Top 10 phụ nữ giàu nhất Việt Nam hiện nay năm 2021, họ là ai?

Trong danh sách những người giàu nhất Việt Nam hiện nay, vị trí của các nữ doanh nhân đang ngày càng được cải thiện cả về số lượng và chất lượng.

Trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, có đến 4 “nữ tỷ phú”. Với tỷ lệ 40%, nữ giới đã cải thiện về số lượng. Còn về chất lượng, bà Phương Thảo và bà Thu Hương có bước tiến ngoạn mục sau tài sản của mình khi vượt qua những đại gia sừng sỏ thuộc phái mạnh.

Điều đặc biệt trong Top 20 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam 2021 thì có đến tận 10 nữ doanh nhân nằm trong bảng xếp hạng chiếm tỷ lệ 50/50 so với nam giới, một tỷ lệ vô cùng cân bằng khẳng định tầng lớp nữ doanh nhân Việt Nam hiện nay không chỉ giỏi việc nhà mà còn vô cùng tài năng và xuất sắc trên thương trường.

Đây là những gương mặt nữ doanh nhân giàu có và quyền lực nhất giới kinh doanh tại Việt Nam. Vậy 10 phụ nữ giàu nhất Việt Nam hiện nay năm 2021, họ là ai? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu về những “nữ tỷ phú”  quyền lực này…

1. Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo – Founder VietJet Air

Đầu tiên phải nói đến tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, bà là người Việt Nam thứ hai được Forbes công nhận là tỷ phú USD trong danh sách tỷ phú của thế giới sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Bà là nữ tỷ phú đầu tiên và duy nhất của Việt Nam cho đến thời điểm này được Forbes công nhận.

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo sinh ngày 07/06/1970 trong một gia đình Hà Nội gốc, bà là một thành viên thế hệ của dòng họ Nguyễn Cảnh, với hơn 600 năm lịch sử. Bà Thảo đi du học đại học ngành Kinh tế tài chính và sớm nổi tiếng trong cộng đồng với thành tích học tập xuất sắc và tài kinh doanh thiên bẩm.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Nguyễn Thảo - Tỷ phú Forbes, nhà sáng lập VietJet Air
Tiến sĩ Nguyễn Thị Nguyễn Thảo – Tỷ phú Forbes, nhà sáng lập VietJet Air

Khi còn là sinh viên năm thứ 2 bà đã bước vào thương trường. Khi ấy thị trường Đông Âu thiếu thốn hàng tiêu dùng, mọi thứ đều khan hiếm nên bà kinh doanh đủ thứ, từ hàng điện tử đến hàng nông sản từ các nước châu Á như sang Đông Âu. Đồng thời bà cũng đưa về Việt Nam những mặt hàng thị trường khan hiếm và cần thiết như phân bón, sắt thép, thiết bị…

Theo Hãng tin Bloomberg, Nguyễn Thị Phương Thảo kiếm được 1 triệu USD đầu tiên khi mới chỉ 21 tuổi, nhờ bán máy fax và nhựa cao su.

Sau khi quay về Việt Nam, bà góp vốn thành lập Ngân hàng Techcombank và ngân hàng VIB – 2 trong số những ngân hàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam.

Ngoài việc là cổ đông lớn nhất của VietJet Air, Tập đoàn Sovico Holdings của gia đình bà đã mua lại Furama Resort Danang vào năm 2005, trở thành nhà đầu tư người Việt đầu tiên sở hữu và vận hành khách sạn 5 sao. Furama Resort Danang khai trương vào năm 1997 với 198 phòng là khu nghỉ dưỡng biển 5 sao đầu tiên tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Phương Thảo là nhà sáng lập và điều hành quản lý rất nhiều tập đoàn lớn tại Việt Nam như:

  • Nhà sáng lập, Phó chủ tịch kiểm Tổng Giám đốc Hãng hàng không Vietjet Air
  • Nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn Sovico Holding
  • Phó chủ tịch thường trực ngân hàng HD Bank
  • Nhà sáng lập ngân hàng Techcombank và ngân hàng VIB – 2 trong số những ngân hàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam

Ngày 09/03/2017, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo lần đầu tiên được tạp chí Forbes công nhận là nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á trong danh sách các nữ tỷ phú USD trên thế giới năm 2017 với khối tài sản ước tính khoảng 1,7 tỷ USD. Bà cũng là một trong 15 nữ tỷ phú tự thân mới trong danh sách của Forbes năm 2017.

