Phí giao dịch chứng khoán từ A đến Z (Mới nhất 2023)

Phí giao dịch chứng khoán là gì? Phí giao dich chứng khoán gồm những loại phí nào? Phí giao dịch chứng khoán công ty nào thấp nhất?… là những câu hỏi thường gặp cũng như thắc mắc của đa số nhà đầu tư trong đó cả nhà đầu tư mới (F0) và nhà đầu tư lâu năm.

Hiện tại Việt Nam có 73 công ty chứng khoán đang hoạt động nên việc lựa chọn mở tài khoản tại công ty nào xem ra thực sự khó khăn. Tuy nhiên việc này rất dễ dàng, chúng ta cứ lựa chọn những công ty chứng khoán lớn nhất và rẻ nhất (chi phí thấp nhất) để mở tài khoản.

Khi mở tài khoản, nhà đầu tư quan tâm nhất vẫn là biểu phí dịch vụ chứng khoán để xem mở tài khoản tại công ty nào sẽ rẻ nhất, tiết kiệm nhiều chi phí nhất!

1. Phí giao dịch chứng khoán là gì?

Phí giao dịch chứng khoán là khoản chi phí mà khách hàng phải trả cho công ty chứng khoán khi giao dịch thành công (khớp lệnh mua hoặc bán) trên cơ sở sử dụng dịch vụ của công ty chứng khoán đó. Bởi vậy nên phí giao dịch chứng khoán đôi khi còn được gọi là phí môi giới chứng khoán.

Ví dụ: Bạn mở tài khoản chứng khoán tại công ty TCBS thì sẽ trả phí cho TCBS, mở tài khoản chứng khoán SSI thì sẽ trả phí cho SSI…

Phí giao dịch được tính bằng phần trăm giá trị giao dịch trong ngày của khách hàng. Mức phần trăm bao nhiêu là do công ty chứng khoán quy định và được điều chỉnh dựa trên độ lớn của tổng giá trị giao dịch trong ngày và vị thế của khách hàng.

Với tổng số tiền giao dịch lớn (vài tỷ đến vài chục tỷ trở lên) thường có mức phí giao dịch thấp hơn, đặc biệt ở một số công ty chứng khoán, nhà đầu tư khi giao dịch có thể thương lượng, đàm phán với công ty đó để có mức phí giao dịch thấp hơn. Mỗi công ty chứng khoán áp dụng mức phí giao dịch khác nhau

Trước đó theo điều chỉnh của Thông tư số 241/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 mức phí giao dịch được quy định trong khung từ 0.15% – 0.5% trên tổng giao dịch

Với Thông tư 127/2018/TT-BTC mới nhất được ban hành có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2019, Bộ Tài Chính đã quyết định loại bỏ mức sàn phí giao dịch và chỉ giới hạn mức trần là 0.5% trên tổng số tiền giao dịch.

Việc bỏ mức sàn (tối thiểu) phí giao dịch tạo điều kiện cho nhiều công ty chứng khoán đưa ra mức phí thấp hoặc miễn phí giao dịch để tạo lợi thế cạnh tranh cho riêng mình, khi các công ty chứng khoán cạnh tranh với nhau sẽ tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn, nhà đầu tư sẽ là người được hưởng lợi.

Các công ty chứng khoán như VPS, MiraeAsset, VNSC… đã từng áp dụng biểu phí giao dịch 0% trong thời gian ngắn hạn sau khi Thông tư 127/2018/TT-BTC được ban hành. Tuy nhiên, chính sách trên không được nhiều doanh nghiệp triển khai trong dài hạn, chỉ được triển khai trong một thời gian ngắn nhằm thu hút khách hàng.

Vậy hiện nay, có doanh nghiệp nào đang miễn phí giao dịch không?

