc tập đoàn Berkshire Hathaway mà Warren Buffett đang điều hành.
“Tôi bắt đầu làm nhân viên bán hàng cho Borsheims, một cửa hàng trang sức ở Omaha (Nebraska), vào năm 1988 ngay sau khi tốt nghiệp đại học.
Có vẻ như đó là một nơi làm việc hấp dẫn. Borsheims là một công ty lớn được điều hành như một doanh nghiệp gia đình nhỏ. Chúng tôi không có hàng tồn kho và hoạt động kế toán không suôn sẻ lắm.
Một năm sau, vào năm 1989, tập đoàn Berkshire Hathaway của Warren Buffett đã mua lại Borsheims từ gia đình sở hữu cửa hàng.
Berkshire thích mua các công ty thành công. Khi thâu tóm Borsheims, họ khá thoải mái với cách điều hành hàng ngày của công ty, với một điều kiện: Chúng tôi nên có một hệ thống kiểm kê tồn kho.
Tôi thăng chức
Mặc dù tuổi đời còn khá trẻ, tôi lại được Berkshire giao phụ trách hệ thống quản lý hàng tồn kho. Có khoảng 100.000 mặt hàng. Tôi xem xét từng mặt hàng một để tạo danh mục dữ liệu.
Tôi sẽ viết tay từng nhãn, gắn nhãn vào từng mặt hàng và cất chúng trở lại hộp. Tôi thường phải hỏi người chủ cũ giá của một số mặt hàng vì rất nhiều trong số đó được mua bằng tiền mặt.
Sau đó, họ cử một nhóm đến hỗ trợ tôi. Chúng tôi mất vài năm, nhưng chúng tôi đã đưa mọi thứ vào hệ thống. Tôi chia sẻ dữ liệu với nhóm mua hàng để họ biết khi nào công ty đang kinh doanh tốt và đâu là những mặt hàng có quá nhiều tồn kho.
Tôi biết Warren Buffett biết những gì tôi làm vì ông ấy từng viết vài ghi chú về hàng tồn kho. Ông nhận xét liệu công việc đã ổn hay cần cải thiện thêm.
Sau đó, Borsheims đề nghị tôi làm nhân viên chịu trách nhiệm thu mua sản phẩm đồng hồ cho cửa hàng và tôi nhận lời vào năm 1996.
Tôi không phải nhân viên bán hàng giỏi nhất hay có nhiều mối quan hệ nhất, nhưng tôi thực sự hiểu cơ chế hoạt động của doanh nghiệp. Tôi thường nói đùa rằng tôi đã thử qua mọi mặt hàng tồn kho trong cửa hàng.
Tôi lớn lên ở Omaha và đăng ký vào một trường đại học nhỏ ở Nebraska. Với vị trí mới, tôi đã đến Thuỵ Sỹ, New York và Las Vegas và tìm hiểu thêm về công việc.
Tôi nghỉ việc và quay trở lại
Vào thời điểm đó, tôi và người chồng luật sư có hai đứa con. Anh ấy vừa trở thành đối tác của công ty luật và nhà cửa trở nên hỗn loạn. Tôi đã làm việc suốt một thập kỷ và quyết định tạm dừng.
Chúng tôi có thêm đứa thứ ba và tôi ở nhà thêm 6 năm. Tôi vẫn giữ liên lạc với cửa hàng, đôi khi đưa bọn trẻ đến đó chơi.
Khoảng 5 năm sau khi tôi nghỉ việc, Borsheims gọi điện hỏi xem tôi có cân nhắc quay lại hay không. Tôi đợi cho đến khi đứa thứ ba học mẫu giáo và quay lại làm nhân viên phụ trách thu mua trang sức.
Mảng này phức tạp hơn công việc thu mua đồng hồ trước kia, một bước tiến lớn với tôi. Tôi rất yêu thích công việc mới này.