Theo thống kê của Forbes, tại ngày 07/04/2018, tài sản của bà đã tăng lên 3,7 tỷ USD và tại thời điểm 13/12/2019, tổng tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo đạt 2,7 tỷ USD.

Hiện nay (tháng 01/2021) theo Fobes tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đang sở hữu khối tài sản có giá trị 2,5 tỷ USD, đứng thứ 1.001 trong danh sách tỷ phú giàu nhất thế giới.

Bà hiện là người giàu thứ ba trên sàn chứng khoán Việt Nam và là người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2021 với giá trị tài sản là 26.600 tỷ đồng (1,2 tỷ USD) do đang sở hữu trực tiếp 59.915.786 cổ phiếu HD Bank và 47.470.914 cổ phiếu VietJet Air và sở hữu gián tiếp 154.740.160 cổ phiếu VietJet Air  thông qua 100% cổ phần tại Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny.

Bà là Tiến sỹ Học viện Mendeleev ngành Điều khiển học Kinh tế, Cử nhân Tài chính tín dụng tại Học viện Thương mại Matxcơva, Cử nhân ngành Quản lý Kinh tế lao động Trường Kinh tế Quốc dân Matxcơva, Ủy viên sáng lập Viện Hàn lâm Nghiên cứu Hệ thống Liên bang Nga.

2. Phạm Thu Hương – Vợ tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Bà Phạm Thu Hương sinh ngày 14/06/1969 tại Hà Nội. Bà là thành viên sáng lập, hiện là Phó chủ tịch thường trực thứ hai Tập đoàn Vingroup. Bà là vợ tỷ phú, chủ tịch Phạm Nhật Vượng.

Đằng sau thành công của một người đàn ông luôn có bóng dáng của một người phụ nữ. Đằng sau thành công của tỷ phú Phạm Nhật Vượng luôn có bóng dáng của Phạm Thu Hương.

Bà Phạm Thu Hương – Phó Chủ tịch thứ hai Tập đoàn Vingroup
Bà Phạm Thu Hương – Phó Chủ tịch thứ hai Tập đoàn Vingroup

Điều đặc biệt là tuy cực kỳ giàu có và là lãnh đạo cấp cao của tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam như Vingroup nhưng bà Phạm Thu Hương rất kín tiếng và hầu như không xuất hiện trước truyền thông. Có lẽ bà đã chọn cho mình cuộc sống kín tiếng bởi lẽ bà không muốn dư luận gây ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình mình. Cuộc sống đời tư của bà có lẽ vẫn mãi là điều bí ẩn.

Hiện tại bà đang sở hữu 151.056.477 cổ phiếu VIC tương đương 4,04% cổ phần Tập đoàn Vingroup. Bà hiện đang là người giàu thứ 6 trên sàn chứng khoán Việt Nam và là người phụ nữ giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán Việt Nam sau tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo (Vietjet Air) với khối tài sản 16.163 tỷ đồng.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình truyền thống Hà Nội, Phạm Thu Hương được giáo dục nghiêm khắc. Bà cũng nằm trong số ít những sinh viên xuất xắc được sang Liên Xô du học. Tại đây, bà gặp gỡ Phạm Nhật Vượng và trở thành vợ Phạm Nhật Vượng. Bà đã cùng chồng trải qua những tháng ngày gian khó trên đất Nga rồi lập nghiệp tại UKraina. Thành công của Phạm Nhật Vượng có sự đóng góp không nhỏ của bà.

Bà Hương cùng chồng khởi nghiệp từ rất sớm. Năm 1993, sau khi bà kết hôn cùng Phạm Nhật Vượng. Bà theo chồng chuyển đến thành phố Kharkok thuộc Uraina. Lúc này, Xô Viết đã tan rã và kinh tế của người dân nơi đây rất khó khăn. Bà có công trong việc xây dựng trung tâm thương mại đầu tiên của người Việt Nam ở thành phố này.

Phạm Thu Hương - vợ tỷ phú Phạm Nhật Vượng lần đầu xuất hiện trước truyền thông tại Lễ trao giải VinFuture
Phạm Thu Hương – vợ tỷ phú Phạm Nhật Vượng lần đầu xuất hiện trước truyền thông tại Lễ trao giải VinFuture

Bà cùng chồng là tỷ phú Phạm Nhật Vượng là những người sáng lập tập đoàn Technocom tại Ukraina và sau này là tập đoàn Vingroup, tập đoàn tư nhân đa ngành lớn nhất Việt Nam vào thời điểm hiện tại.