Câu trả lời là . Hiện nay có 2 công ty chứng khoán còn áp dụng mức phí giao dịch 0% là:

  • CTCP Chứng khoán Pinetree (thành viên của Hanwha Group)
  • CTCP Chứng khoán DNSE (DNSE)

CTCP Chứng khoán Pinetree thành lập tháng 10/2002 hiện có vốn điều lệ 970 tỷ đồng (tiền thân là CTCP Chứng khoán HFT và có tên như hiện nay từ tháng 11/2019) là thành viên của Hanwha Group – Tập đoàn kinh tế hàng đầu Hàn Quốc có mức phí giao dịch chứng khoán là 0% hay nói cách khác là MIỄN PHÍ phí giao dịch chứng khoán tại Pinetree.

CTCP Chứng khoán DNSE (tiền thân là CTCP Chứng khoán Đại Nam) được thành lập từ 30/10/2007 với vốn điều lệ ban đầu là 38 tỷ đồng. Tháng 7/2021, DNSE đã tăng vốn điều lệ thành công lên 1.000 tỷ đồng và trở thành 1 trong 38 công ty chứng khoán có vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng. DNSE có mức phí giao dịch chứng khoán là 0% hay nói cách khác là MIỄN PHÍ phí giao dịch chứng khoán tại DNSE.

Ngoài ra có CTCP Chứng khoán AIS hiện có ưu đãi là MIỄN PHÍ phí giao dịch chứng khoán (phí giao dịch 0% trong 3 tháng đầu), sau 3 tháng thì áp dụng mức phí giao dịch trực tuyến là 0.1%. AIS thành lập tháng 09/2007 hiện có vốn điều lệ là 1.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó có nhiều công ty có ưu đãi phí giao dịch 0% trong 1 tháng đầu tiên kể từ khi mở tài khoản.

Tuy nhiên dù có phí hay miễn phí thì Quý khách luôn chịu một khoản phí cố định là 0.03% trên tổng giá trị giao dịch trong ngày. Đây là phí bắt buộc trả cho Sở giao dịch chứng khoán (Sở giao dịch chứng khoán Tp Hồ Chí Minh – sàn HoSE và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội – sàn HNX) theo quy định của Bộ Tài Chính. Mức phí này thường đã bao gồm trong mức phí giao dịch của các công ty chứng khoán.

2. Phí giao dịch chứng khoán công ty nào thấp nhất?

Vì hiện nay chỉ quy định mức trần chứng khoán là 0,5% trên trên tổng số tiền giao dịch trong ngày và quy định mức sàn đã bị loại bỏ tạo điều kiện cho các công ty cạnh tranh lẫn nhau, tung ra nhiều chương trình ưu đãi như giảm mức phí giao dịch chứng khoán thấp nhất để thu hút khách hàng.

Thực tế thì thì không có công ty chứng khoán nào áp dụng mức phí là 0,5% vì mức phí này được xem là quá cao so với mặt bằng chung của thị trường. Mức phí giao dịch chứng khoán chủ yếu dao động trong khoảng từ 0.1% đến 0.35%, mức phí này được đa số các công ty chứng khoán áp dụng.

Mức phí 0.1% được xem là mức phí giao dịch chứng khoán thấp nhất, rẻ nhất hiện nay (không tính 2 doanh nghiệp miễn phí có điều kiện ở trên). Mức phí này áp dụng cho khách hàng giao dịch trực tuyến (online)không có nhân viên môi giới hỗ trợ.

Vậy công ty nào có Phí giao dịch chứng khoán thấp nhất?

