Có bao nhiêu Công ty Vốn hóa tỷ đô trên thị trường chứng khoán Việt Nam?

Sau 1 năm biến động mạnh, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn 43 công ty “tỷ đô” vốn hóa (vốn hóa trên 23.500 tỷ đồng).

Tổng vốn hóa của 43 công ty “tỷ đô” đạt 3,6 triệu tỷ đồng, tương ứng 152 tỷ USD và chiếm 68% so với tổng vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua năm 2022 với nhiều cung bậc cảm xúc của nhà đầu tư khi không còn “đánh đâu thắng đó”. Chỉ số chính của thị trường từ mức đỉnh trên 1.500 điểm vào tháng 4 đã nhanh chóng “lao dốc” xuống vùng 873 điểm chỉ hơn nửa năm sau đó. VN-Index đạt đỉnh 1.536,45 vào ngày 11/01/2022 và về mức thấp nhất tại 873,78 vào ngày 16/11/2022. Kết thúc phiên giao dịch năm 2022 tại ngày 30/12/2022 VN-Index ở mức 1.007,09.

Con số âm 32,78% của VN-Index trong năm qua là mức giảm mạnh nhất trong 14 năm và cũng là mức giảm mạnh thứ 2 trong lịch sử chỉ sau năm 2008.

Sự trồi sụt của thị trường đã kéo hàng loạt cổ phiếu chao đảo và theo đó, từ đỉnh điểm có gần 70 doanh nghiệp vốn hoá tỷ USD, số lượng doanh nghiệp vốn hoá tỷ USD bị sụt giảm mạnh mẽ.

Tính theo số liệu chốt Thứ 6 ngày 30/12/2022 phiên giao dịch cuối cùng năm 2022, trên cả 3 sàn HoSE, HNX, UpCOM có tổng cộng 43 doanh nghiệp vốn hóa trên 1 tỷ USD (trên 23.500 tỷ đồng), giảm 16 doanh nghiệp so với thời điểm đầu năm.

Tổng vốn hóa của 43 doanh nghiệp “tỷ đô” đạt 3,6 triệu tỷ đồng, tương ứng 152 tỷ USD, giảm so với thời điểm đầu năm là hơn 92 tỷ USD. So với tổng vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam là xấp xỉ 5,3 triệu tỷ đồng (223,7 tỷ USD) thì quy mô vốn hóa 43 doanh nghiệp tỷ đô này chiếm 68%.

Xét về sự phân bổ của các sàn:

  • HoSE có tới 37 doanh nghiệp vốn hóa từ 1 tỷ USD trở lên;
  • Sàn UPCom có 6 doanh nghiệp, giảm 7 doanh nghiệp so với đầu năm.
  • Trong khi HNX đã không còn đại diện nào ở lại trong nhóm này.

Thời điểm đầu năm 2 cái tên sàn HNX góp mặt là Thai Holdings (THD) và KS Finance (KSF) đã rời danh sách. Tính đến ngày 30/12/2022, KS Finance (KSF)  có vốn hóa 21.450 tỷ đồng và Thai Holdings (THD) có vốn hóa 13.650 tỷ đồng.

Sau 1 năm biến động mạnh, TTCK Việt Nam vẫn còn 43 doanh nghiệp tỷ đô vốn hóa – Màu Cam: sàn UpCOM; Còn lại: sàn HoSE

Nhìn vào từng doanh nghiệp cụ thể, Vietcombank hiện là doanh nghiệp Vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với gần 380.000 tỷ đồng, tương ứng 16,11 tỷ USD, thậm chí vượt xa mức vốn hóa 2 ngân hàng BIDV (195.000 tỷ đồng ~ 8,31 tỷ USD), Vietinbank (131. tỷ đồng ~ 5,57 tỷ USD) cộng lại.

Trong khi đó, “bộ đôi” Vingroup xếp ngay sau với vốn hóa Vinhomes đạt 209.000 tỷ đồng (8,89 tỷ USD) và Vingroup với 205.000 tỷ đồng (8,73 tỷ USD), chỉ nhỉnh hơn chút so với cái tên lớn thứ 4 về vốn hóa là ngân hàng BIDV (mã BID) với 8,3 tỷ USD.