Bà Phạm Thu Hương tốt nghiệp Cử nhân Luật quốc tế – Đại học Tổng hợp Kiev, Ucraina.

3. Phạm Thúy Hằng – Em gái Phạm Thu Hương

Bà Phạm Thúy Hằng sinh ngày 10/09/1974 tại Hà Nội. Bà là thành viên sáng lập, hiện là Phó chủ tịch thứ nhất Tập đoàn Vingroup. Bà cũng là em gái bà Phạm Thu Hương, vợ tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Bà Phạm Thúy Hằng – Phó Chủ tịch thứ nhất Tập đoàn Vingroup
Bà Phạm Thúy Hằng – Phó Chủ tịch thứ nhất Tập đoàn Vingroup

Hiện tại bà đang sở hữu 100.881.292 cổ phiếu VIC tương đương 2,94% cổ phần Tập đoàn Vingroup. Bà hiện đang là người giàu thứ 9 trên sàn chứng khoán Việt Nam và là người phụ nữ giàu thứ 3 trên sàn chứng khoán Việt Nam sau tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và em gái bà là Phạm Thu Hương với khối tài sản 10.794 tỷ đồng.

Bà Thúy Hằng cùng với hai người chị ruột của mình là Phạm Hồng Linh và Phạm Thu Hương và anh rể tỷ phú Phạm Nhật Vượng đều là những thành viên sáng lập tập đoàn Vingroup.

Phạm Thúy Hằng tốt nghiệp Cử nhân ngoại ngữ Nga Văn – Đại học Hà Nội và sau đó du học ở Mátx-cơ-va cùng chị bà là Phạm Thu Hương.

Điều đặc biệt là tuy cực kỳ giàu có và là lãnh đạo cấp cao của tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam như Vingroup nhưng bà và chị là Phạm Thu Hương rất kín tiếng và hầu như không xuất hiện trước truyền thông và báo giới. Cuộc sống đời tư của bà Thúy Hằng và gia đình bà có lẽ vẫn mãi là điều bí ẩn. Chúng ta cũng nên tôn trọng những quyết định ấy của bà.

4. Vũ Thị Hiền – Vợ tỷ phú Trần Đình Long

Bà Vũ Thị Hiền là vợ của tỷ phú Trần Đình Long, nhà sáng lập, chủ tịch tập đoàn Hòa Phát. Bà Hiền cũng được coi nữ đại gia bí ẩn trên sàn chứng khoán, bởi bà chưa một lần lộ diện trước giới truyền thông.

Bà Vũ Thị Hiền không tham gia hoạt động quản trị, điều hành tại Hòa Phát nhưng bà vẫn là cổ đông lớn thứ 2 tại Hòa Phát sau chồng bà khi sở hữu 243.060.000 cổ phiếu HPG chiếm 7,34% cổ phần tập đoàn Hòa Phát.

Bà Hiền hiện là người phụ nữ giàu thứ 10 trên sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản 9.382 tỷ đồng do đang sở hữu sở hữu 243.060.000 cổ phiếu Hòa Phát.

Vũ Thị Hiền được coi nữ đại gia bí ẩn trên sàn chứng khoán, bởi bà chưa một lần lộ diện trước giới truyền thông.
Vũ Thị Hiền được coi nữ đại gia bí ẩn trên sàn chứng khoán, bởi bà chưa một lần lộ diện trước giới truyền thông.

5. Nguyễn Thị Thanh Thủy – Vợ tỷ phú Hồ Hùng Anh

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy là vợ tỷ phú Hồ Hùng Anh, nhà sáng lập và từng là Phó chủ tịch tập đoàn Masan, Chủ tịch ngân hàng Techcombank.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy không tham gia hoạt động quản trị, điều hành tại Techcombank nhưng bà vẫn là cổ đông lớn khi sở hữu 174.130.290 cổ phiếu TCB chiếm 4,9749% cổ phần ngân hàng Techcombank.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy là một phật tử rất thích làm thiện nguyện, bà có pháp danh là Hạnh Đăng. Tháng 03/2019 Phật tử Hạnh Đăng với tư cách cá nhân đến thăm và vấn an sức khoẻ Hoà thượng, đồng thời tác bạch cúng dường số tiền 5 tỷ đồng vào quỹ đời sống Tăng Ni sinh nội trú tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM – cơ sở 2 (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh), theo Báo Giác Ngộ.