Lưu ý mức phí đối với khách hàng giao dịch trực tuyến

Cập nhật ngày: 16/12/2022 (Mới nhất)

  • Mức phí 0.1% thì hiện tại đang được nhiều công ty chứng khoán áp dụng như:
    • Công ty CP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS)
    • Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN)
    • Công ty CP Chứng khoán AIS (từ tháng thứ 4 mức phí là 0.1%)
    • Công ty CP Chứng khoán VPBank
    • Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT (tài khoản DTA)
    • Công ty CP Chứng khoán MB (đối với dịch vụ MBS online là 0.08%)
    • …………………………………………………
  • 0.15% là mức phí phổ biến đang được nhiều công ty chứng khoán áp dụng như:
    • Công ty CP Chứng khoán VPS (giao dịch online 0.13% mở tài khoản từ 20/10/2022 đến 31/12/2022)
    • Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI);
    • Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT (tài khoản DBA và DCA)
    • Công ty CP chứng khoán FPTS (0,13% với giao dịch dưới 2 tỷ đồng/ngày)
    • Công ty CP Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS)
    • Công ty CP Chứng khoán VIX
    • Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt
    • Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt
    • …………………………………………………
  • Các công ty chứng khoán còn lại áp dụng mức phí giao dịch từ 0.2% đến 0.35% trong đó có nhiều công ty lớn như:
    • Công ty CP Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC);
    • Công ty CP Chứng Khoán Bản Việt (VCSC)
    • Công ty CP Chứng khoán VPS (giao dịch online 0.2%)
    • …………………………………………………

Ví dụ minh họa về vai trò của phí giao dịch chứng khoản:

Tại ngày 10/03/2022 bạn mua 10.000 cổ phiếu Vietcombank (VCB) với giá 100.000 đồng. Số tiền bạn chi ra là:

10.000 cp x 100.000 đ/cp = 1 tỷ đồng

  • Với mức phí 0.10% thì số tiền phí bạn phải trả là 1 triệu đồng
  • Với mức phí 0.15% thì số tiền phí bạn phải trả là 1,5 triệu đồng
  • Với mức phí 0.20% thì số tiền phí bạn phải trả là 2 triệu đồng

Rõ ràng bạn có thể tiết kiệm cả triệu đồng mỗi lần giao dịch nếu chọn mức phí thấp nhất.

3. Một số quy định về phí giao dịch chứng khoán

Mức thu phí: Phí giao dịch chứng khoán không được vượt qua mức 0.5% của giá trị giao dịch và không quy định mức tối thiểu. Trên thực tế thì mức phí giao dịch hiện nay nằm trong khoảng 0.1% – 0.35%. Các công ty chứng khoán lâu năm thường có mức phí cao hơn các công ty mới. Nguyên nhân là do đã có số lượng khách hàng ổn định nên không cần giảm phí để thu hút khách hàng  mới.

Phí được tính cả KHI MUA và cả KHI BÁN: khi mua cổ phiếu bạn cũng phải mất phí, khi bán bạn cũng phải mất phí.

Cũng với ví dụ trên khi bạn mua 1 tỷ đồng cổ phiếu Vietcombank (VCB) thì bạn phải trả 1 triệu đồng, khi bạn bán cổ phiếu này đi thì bạn phải trả thêm 1 triệu đồng (giả sử giá VCB đứng yên, không tăng không giảm). Vậy là sau 2 lượt mua và bán cổ phiếu VCB bạn mất 2 triệu đồng (đây là áp dụng cho mức phí thấp nhất là 0.1%).

Với mức phí 0.15% thì số tiền phí bạn phải trả là 3 triệu đồng cho cả 2 lượt mua và bán.

Với mức phí 0.20% thì số tiền phí bạn phải trả là 4 triệu đồng cho cả 2 lượt mua và bán.

Phí được tạm tính khi đặt lệnh và được thực thu khi khớp lệnh thành công: Phí giao dịch được hệ thống tạm tính ngay khi bạn đặt lệnh và được hiển thị cùng với các thông số khác. Bạn chỉ mất phí khi khớp lệnh thành công. Nếu khớp lệnh không thành công hoặc bạn hủy lệnh thì hệ thống sẽ hoàn lại tiền vào tài khoản của bạn.

