Ai đang sở hữu Eximbank?

Theo danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) công bố đến 10/10/2024, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) nắm giữ gần 78,9 triệu cổ phiếu EIB. Mức này tương đương tỷ lệ sở hữu 4,51%. “Ông lớn” quốc doanh Vietcombank hiện là cổ đông lớn thứ hai tại Eximbank, sau Gelex.

Thực tế, “ông lớn” quốc doanh Vietcombank đã sở hữu lượng lớn cổ phiếu EIB hơn chục năm nay. Trước năm 2012, nhà băng này nắm hơn 8,19% vốn Eximbank, nhưng sau đó giảm tỷ lệ sở hữu tại nhà băng này xuống 4,5%, theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Giá gốc của 78,9 triệu cổ phiếu EIB mà Vietcombank mua vào là gần 400 tỷ, hiện có thị giá tương đương hơn 1.400 tỷ đồng.

"Ông lớn" quốc doanh Vietcombank hiện là cổ đông lớn thứ hai tại Eximbank
“Ông lớn” quốc doanh Vietcombank hiện là cổ đông lớn thứ hai tại Eximbank

Vài tháng trở lại đây, cơ cấu cổ đông của Eximbank biến động mạnh với sự xuất hiện của Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex. Doanh nghiệp này hiện là cổ đông lớn nhất, với 174,7 triệu cổ phiếu, tương đương sở hữu 10%. Gelex lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách cổ đông của ngân hàng này từ tháng 7 năm nay. Sau đó, doanh nghiệp này tăng tỷ lệ sở hữu từ 4,9% lên 10%.

Ngày 12/8/2024, Tập đoàn Gelex thông báo về thay đổi sở hữu tại Ngân hàng TMCP  Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Cụ thể, trong hai ngày 7-8/8, Gelex mua lần lượt 50 triệu và 39 triệu cổ phiếu EIB bằng phương thức giao dịch trên sàn chứng khoán TP HCM. Sau khi hoàn tất, sở hữu của Gelex tăng từ 85,5 triệu cổ phiếu, chiếm 4,9% lên 174,6 triệu cổ phiếu, tương đương 10% vốn điều lệ Eximbank.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, CEO Gelex, là một trong số những cổ đông lớn nhất của Gelex. Ông và người nhà cũng từng giữ vị trí lãnh đạo tại Công ty cổ phần chứng khoán VIX – doanh nghiệp đang sở hữu hơn 62,3 triệu cổ phiếu, tương đương 3,58% Eximbank.

Ngoài ra, danh sách cổ đông nắm giữ trên 1% vốn ngân hàng này còn Công ty cổ phần chứng khoán VIX với hơn 62,3 triệu cổ phiếu, tương đương 3,58%. Hai cá nhân khác là bà Lương Thị Cẩm Tú (Phó chủ tịch Eximbank) và Lê Thị Mai Loan giữ lần lượt 1,12% và trên 1%.

Danh sách cổ đông nắm giữ trên 1% vốn ngân hàng Eximbank
Danh sách cổ đông nắm giữ trên 1% vốn ngân hàng Eximbank

Thị trường mới đây lan truyền văn bản “kiến nghị và phản ánh khẩn cấp về rủi ro nghiêm trọng dẫn đến mất an toàn hoạt động và nguy cơ sụp đổ hệ thống Eximbank”, khiến nhà đầu tư xả hàng lượng lớn cổ phiếu EIB phiên 14/10.

Eximbank sau đó khẳng định tài liệu này không xuất phát từ ngân hàng và chưa được xác thực. Dự kiến cuối tháng 11, nhà băng này sẽ tổ chức cuộc họp cổ đông bất thường, nhằm thông qua việc thay đổi trụ sở chính. Đây là lần đầu ngân hàng này họp cổ đông bất thường tại Hà Nội, thay vì tại TP HCM như trước đây.

5% cổ phần Eximbank được giao dịch trong phiên 14/10/2024

Phiên giao dịch 14/10/2024 ghi nhận gần 100 triệu cổ phiếu EIB (tương đương 5,35% vốn) của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) được trao tay thông qua phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Đây cũng là mức thanh khoản cao nhất trong gần 2 năm trở lại của EIB, kể từ phiên 17/11/2022.