Tôi được Warren Buffett phỏng vấn
Trong 10 năm tiếp theo, tôi đã làm việc chăm chỉ để trở thành giám đốc nhóm bán hàng. Khi CEO của chúng tôi có kế hoạch nghỉ việc để đảm nhận một vai trò mới, bà hỏi tôi có muốn nộp đơn xin làm CEO không.
Tôi bất ngờ đến mức suýt ngã khỏi ghế. Tôi chưa bao giờ quản lý quá 5 người và điều đó vượt quá sức tưởng tượng của tôi.
Tôi được yêu cầu phỏng vấn với Warren Buffett.
Chúng tôi đều đến từ Omaha, một thành phố nhỏ. Trong những năm qua, tôi từng gặp Warren trong phút chốc khi ông ấy đến cửa hàng và tham gia các buổi gây quỹ ở Omaha.
Trước buổi phỏng vấn, tôi lo lắng đến mức tay run rẩy. Chúng tôi trao đổi về điểm mạnh và điểm yếu của Borsheims ở cấp độ quản lý. Sau đó, ông ấy đề bạt tôi ngay tại đó. Chúng tôi không nói gì về lương bổng.
Tôi vừa đi vừa nghĩ: “Mình thậm chí còn không chắc chuyện gì vừa xảy ra”. Nhưng tôi thấy rất thú vị, đôi lúc tôi còn tự véo mình.
Tôi không còn cảm thấy bồn chồn khi gặp Warren Buffett
Lần đầu tiên nói chuyện riêng với Warren, có lẽ tôi đã rất lo lắng. Nhưng ông ấy rất duyên dáng, hài hước và hiểu biết. Bây giờ tôi không còn cảm thấy bồn chồn nữa.
Ông ấy đến cửa hàng nhiều lần trong năm và thường báo trước với tôi, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Có lần, tôi đang giúp khách hàng chọn trang sức thì ông ấy bước vào và bắt đầu hỏi về hàng tồn kho.
Tôi phải xin khách hàng thứ lỗi để tiếp chuyện ông. Người khách đó không biết Warren Buffett đang đứng cạnh mình.
Tôi là người có tính tò mò. Buffett trêu tôi vì tôi hỏi quá nhiều, nhưng tôi nghĩ: “Mình đang ngồi với người có lẽ là thông minh nhất thế giới. Tại sao mình lại không hỏi ông ấy về mọi thứ, từ kinh doanh cho đến thể thao?”
Đặc quyền lớn nhất trong cuộc đời tôi là có thời gian thoải mái tán gẫu về bất cứ chủ đề gì với Warren Buffett, từ soda cho đến bóng đá. Ông ấy rất ủng hộ cấp dưới và tốt bụng. Ông nói chuyện với tôi giống như với một người đồng nghiệp vậy.
Lời khuyên quý giá dành cho tôi
Ông ấy thường đào sâu vào những yếu tố mà bạn đang làm tốt để bạn có thể trở nên thành công hơn. Ông nhắc tôi tập trung vào những gì tôi giỏi.
Là nhân viên phụ trách thu mua hàng hoá, tôi biết rõ công ty cần bao nhiêu tiền để mua sắm cũng như lượng hàng hoá tồn kho hiện tại và tác động của chúng đến hoạt động kinh doanh. Việc mua hàng tạo ra những nhân viên bán hàng thành công và giúp khách hàng hài lòng.
Bây giờ, điều tôi giỏi nhất là nắm bắt tình hình ở cấp độ quản lý.
Warren gọi CEO các công ty con của Berkshire là những nhà quản lý của ông. Ông muốn trao quyền cho chúng tôi, cho phép chúng tôi làm những gì mà mình nghĩ là tốt nhất. Tôi coi ông là người có năng lực thúc đẩy sự tự tin bên trong chúng tôi.
Warren còn là một độc giả nhiệt huyết. Tôi đã cố gắng học hỏi điều đó từ ông ấy và đọc rất nhiều bài viết lẫn ấn phẩm. Kiến thức chính là sức mạnh”.