Ngày giao dịch không hưởng quyền & Ngày đăng ký cuối cùng từ A đến Z

Trong đầu tư chứng khoán, có 2 ngày đặc biệt thường được nhắc đến mà nhiều nhà đầu tư chưa thực sự hiểu rõ. Đó là: Ngày giao dịch không hưởng quyền và Ngày đăng ký cuối cùng. Bên cạnh đó còn có ngày thanh toán

Đây là khái niệm này dùng để xác định nhà đầu tư có được hưởng các quyền liên quan đối với cổ phiếu hay không? Nhà đầu tư thường nhận thấy những ngày này hay xuất hiện khi các doanh nghiệp thông báo sắp trả cổ tức hoặc họp cổ đông

1. Ngày giao dịch không hưởng quyền (GDKHQ) là gì?

Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày giao dịch mà người mua sẽ không được hưởng các quyền có liên quan (quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm, quyền tham dự họp Đại hội cổ đông…)

Mục đích của ngày này là để chốt danh sách cổ đông sở hữu cổ phiếu của Tổ chức phát hành hiện tại.

Bên cạnh đó, vào ngày giao dịch không hưởng quyền (GDKHQ) thì giá cổ phiếu sẽ bị điều chỉnh, giá cổ phiếu sẽ hạ xuống. Khoản hạ xuống này sẽ tương đương với giá trị phần cổ tức đã chia cho các cổ đông. Trong thời gian trả cổ tức được công bố, những cổ đông này sẽ bù đắp lại khoản sụt giảm này.

2. Ngày đăng ký cuối cùng là gì?

Ngày đăng ký cuối cùng (hay còn gọi là ngày chốt quyền hay ngày chốt danh sách) là ngày Trung tâm lưu ký chốt danh sách khách hàng sở hữu chứng khoán để thực hiện các quyền cho cổ đông. Tại ngày chốt danh sách, nếu có tên trong danh sách, người sở hữu chứng khoán sẽ có:

  • Quyền nhận cổ tức
  • Quyền mua cổ phiếu phát hành thêm
  • Quyền tham dự họp Đại hội cổ đông

Theo quy định chu kỳ thanh toán T+2 hiện tại, nhà đầu tư phải hai ngày sau mới thực sự sở hữu cổ phiếu. Do đó ngày giao dịch trước ngày đăng ký cuối cùng sẽ là ngày giao dịch mà nhà đầu tư khi mua cổ phiếu sẽ không được hưởng các quyền lợi của cổ đông.

Nhà đầu tư mua cổ phiếu trước ngày GDKHQ thì sẽ có tên trong danh sách được hưởng quyền. Nếu mua cổ phiếu tại ngày GDKHQ hoặc sau ngày GDKHQ thì nhà đầu tư sẽ không có tên trong danh sách và sẽ không được hưởng các quyền đó.

Lưu ý: Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày làm việc liền trước ngày đăng ký cuối cùng. Do vậy, nếu ngày đăng ký cuối cùng rơi vào Thứ 2 thì ngày giao dịch không hưởng quyền sẽ là ngày Thứ 6 của tuần liền trước. Hay nếu ngày Lễ, Tết rơi vào trước ngày đăng ký cuối cùng thì nhà đầu tư cũng cần loại ra để xác định đúng ngày giao dịch không hưởng quyền.

Ví dụ: Ngày giao dịch không hưởng quyền là gì?

Trong trường hợp này, nếu ngày 08/11 là ngày đăng ký cuối cùng thì ngày 7/11 là ngày giao dịch không hưởng quyền, bởi:

– Nếu bạn mua chứng khoán ngày 6/11, thì ngày chứng khoán về là ngày 8/11. Tức là khi chốt quyền, bạn sẽ có tên trong danh sách cổ đông.

– Nếu bạn mua chứng khoán ngày 07/11 thì chứng khoán về tài khoản ngày 09/11, sau ngày đăng ký cuối cùng và không được hưởng quyền.

Việc xác định hai trường hợp này là điều quan trọng bởi liên quan đến chiến lược giao dịch và cả thời gian giao dịch.

– Ví dụ đối với các hoạt động trả cổ tức bằng cổ phiếu, thị giá cổ phiếu sẽ được điều chỉnh sau khi chốt quyền, giảm tương ứng với tỷ lệ chia. Việc sở hữu cổ phiếu trước hay sau ngày chốt quyền về bản chất là không đổi bởi thị giá điều chỉnh, nhưng nhiều nhà đầu tư sẽ chọn việc mua cổ phiếu sau chốt quyền để tránh việc phải chờ cổ tức về tài khoản.