Cụ thể, 57 triệu cổ phiếu EIB (3,06% vốn), được giao dịch thỏa thuận. Các giao dịch này có tổng giá trị 1.049 tỷ đồng, tương đương giá trị giao dịch bình quân là là 18.400 đồng/CP. Đối với phương thức khớp lệnh, 42,6 triệu cổ phiếu EIB đã được trao tay với tổng giá trị 778 tỷ đồng.

Kết phiên 14/10/2024, cổ phiếu EIB giảm 4,45% so với tham chiếu xuống còn 18.250 đồng/CP. Đây cũng là mã cổ phiếu có mức giảm mạnh nhất trong nhóm ngân hàng, ảnh hưởng tiêu cực tới chỉ số VN-Index.

Tình hình kinh doanh Eximbank 2024

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Eximbank ghi nhận hơn 1.474 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 5% so với 6 tháng đầu năm ngoái. Dù mới hoàn thành 28% kế hoạch cả năm nhưng bức tranh lợi nhuận của ngân hàng này cho thấy sự khả quan khi lợi nhuận kinh doanh tăng dần theo từng quý.

Tính đến cuối quý II/2024, tổng tài sản của Eximbank tăng 5% so với đầu năm, lên 211.999 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN tăng 38% đạt 5.599 tỷ đồng, tiền gửi tại TCTD khác giảm 27% đạt 31.542 tỷ đồng, cho vay khách hàng tăng 8% đạt 151.327 tỷ đồng.

Tổng nợ xấu tính đến 30/06/2024 là 4.002 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Đáng chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn và nghi ngờ dịch chuyển sang nợ có khả năng mất vốn. Nhưng tỷ lệ nợ xấu/dư nợ giảm nhẹ từ 2,65% đầu năm xuống còn 2,64%.

Trong 29 ngân hàng thương mại đã công bố báo cáo tài chính quý II, Eximbank là ngân hàng hiếm hoi hiện nay hoàn toàn không có dư nợ từ việc cho vay trái phiếu doanh nghiệp. Đây có thể coi là điểm cộng lớn đối với chất lượng tài sản của Eximbank trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng kéo dài từ năm 2022.

Năm 2024, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 5.180 tỷ đồng, cao hơn 90,5% so với kết quả năm trước. Tổng tài sản được kỳ vọng tăng thêm 11%, lên mức 223.500 tỷ đồng; huy động vốn tăng thêm 10,5%, lên 175.000 tỷ đồng.

Trước đó, Eximbank công bố sẽ chi trả cổ tức với tỷ lệ 3% bằng tiền mặt từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đến năm 2023. Với hơn 1.740 triệu cổ phiếu đang niêm yết và lưu hành, ngân hàng sẽ chi khoảng 522 tỷ đồng để trả cổ tức. Đây là lần đầu tiên sau 10 năm, ngân hàng này chia cổ tức bằng tiền mặt.

Câu chuyện “cơm không lành canh không ngọt”

Từng có “cơ hội vàng” để vươn lên trở thành ngân hàng trong nhóm dẫn đầu hệ thống, tuy nhiên, những câu chuyện “cơm không lành canh không ngọt” giữa các nhóm cổ đông thời gian trước là nguyên nhân dẫn đến bất đồng, mâu thuẫn ý kiến khiến ròng rã 3 năm Eximbank không thể tổ chức Đại hội cổ đông thành công một cách trọn vẹn như những ngân hàng cùng quy mô khác. Điều này cũng ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh của Eximbank.

Sau nhiều năm lục đục ở dàn nhân sự cấp thượng tầng, 2022 là năm đầu tiên nhà băng này tổ chức đại hội cổ đông thành công sau 11 lần bất thành và dàn xếp được bộ máy hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới.

Cũng trong năm 2022, loạt cổ đông như Thành công Group, Âu Lạc hay VinaCapital đều thông báo thoái toàn bộ vốn khỏi nhà băng. Đáng chú ý, Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) – cổ đông lớn nhất của Eximbank lúc bấy giờ, với tỷ lệ sở hữu hơn 15% vốn điều lệ, cũng đã chấm dứt trước thời hạn thỏa thuận liên minh chiến lược với nhà băng từ đầu năm 2022 và hoàn tất rút vốn vào năm 2023.

Sau khi các cổ đông lâu năm thoái sạch vốn, cơ cấu cổ đông của Eximbank vẫn được “ẩn giấu”, phải đến khi Luật Các tổ chức tín dụng mới ban hành yêu cầu, ngày 24/07/2024, Eximbank mới công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của ngân hàng tại thời điểm 01/07/2024.