Đây là lần thứ 2 Phật tử Hạnh Đăng cúng dường với ý nghĩa trên. Theo đó, vào tháng 3/2018, Phật tử Hạnh Đăng cũng đã cúng 5 tỷ đồng cho quỹ đời sống Tăng Ni tại Học viện, với tâm nguyện để Tăng Ni sinh viên chuyên tâm tu học.

Phật tử Hạnh Đăng vấn an sức khoẻ Hoà thượng Viện trưởng và tác bạch cúng dường Học viện
Phật tử Hạnh Đăng vấn an sức khoẻ Hoà thượng Viện trưởng và tác bạch cúng dường Học viện

Hiện bà Nguyễn Thị Thanh Thủy là người giàu thứ 13 trên sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản 5.031 tỷ đồng do đang nắm giữ 174.130.290 cổ phiếu Techcombank và 5.653.867 cổ phiếu Masan.

6. Nguyễn Thị Thanh Tâm – Mẹ tỷ phú Hồ Hùng Anh

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm là mẹ tỷ phú Hồ Hùng Anh, nhà sáng lập và từng là Phó chủ tịch tập đoàn Masan, Chủ tịch ngân hàng Techcombank.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm không tham gia hoạt động quản trị, điều hành tại Techcombank nhưng bà vẫn là cổ đông lớn khi sở hữu 174.130.290 cổ phiếu TCB chiếm 4,9749% cổ phần ngân hàng Techcombank bằng đúng với số cổ phiếu con dâu Nguyễn Thị Thanh Thủy đang nắm giữ.

Hiện bà Nguyễn Thị Thanh Tâm là người giàu thứ 14 trên sàn chứng khoán Việt Nam dưới con dâu bà 1 bậc với khối tài sản 4.554 tỷ đồng do đang nắm giữ 174.130.290 cổ phiếu Techcombank.

Bà Thanh Tâm  cùng với bà Vũ Thị Quyên là hai người mẹ nghìn tỷ giàu nhất Việt Nam của đại gia ngân hàng Việt, bà Vũ Thị Quyên là mẹ ông Ngô Chí Dũng, nhà sáng lập, chủ tịch VP Bank (ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng). Bà Quyên hiện là người giàu thứ 24 trên sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản 3.392 tỷ đồng do đang sở hữu 120.700.954 cổ phiếu VP Bank.

7. Trương Thị Lệ Khanh – “nữ hoàng” cá tra Việt Nam

Bà Trương Thị Lệ Khanh sinh năm 1961 tại An Giang hiện là nhà sáng lập, Chủ tịch CTCP Vĩnh Hoàn, nhà sản xuất và xuất khẩu cá tra, cá basa lớn nhất Việt Nam.

Sinh ra là con út trong một gia đình có 4 anh chị em ở đất miền Tây An Giang. Bà Khanh theo học tại Đại học Tài chính Kế toán Tp Hồ Chí Minh và tốt nghiệp với tấm bằng Cử nhân Kinh tế. Với thành tích học tập xuất sắc, sau khi ra trường, bà Khanh đã được giao các trọng trách lớn trong các công ty xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp thương mại.

Cụ thể, năm 23 tuổi, bà đã được bổ nhiệm vào sở Tài chính tỉnh An Giang; chỉ 2 năm sau, bà đã trở thành kế toán trưởng Công ty Xuất nhập khẩu Châu Thành An Giang. Ở độ tuổi 25, bà Khanh đã là Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Châu Thành An Giang. Năm 30 tuổi, bà đảm nhiệm vai trò Phó Giám Đốc Công ty Thương Nghiệp Tổng Hợp An Giang. 5 năm sau đó, bà đã trở thành trợ lý Tổng Giám Đốc Công ty FIDECO.

Đây là những bước đệm để bà tiến tới xây dựng Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn. Vĩnh Hoàn được thành lập cuối năm 1997 tại phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Công ty tập trung xuất nhập khẩu các mặt hàng như cá tra, basa fillet và hàng giá trị gia tăng từ cá tra và cá basa.

Doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh dẫn dắt Vĩnh Hoàn từ thuở còn “nằm nôi”. Khi mới thành lập, vốn ban đầu là 300 triệu và 70 nhân viên vào năm 1997, giờ đây Vĩnh Hoàn đã lên đến 6.000 nhân viên và 6 nhà máy chế biến với vốn hóa thị trường hơn 7.600 tỷ đồng, là doanh nghiệp thủy sản có vốn hóa thị trường lớn nhất Việt Nam. Năm 2019, Vĩnh Hoàn thông báo đạt doanh thu 7.867 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.180 tỉ đồng.Thị phần của công ty đang tiếp tục mở rộng tại thị trường Mỹ và EU.

Bà Khanh chụp ảnh với nhân viên đầu tiên của công ty vào năm 1997
Bà Khanh chụp ảnh với nhân viên đầu tiên của công ty vào năm 1997

“Vĩnh là vĩnh viễn. Hoàn là hoàn cầu. Vĩnh Hoàn là mãi mãi tồn tại trên khắp thế giới” – đó là khát vọng mà “Nữ hoàng cá tra” Trương Thị Lệ Khanh mong muốn khi sáng lập công ty thủy sản lớn nhất Việt Nam.

Từng có một bài báo mang tên “Xin lỗi cá tra!” do nghị sĩ Struan Stevenson, Phó Chủ tịch Ủy ban Thủy sản của Nghị viện Châu Âu viết: “Nhà máy lớn của Vĩnh Hoàn ở Cao Lãnh sạch đến mức bạn có thể dọn bữa ăn ngay trên sàn nhà. Nói thế có vẻ sáo, nhưng là hoàn toàn chính xác!”. Qua chuyến thăm nhà máy của Vĩnh Hoàn, vị nghị sĩ này đã phải thay đổi định kiến của mình khi cho rằng các nhà máy chế biến cực kỳ bẩn, mất vệ sinh và gây ô nhiễm.

Năm 2003, ngành xuất khẩu cá tra bùng nổ cũng là lúc lần đầu tiên Vĩnh Hoàn vươn lên dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước. Vào năm 2007, chính thức niêm yết cổ phiếu tại sở Giao dịch Chứng khoán Tp Hồ Chí Minh với mã VHC.

Trong suốt thời gian 2006-2008, Vĩnh Hoàn dưới sự lãnh đạo của bà Khanh đứng vị trí thứ 3 về xuất khẩu cá tra, cá basa. Năm 2018, Vĩnh Hoàn ghi nhận kim ngạch xuất khẩu đạt gần 400 triệu USD, năm 2009, doanh nghiệp đã vươn lên vị trí thứ 2 và dẫn đầu kể từ năm 2010 đến nay.

Năm 2006, bà Trương Thị Lệ Khanh được nhận Huân chương Lao động hạng nhì theo Quyết định số 2262/QĐ-CTN ngày 25/10/2016 của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.

Bà Trương Thị Lệ Khanh được Forbes Việt Nam bình chọn là một trong 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất năm 2019; tháng 09/2020, bà Trương Thị Lệ Khanh cũng là một trong 2 đại diện của Việt Nam lọt bảng vàng 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á 2020 (Asia’s Power Businesswomen) của tạp chí Forbes cùng với bà Nguyễn Thị Bạch Điệp, chủ tịch FPT Retail.

Bà Khanh trong một lần cho cá tra ăn
Bà Khanh trong một lần cho cá tra ăn

Bà Khanh hiện là người giàu thứ 16 trên sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản 3.661 tỷ đồng do đang sở hữu 79.150.284 cổ phiếu VHC, tương đương 43,16% cổ phần Vĩnh Hoàn.

Bà Khanh được mệnh danh là “nữ hoàng cá tra” Việt Nam do công ty Vĩnh Hoàn bà sáng lập và điều hành là doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu cá tra, cá basa lớn nhất Việt Nam.

8. Nguyễn Hoàng Yến – Vợ tỷ phú Nguyễn Đăng Quang

Bà Nguyễn Hoàng Yến sinh ngày 30/07/1963 tại Hà Nội. Bà cùng với chồng là tỷ phú Nguyễn Đăng Quang là nhà sáng lập tập đoàn Masan, hiện bà là thành viên HĐQT Masan.