Trong danh sách tỷ đô vốn hóa, Ngân hàng Phương Đông (OCB) là cái tên có vốn hóa nhỏ nhất với 24.650 tỷ đồng, tương ứng 1,05 tỷ USD. OCB đã bứt phá mạnh hơn 46% so với đáy hồi đầu tháng 10 để trở lại cột mốc tỷ đô vốn hoá này.

Xét về sự phân bổ nhóm ngành, các cổ phiếu ngân hàng vẫn chiếm ưu thế trong danh sách tỷ đô vốn hóa khi có tới 16 ngân hàng góp mặt với tổng vốn hóa lên tới 1,4 triệu tỷ đồng, tương ứng 59 tỷ USD, chiếm gần 27% vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây cũng là nhóm ngành “đầu tàu”, dẫn dắt thị trường chứng khoán Việt Nam và là một trong những nhóm có sự hồi phục khá đáng kể những tuần cuối năm.

Trong khi đó, “nhóm Vingroup” có 3 đại diện góp mặt, bao gồm Vingroup (VIC), VinHomes (VHM), Vincom Retail (VRE) chiếm tổng 20,17 tỷ USD vốn hóa, chiếm gần 9% vốn hóa thị trường và là nhóm lớn thứ 2.

Trong khi đó, một thành viên khác trong “nhóm Vingroup” là VEF của CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam “lao dốc” nhanh chóng kể từ đỉnh 275.000 đồng/cp hồi tháng 3 năm 2022, hiện thị giá chỉ còn 1/4 và không còn trong nhóm vốn hoá tỷ đô. Tính đến ngày 30/12/2022 vốn hóa VEF còn 11.145 tỷ đồng.

Ngành chứng khoán đầu năm nay còn hai gương mặt lọt vào danh sách công ty tỷ đô, bao gồm SSI và VNDirect, đến tháng 6/2022 đã không còn công ty chứng khoán nào có mức hoá tỷ đô trên sàn. Đến cuối năm, SSI là cái tên duy nhất góp mặt trong danh sách công ty tỷ đô. Tính đến 30/12/2022, SSI có vốn hóa 26.358 tỷ đồng, VND đứng thứ 2 có vốn hóa 16.441 tỷ đồng.

Đây được xem là một tín hiệu khá tích cực, đánh dấu sự trở lại của nhóm ngành có độ nhạy cao với thị trường. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng những khó khăn vẫn còn ở phía trước với nhóm chứng khoán khi tiền vào thị trường nói chung và nhóm chứng khoán nói riêng không đủ dồi dào. Đồng thời tác động từ biến cố trên thị trường trái phiếu, lãi suất tăng cũng là một trong những nguyên nhân trọng yếu ảnh hưởng đến dòng tiền vào chứng khoán.

Ngành Bất động sản – Bất động sản khu công nghiệp sau một năm 2022 đầy biến động, những gương mặt “tỷ đô” quen thuộc như Vinhomes (8,9 tỷ USD), Vingroup (8,7 tỷ USD), Becamex (3,6 tỷ USD), SunShine Homes (1,3 tỷ USD), Novaland (1,16 tỷ USD),… vẫn hiện diện, trong khi đó nhiều cái tên đã phải rời danh sách như Phát Đạt (PDR), DIC Corp (DIG), Kinh Bắc (KBC), Sonadezi (SZC)…

Nhóm ngành viễn thông – công nghệ cũng ghi nhận có sự thay đổi khi hai doanh nghiệp Viettel Global (2,6 tỷ USD vốn hóa) và FPT (3,6 tỷ USD) vẫn thuộc danh sách. Trong khi đó, FPT Telecom không còn duy trì vốn hóa “tỷ đô” từ giữa năm 2022, mức vốn hoá hiện chỉ còn khoảng 16.700 tỷ đồng ~ 0,71 tỷ USD.

Đánh giá 5 sao nhé bạn. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này!

Đăng ký
Nhận thông báo
guest

0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận
DMCA.com Protection Status
error: Bản quyền thuộc Adautu.com