Điều đáng chú ý là, trong danh sách mới không còn sự xuất hiện của Công ty Cổ phần Thắng Phương, doanh nghiệp từng nắm giữ 53,4 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,07% vốn của Eximbank, theo danh sách cập nhật tại ngày 01/07/2024.

Do đó, việc Thắng Phương không còn trong danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của Eximbank có thể do cổ đông này đã bán bớt cổ phần hoặc toàn bộ số cổ phần sở hữu tại Eximbank. Cũng không loại trừ việc cổ đông này chia nhỏ cổ phần cho người có liên quan để không còn nắm trên 1% vốn ngân hàng để không thuộc diện phải công bố thông tin sở hữu.

Được biết, CTCP Thắng Phương và bà Lê Thị Mai Loan là các cổ đông có mối quan hệ với Bamboo Capital (BCG) và ông Nguyễn Hồ Nam – Phó Chủ tịch HĐQT Eximbank.

Theo đó, bà Lê Thị Mai Loan từng là nhân sự chủ chốt của Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) và đại diện cho phần vốn góp của Bamboo Capital tại CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp Vận tải Tracodi (TCD). Ngoài ra, bà cũng từng là thành viên Ban kiểm soát của Bamboo Capital và Phó Chủ tịch thường trực CTCP BCG Land – thành viên thuộc Bamboo Capital. Bà Loan thôi các chức vụ tại BCG Land và Tracodi từ tháng 9/2022.

Còn về phía CTCP Thắng Phương, công ty này hiện có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông là CTCP Xuất khẩu Lao động Tracodi (nắm giữ 18% vốn); bà Huỳnh Thị Hồng Hạnh (nắm giữ 57,4% vốn) và bà Phạm Thị Ngọc Thanh (nắm giữ 24,6% vốn).

Trong số này, CTCP Xuất khẩu Lao động Tracodi là công ty con thuộc Tracodi – một doanh nghiệp trong hệ sinh thái của Bamboo Capital. Còn bà Phạm Thị Ngọc Thanh hiện đang là người đại diện theo pháp luật của Đầu tư và Dịch vụ Helios – công ty do ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital làm cổ đông sáng lập.

Hồi cuối tháng 4/2024, Eximbank đã bổ nhiệm ông Nguyễn Hồ Nam – Thành viên HĐQT kiêm cố vấn HĐQT Eximbank đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT Eximbank. Tại thời điểm đó, ông Nam là người sáng lập Bamboo Capital; và là Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital, CTCP Bamboo Energy; Thành viên HĐQT tại Quản lý quỹ Fides Việt Nam.

Ngay sau đó, ông Nam đã có đơn xin từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital. Ông từng chia sẻ rằng, ông từ nhiệm “không phải để rời đi” mà để chuyển lên cương vị mới là hội đồng chiến lược của tập đoàn. Trong đó, ông sẽ làm chủ tịch và sẽ dành thời gian để tìm kiếm những hướng đi mới cho tập đoàn.

Giới thiệu về ngân hàng Eximbank

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) được thành lập ngày 24/05/1989, bắt đầu hoạt động từ 17/01/1990 và nhận giấy phép số 11/NH-GP vào 06/04/1992 cho phép ngân hàng hoạt động trong 50 năm với số vốn điều lệ đăng ký là 50 tỷ đồng (tương đương 12,5 triệu đô la Mỹ), với tên gọi mới là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất Nhập Khẩu Việt Nam.

Eximbank hoạt động trên khắp cả nước với 216 chi nhánh và phòng giao dịch, đặt trụ sở chính tại thành phố Hồ Chí Minh và phát triển mạng lưới quan hệ đại lý với hơn 624 ngân hàng tại 70 quốc gia trên thế giới. Vốn điều lệ của Eximbank năm 2023 là 17.470 tỷ đồng.

Eximbank có hội sở chính đặt tại Tầng 8 – Vincom Center, 72 Lê Thánh Tôn và 45A Lý Tự Trọng, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM.

 

Đánh giá 5 sao nhé bạn. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này!

Đăng ký
Nhận thông báo
guest

0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận
DMCA.com Protection Status
error: Bản quyền thuộc Adautu.com