Với mức giá 237.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu VCF của Công ty Cổ phần Vinacafé Biên Hòa là cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn HOSE.
Thị trường phiên giao dịch cuối cùng của tháng 1/2023 diễn biến khá nhiều bất ngờ. Ở phiên sáng, thị trường chìm vào sắc đỏ khi số lượng mã giảm chiếm ưu thế, VN-Index có thời điểm giảm hơn 10 điểm. Thị trường thời điểm đó tiếp tục chịu áp lực chốt lời của nhà đầu tư khi đa phần có tâm lý ‘lấy lộc’ đầu năm.
Đến phiên giao dịch chiều, dòng tiền bắt đầu trở nên tích cực, lực bán của nhà đầu tư được hấp thụ tốt. Nhiều mã ở cuối phiên bỗng đổi sắc xanh mạnh. Trong đó phải kể đến là nhóm cổ phiếu ngân hàng với nhiều đại diện dẫn dắt thị trường. Nhìn vào bản đồ nhiệt ở sàn HOSE, có thể thấy dòng tiền ở phiên này đang tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Điều này cũng khá trùng khớp với sự thay đổi ‘khẩu vị’ của nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua.

Kết phiên, chỉ số VN-Index bật tăng hơn 8,6 điểm, đóng cửa trên mốc 1.111,18 điểm với 258 mã tăng, trong đó có 13 mã tăng trần. Thanh khoản ở sàn HOSE cũng trở nên sôi động hơn, với hơn 13.600 tỉ đồng được giao dịch.
Đi cùng với sự tích cực chung của thị trường chứng khoán, cổ phiếu VCF của Vinacafé Biên Hòa cũng diễn biến rất tích cực. Kết phiên VCF đóng cửa ở mức giá 237.000 đồng/cổ phiếu, tiệm cận mức giá trần của phiên. Với mức giá hiện nay, VCF đang là ‘vua thị giá’ ở sàn HOSE.
Theo tìm hiểu, VCF chính thức được niêm yết và giao dịch ở sàn HOSE vào năm 2011 với mức giá khởi điểm là 50.000 đồng/cổ phiếu. Theo mức giá điều chỉnh, thị giá hiện tại của VCF đã gấp gần 8 lần so với thời điểm mới chào sàn. Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử giao dịch của VCF trong hơn 1 thập kỷ ở sàn HOSE, có thể thấy đây là một cổ phiếu gần như không có thanh khoản, khi khối lượng giao dịch bình quân của cổ phiếu này trong 1 năm qua dưới 200 cổ phiếu/phiên.

Đây cũng là điều dễ hiểu khi số lượng cổ phiếu được giao dịch tự do của VCF khá thấp. Theo dữ liệu từ Báo cáo thường niên năm 2021, Công ty TNHH MTV Masan Beverage đang sở hữu gần 98,79% vốn cổ phần tại Vinacafé Biên Hòa.
Về kết quả kinh doanh, quý IV/2022 vừa qua Vinacafé Biên Hòa đạt hơn 107,2 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 48% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo giải trình kết quả kinh doanh, Vinacafé Biên Hòa cho biết lợi nhuận thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh trước thuế thu nhập doanh nghiệp của Công ty trong quý IV/2022 thấp hơn 49% so với cùng kỳ năm trước, do ảnh hưởng của việc doanh thu thuần giảm 30% từ các ngành hàng ngũ cốc và cà phê hòa tan. Thêm vào đó, phần lợi nhuận sụt giảm được cấn trừ một phần từ tăng trưởng thu nhập thuần từ hoạt động tài chính tăng 3% nhờ tối ưu dòng tiền. Tổng kết cả năm 2022, Công ty báo lãi sau thuế hơn 319 tỉ đồng, giảm hơn 27,5% so với năm 2021.

Thực ra cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn chứng khoán Việt Nam là cổ phiếu VNZ của tập đoàn VNG (tiền thân là Vinagame). VNZ chính thức giao dịch trên sàn Upcom với giá tham chiếu 240.000 đồng/cổ phiếu từ ngày 05/01/2023 nhưng không có thanh khoản dù khối lượng đặt mua với giá trần rất lớn. Tới ngày 01/02/2023 mới có 100 cổ phiếu VNZ đầu tiên khớp lệnh với giá 336.000 đồng/cp (tăng 40% biên độ), đây là phiên giao dịch có lệnh khớp đầu tiên của VNZ kể từ khi chính thức lên sàn. Với thị giá 336.000 đồng/cp thì VNZ là cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Tính đến ngày 10/02/2023, với thị giá là 893.400 đồng/cp thì VNZ là cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn chứng khoán Việt Nam hiện nay. Để mua được 1 lô chẵn 100 cổ phiếu VNZ thì cần đến 89,34 triệu đồng (gần 100 triệu đồng) một con số lớn không tưởng!!!
Như vậy, với giá 893.400 đồng/cp tại phiên giao dịch sáng 10/02, cùng với hơn 35,84 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa cổ phiếu VNZ đã cán mốc trên 32.000 tỷ đồng (hơn 1,3 tỷ usd).
Đây được xem là cổ phiếu đắt đỏ hàng đầu sàn chứng khoán ở thời điểm hiện tại. Lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam, hiếm có mã nào vươn lên thị giá trên 500.000 đồng/cổ phiếu. Trước đó một số mã đứng ở mức cao như ROS (FLS Faros, giá 214.000 đồng/cổ phiếu vào năm 2017), YEG (Yeah1, giá 343.000 đồng vào năm 2018), L14 (Licogi 14, giá 382.580 đồng/cổ phiếu vào năm 2022)…
Trước đó mã VNZ được chính thức chào sàn UPCoM từ ngày 05/01/2023, với mức tham chiếu 240.000 đồng/cổ phiếu. Trước đó, suốt hơn 1 tháng, VNZ không xuất hiện bất kỳ giao dịch nào. Bên mua liên tục dồn lệnh nhưng không có bên bán.
Cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp gồm cổ đông lớn nhất là VNG Limited – thành lập ở quần đảo Cayman (lãnh thổ hải ngoại của Anh ) giữ 61,1%. Tiếp đến là Công ty cổ phần công nghệ BigV giữ 5,7%. Cuối cùng là ông Lê Hồng Minh – nhà sáng lập, cựu chủ tịch – nắm 12,3%.
Vốn hóa tăng mạnh, với hơn 3,5 triệu cổ phiếu đang nắm giữ, khối tài sản chứng khoán của riêng ông Lê Hồng Minh cũng tăng lên mốc hơn 3.000 tỷ đồng. Tài sản của nhiều cổ đông khác cũng vụt tăng.
Ngay từ khi mở cửa phiên 13/02, thị giá VNZ của CTCP VNG lại có thêm một phiên tăng kịch trần tăng 134.000 đồng (+15%) chỉ với 100 cổ phiếu khớp lệnh lên mức giá kỷ lục 1.027.400 đồng/cp với chuỗi 9 phiên liên tiếp.
Như vậy, VNZ đã trở thành cái tên đầu tiên trong lịch sử chứng khoán Việt Nam chạm đến mức thị giá trên 1 triệu đồng/cp. Vốn hóa thị trường của VNG đã đạt mức 29.500 tỷ đồng, tương đương hơn 1,25 tỷ USD, gấp gần 4,3 lần thời điểm chào sàn.
Tuy nhiên con số này mới bằng một nửa mức định giá là 2 tỷ USD khi VNG thông báo bán ra 355.820 cổ phiếu quỹ với giá 1.861.800 đồng/cp cho Seletar Investments vào cuối tháng 3/2019.