– Hiện tại, hầu hết các giao dịch cổ phiếu sẽ mất hai ngày làm việc sau khi khớp lệnh để được giải quyết. Ví dụ, một cổ phiếu được mua vào Thứ 3 thường sẽ thanh toán vào Thứ 5. Mặc dù mốc thời gian này thay đổi đối với một số sản phẩm, điều đó có nghĩa là bạn phải suy nghĩ trước. Để đủ điều kiện nhận cổ tức, bạn sẽ cần mua cổ phiếu ít nhất hai ngày trước ngày giao dịch không hưởng quyền.

3. Ngày thanh toán là gì?

Ngày thanh toán là ngày Cổ tức bằng tiền mặt hoặc Cổ tức bằng cổ phiếu sẽ được trả về tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư.

4. Ví dụ minh họa với cổ phiếu cụ thể

4.1 Ví dụ cổ phiếu FPT

Công ty cổ phần FPT (mã FPT) sẽ trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 10% (tương ứng 01 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng). Ngày 01/06/2021 là ngày giao dịch không hưởng quyền và Công ty sẽ thanh toán vào ngày 16/06/2021. Ngoài ra, Công ty dự kiến phát hành hơn 118,36 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 15% (20:3), tương đương cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu sẽ nhận thêm 03 cổ phiếu mới.

Giải thích ví dụ về cổ phiếu FPT nêu trên:

  • Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 01/06/2021. Vào ngày này giá cổ phiếu FPT sẽ được điều chỉnh giảm xuống
  • Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 02/06/2021. Vào ngày này Trung tâm lưu ký sẽ chốt danh sách cổ đông đang sở hữu cổ phiếu FPT để tiến hành thực hiện quyền được trả cổ tức.
  • Ngày thanh toán là 16/06/2021, vào ngày này cổ tức bằng tiền và cổ phiếu mới sẽ về tài khoản.
  • Giao dịch MUA cổ phiếu thực hiện từ ngày 31/05/2021 trở về trước, cổ đông sẽ nhận được quyền chi trả cổ tức. Giao dịch BÁN cổ phiếu từ ngày 01/06/2021 trở về sau cổ đông vẫn sẽ nhận được quyền chi trả cổ tức trong đợt này.
  • Nếu bạn thực hiện Giao dịch MUA cổ phiếu thực hiện từ ngày 01/06/2021 trở về sau thì sẽ KHÔNG nhận được quyền chi trả cổ tức trong đợt này.

Ví dụ:

Nếu vào ngày 31/05/2021 bạn đặt mua thành công 1.000 cổ phiếu FPT hoặc trong ngày này bạn còn nắm giữ 1.000 cổ phiếu FPT đã mua trước đó thì vào ngày 16/06/2021 bạn sẽ nhận được thêm:

Cổ tức bằng tiền mặt: 1.000 cổ phiếu x 1.000 đồng = 1.000.000 đồng (trừ đi thuế TNCN 5% thì còn 950.000 đồng.

Cổ tức bằng cổ phiếu: 1.000 cổ phiếu x 15% = 150 cổ phiếu FPT mới

Vào ngày 16/06/2021 bạn vào tài khoản chứng khoán kiểm tra thì sẽ nhận thấy bạn có 950.000 đồng và 1.150 cổ phiếu FPT.

Nếu vào ngày 01/06/2021 bạn bán thành công 1.000 cổ phiếu FPT đi thì vào ngày 16/06/2021 bạn cũng nhận được 950.000 đồng và 150 cổ phiếu FPT mới. Vì ngày 02/06/2021 Trung tâm lưu ký chốt danh sách cổ đông (người đang sở hữu cổ phiếu FPT) thì vẫn còn tên của bạn nên bạn vẫn được hưởng quyền.

4.2 Ví dụ cổ phiếu VNM

Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk – mã VNM) – Ngày 07/09/2021 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức Đợt 1 năm 2021 của CTCP Sữa Việt Nam (VNM – HOSE), ngày đăng ký cuối cùng là 08/09/2021. Theo đó, cổ tức sẽ được trả bằng tiền mặt theo tỷ lệ 15%, thanh toán bắt đầu từ ngày 30/09/2021

Giải thích ví dụ về cổ phiếu VNM nêu trên:

  • Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 07/09/2021. Vào ngày này giá cổ phiếu FPT sẽ được điều chỉnh giảm xuống.
  • Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 08/09/2021. Vào ngày này Trung tâm lưu ký sẽ chốt danh sách cổ đông đang sở hữu cổ phiếu VNM để tiến hành thực hiện quyền được trả cổ tức
  • Ngày thanh toán là 30/09/2021, vào ngày này cổ tức bằng tiền sẽ về tài khoản.
  • Giao dịch MUA cổ phiếu thực hiện từ ngày 06/09/2021 trở về trước, cổ đông sẽ nhận được quyền chi trả cổ tức. Giao dịch BÁN cổ phiếu từ ngày 07/09/2021 trở về sau cổ đông vẫn sẽ nhận được quyền chi trả cổ tức trong đợt này.
  • Nếu bạn thực hiện Giao dịch MUA cổ phiếu thực hiện từ ngày 07/09/2021 trở về sau thì sẽ KHÔNG nhận được quyền chi trả cổ tức trong đợt này.