Giao dịch càng nhiều tiền, mức phí càng rẻ hơn: Mỗi công ty chứng khoán tùy theo chiến lược kinh doanh trong từng giai đoạn sẽ đưa ra khung phí giao dịch khác nhau. Và phí giao dịch của khách hàng sẽ được tính tạm thời theo từng giao dịch riêng lẻ. Cuối ngày mức phí sẽ được quyết toán lại dựa trên lịch sử giao dịch của khách hàng (tổng số tiền giao dịch trong ngày).

Ví dụ: Bạn mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại FPTS, nếu trong một ngày tổng số tiền bạn giao dịch:

  • Dưới 200 triệu đồng thì mức phí là 0.15%
  • Từ 10 tỷ đến 15 tỷ thì mức phí là 0.1%
  • Từ 50 tỷ trở lên thì mức phí là 0.08%

4. Một số loại phí khi giao dịch chứng khoán

Thực chất thì trong chứng khoán có rất nhiều loại phí khác nhau, trong đó phí giao dịch chứng khoán như mình đã đề cập ở trên là quan trọng nhất và được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhất khi mở tài khoản giao dịch chứng khoán.

Dưới đây là một số loại phí khác khi giao dịch chứng khoán để các bạn tìm hiểu thêm.

4.1 Phí lưu ký chứng khoán

Là khoản chi phí nộp cho Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) để đảm bảo quyền sở hữu chứng khoán trên tài khoản của khách hàng tại các Công ty chứng khoán.

Phí này được quy định khác nhau giữa các công ty chứng khoán nhưng không quá 0.5 đồng/cổ phiếu/tháng và là phí thu hộ VSD. Hiện tại mức phí lưu ký chứng khoán phổ biến được đa số công ty chứng khoán áp dụng là 0.27 đồng/cổ phiếu/tháng. Phí lưu ký chứng khoán được tính trên số lượng cổ phiếu mà nhà đầu tư đang nắm giữ (không phân biệt đó là mã cổ phiếu nào hay giá hiện tại là bao nhiêu).

Phí lưu ký chứng khoán là rất nhỏ, không đáng để nhà đầu tư quan tâm.

Ví dụ bạn sở hữu 10.000 cổ phiếu Vietcombank (VCB) thì phí lưu lý 10.000 cổ phiếu VCB của bạn trong 1 tháng là:

0.27 x 10.000 = 2.700 đồng

Với chỉ 2.700 đồng (giá 1 gói mỳ tôm Hảo Hảo) là bạn đã đủ trả phí lưu ký cho 10.000 cổ phiếu. Thật sự là một con số rất rẻ phải không nào?

4.2 Thuế thu nhập cá nhân 0.1% từ chuyển nhượng cổ phiếu

Là thuế nhà đầu tư phải nộp sau khi thực hiện BÁN CỔ PHIẾU bất kể lãi hay lỗ, áp dụng 0.1%/giá trị bán khớp lệnh. Và mức thuế này sẽ chỉ đánh vào người bán ra, còn người mua sẽ không phải chịu. Tức là 1 vòng mua và bán thì sẽ có thêm đầu bán phải chịu thêm thuế 0,1%.

Thuế thu nhập cá nhân áp dụng tại Điều 16 và Điều 21 Thông tư số 92/2015/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2015.

Ví dụ bạn sở hữu 10.000 cổ phiếu VCB có giá trị 1 tỷ đồng, khi bán lượng cổ phiếu này ra thì Thuế thu nhập cá nhân bạn phải chịu là:

1 tỷ đồng x 0.1% = 1 triệu đồng

4.3 Thuế cổ tức

Theo quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế, có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12/2020, nhà đầu tư bán chứng khoán được chia thưởng, được trả cổ tức sẽ bị khấu trừ 5% thuế thu nhập cá nhân.

4.3.1 Thuế cổ tức bằng tiền mặt

Thuế cổ tức bằng tiền mặt là loại thuế đánh vào toàn bộ các cổ tức bằng tiền mặt mà cổ đông được trả từ các công ty( nơi cổ đông sở hữu cổ phiếu của công ty đó) đó áp dụng 5% giá trị cổ tức là tiền mặt. Thông thường, cổ tức bằng tiền mặt sẽ bị khấu trừ luôn tại nguồn (tức doanh nghiệp chi trả).