Ví dụ:

Nếu vào ngày 06/09/2021 bạn đặt mua thành công 1.000 cổ phiếu VNM hoặc trong ngày này bạn còn nắm giữ 1.000 cổ phiếu VNM đã mua trước đó thì vào ngày 30/09/06/2021 bạn sẽ nhận được thêm:

Cổ tức bằng tiền mặt: 1.000 cổ phiếu x 1.500 đồng = 1.500.000 đồng (trừ đi thuế TNCN 5% thì còn 1.425.000 đồng)

Vào ngày 30/09/2021 bạn vào tài khoản chứng khoán kiểm tra thì sẽ nhận thấy bạn sẽ có thêm 1.4250.000 đồng

Nếu vào ngày 07/09/2021 bạn bán thành công 1.000 cổ phiếu VNM đi thì vào ngày 30/09/2021 bạn cũng nhận được 1.425.000 đồng. Vì ngày 08/09/2021 Trung tâm lưu ký chốt danh sách cổ đông (người đang sở hữu cổ phiếu VNM) thì vẫn còn tên của bạn nên bạn vẫn được hưởng quyền.

5. Những câu hỏi thường gặp về Ngày GDKHQ

5.1 Ngày giao dịch không hưởng quyền có bán cổ phiểu được không?

Câu trả lời: Được

Bạn có quyền mua bán cổ phiếu bình thường trong ngày giao dịch không hưởng quyền. Tuy nhiên khi bạn đặt lệnh MUA thành công trong ngày GDKHQ bạn sẽ không được hưởng các quyền có liên quan (quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm, quyền tham dự họp Đại hội cổ đông…) trong đợt đó do bạn không có tên trong danh sách chốt cổ đông.

Ngược lại khi bạn đặt lệnh BÁN thành công trong ngày GDKHQ bạn vẫn sẽ được hưởng các quyền có liên quan (quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm, quyền tham dự họp Đại hội cổ đông…) trong đợt đó do bạn vẫn có tên trong danh sách chốt cổ đông sau đó 1 ngày.

5.2 Giá cổ phiếu sau ngày giao dịch không hưởng quyền như thế nào?

Vào ngày giao dịch không hưởng quyền (GDKHQ) thì giá cổ phiếu sẽ bị điều chỉnh, giá cổ phiếu sẽ hạ xuống. Khoản hạ xuống này sẽ tương đương với giá trị phần cổ tức đã chia cho các cổ đông. Trong thời gian trả cổ tức được công bố, những cổ đông này sẽ bù đắp lại khoản sụt giảm này.

Giá cổ phiếu sẽ được điều chỉnh hạ xuống theo công thức bên dưới:

5.3 Có nên mua bán cổ phiếu vào ngày giao dịch không hưởng quyền?

Tùy theo chiến lược đầu tư cổ phiếu của bạn mà bạn quyết định có mua hay bán cổ phiếu vào ngày giao dịch không hưởng quyền. Về cơ bản thì ngày giao dịch không hưởng quyền cũng giống như bao ngày giao dịch bình thường khác trên thị trường chứng khoán, chỉ khác ở Mục đích của ngày này là để chốt danh sách cổ đông sở hữu cổ phiếu của Tổ chức phát hành hiện tại.

Ví dụ đối với các hoạt động trả cổ tức bằng cổ phiếu, thị giá cổ phiếu sẽ được điều chỉnh sau khi chốt quyền, giảm tương ứng với tỷ lệ chia. Việc sở hữu cổ phiếu trước hay sau ngày chốt quyền về bản chất là không đổi bởi thị giá điều chỉnh, nhưng nhiều nhà đầu tư sẽ chọn việc MUA cổ phiếu sau ngày chốt quyền hoặc BÁN cổ phiếu trước ngày chốt quyền để tránh việc phải chờ cổ tức về tài khoản hoặc tránh bị nhận cổ phiếu lẻ.

Đánh giá 5 sao nhé bạn. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này!

Đăng ký
Nhận thông báo
guest

0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận
DMCA.com Protection Status
error: Bản quyền thuộc Adautu.com