Cách thu thuế của cục thuế rất đơn giản, chỉ cho phép công ty niêm yết thực sự trả cho cổ đông 95% số tiền mặt nhận được từ cổ tức, còn 5% họ thu ngay từ đầu của công ty niêm yết.

Ví dụ: Ngày 20/09/2020, Vinamilk (VNM) trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 20% tức là nhà đầu tư nhận được 2.000 đồng/cổ phiếu. Nếu nhà đầu tư sổ hữu 10.000 cổ phiếu VNM thì số thuế cổ tức phải đóng là:

10.000 cp x 2.000 đ/cp x 5% = 1 triệu đồng

Số tiền cổ tức nhà đầu tư thực nhận là: 10.000 cp x 2.000 đ/cp x 95% = 19 triệu đồng.

4.3.2 Thuế cổ tức bằng cổ phiếu

Đây là loại thuế TNCN được áp dụng cho các cổ đông khi họ được nhận cổ tức, áp dụng 5%/giá trị cổ phiếu là cổ tức sau khi bán. Ở đây có nghĩa là nếu nhà đầu tư nhận được cổ tức là cổ phiếu thì sau này khi bán số cổ phiếu này thì nhà đầu tư sẽ bị đánh thuế thêm 5% trên tổng giá trị giao dịch.

Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất 5%.

Trong đó:

  • Thu nhập tính thuế = Số lượng cổ phiếu thuộc diện chịu thuế x Giá tính thuế.
  • Giá tính thuế:
    • Nếu Giá bán/chuyển nhượng >= Mệnh giá (10.000 đ): Giá tính thuế = Mệnh giá
    • Nếu Giá bán/chuyển nhượng < Mệnh giá (10.000 đ): Giá tính thuế = Giá bán/giá chuyển nhượng.
    • (Giá bán là giá khớp bình quân gia quyền của các lệnh bán trong ngày).
  • Số lượng cổ phiếu thuộc diện chịu thuế: ưu tiên tính số lượng cổ phiếu từ việc nhận cổ tức cổ phiếu hoặc cổ phiếu thưởng.

4.4 Phí ứng tiền trước

Do thị trường chứng khoán Việt Nam giao dịch T+2 (sau 2 ngày mua cổ phiếu thì cổ phiếu mới về tài khoản để thực hiện giao dịch bán, và sau 2 ngày bán tiền bán cổ phiếu mới về tài khoản) do đó khi nhà đầu tư muốn sử dụng tiền bán cổ phiếu ngay sau khi bán thì phải ứng tiền từ công ty chứng khoán và phải chịu mức phí ứng tiền do công ty quy định.

Ví dụ: Phí ứng trước tiền bán của Công ty CP Chứng khoán SSI là 0.0389%/ngày (tối thiểu 50,000 đồng/lần ứng). Nếu nhà đầu tư bán cổ phiếu Vinamilk thu được 1 tỷ đồng nhưng trong 2 ngày sau (T + 2) thì 1 tỷ đồng mới về trong tài khoản. Sau khi bán xong nếu nhà đầu tư muốn SSI ứng trước 1 tỷ đồng để mua cổ phiếu ngay lúc đó thì số tiền phí nhà đầu tư phải trả sau 2 ngày là:

1 tỷ đồng x 0.0389%/ngày x 2 ngày = 778.000 đồng

Mở tài khoản chứng khoán 1 tỷ và mở đúng chỗ có thể
giúp bạn tiết kiệm 30 – 50 triệu/năm

Đánh giá 5 sao nhé bạn. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này!

Đăng ký
Nhận thông báo
guest

0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận
DMCA.com Protection Status
error: Bản quyền thuộc Adautu.com