Bà Yến tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Tiếng Nga – Đại học ngoại ngữ Hà Nội và có 3 năm làm giáo viên tại trường Cao đẳng Kiểm sát (1987-1990).

Bà Nguyễn Hoàng Yến hiện là người giàu thứ 17 trên sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản 3.655 tỷ đồng do đang sở hữu 758.576 cổ phiếu Masan Consumer và 42.415.234 cổ phiếu MSN tương đương 3,63% cổ phần tập đoàn Masan.

Bà Nguyễn Hoàng Yến là vợ tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, nhà sáng lập Masan
Bà Nguyễn Hoàng Yến là vợ tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, nhà sáng lập Masan

Không giống như những người vợ tỷ phú khác chọn cuộc sống kín tiếng và ẩn sau hậu trường. Bà Nguyễn Hoàng Yến vừa là “hậu phương” vừa tham gia “tiền tuyến” cùng chồng mình là tỷ phú Nguyễn Đăng Quang trực tiếp điều hành “đế chế” Masan.

Bà Yến được biết đến là người phụ nữ đầy quyền lực trong lĩnh vực kinh doanh. Bà Hoàng Yến hiện là Phó Tổng Giám đốc của Masan Consumer, doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng hàng đầu tại Việt Nam, bà là một nhà quản lý điều hành chủ chốt từ những năm đầu thành lập khi công ty còn là một công ty kinh doanh thực phẩm.

Bà hiện là thành viên Hội đồng Quản trị của 5 công ty khác, cụ thể Chủ tịch CTCP Masan PQ, thành viên HĐQT tập đoàn Masan, Masan Consumer, CTCP Nước khoáng Vĩnh Hảo, và CTCP Vinacafe Biên Hòa.

Ngoài ra, bà Yến còn là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cát Trắng, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Nam Ngư Phú Quốc, Chủ tịch Công ty TNHH Masan Long An.

Bà Nguyễn Hoàng Yến (thứ 2 từ trái qua)- Phó Chủ Tịch Hiệp Hội Văn Hóa Ẩm Thực Việt Nam trong lễ họp báo công bố lễ hội Tết Việt
Bà Nguyễn Hoàng Yến (thứ 2 từ trái qua)- Phó Chủ Tịch Hiệp Hội Văn Hóa Ẩm Thực Việt Nam trong lễ họp báo công bố lễ hội Tết Việt

9. Cao Thị Ngọc Sương – Vợ “tỷ phú” Bùi Thành Nhơn

Cao Thị Ngọc Sương là nữ doanh nhân người Việt sinh ngày 07/03/1959. Bà cùng với chồng là Chủ tịch Bùi Thành Nhơn là nhà sáng lập Tập đoàn Novaland và Tập đoàn Anova Corp.

Bà Cao Thị Ngọc Sương tuy không tham gia quản lý, điều hành tại Novaland nhưng bà là cổ đông lớn nắm giữ trực tiếp 5,667% cổ phần Novaland và nắm giữ gián tiếp 10,927% cổ phần Novaland thông qua  Công ty CP Diamond Properties do bà làm Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc.

Bà Cao Thị Ngọc Sương - Vợ Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn
Bà Cao Thị Ngọc Sương – Vợ Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn

Xem thêm:

Bà Cao Thị Ngọc Sương hiện là người giàu thứ 20 trên sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản hơn 3.599 tỷ đồng do đang sở hữu 54.944.685 cổ phiếu Novaland.

Trước thềm Tết nguyên đán 2020, bà Cao Thị Ngọc Sương đã gây chấn động dư luận khi chi hơn 2.100 tỷ đồng để đăng ký mua hơn 39,51 triệu cổ phiếu NVL bằng theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh để “đầu tư” chứng khoán. Sau giao dịch, bà Sương đã nâng lượng sở hữu cổ phiếu NVL từ hơn 15,42 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1,591%) lên hơn 54,95 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,667%) và trở thành cổ đông lớn của Novaland.

Cơ cấu cổ đông tập đoàn Novaland (tháng 11/2020)
Cơ cấu cổ đông tập đoàn Novaland (tháng 11/2020)

Bà là một người khá kín tiếng, không xuất hiện trước truyền thông nên có rất ít thông tin về bà. Có lẽ bà đã chọn cho mình cuộc sống kín tiếng, ẩn sau hậu trường để hỗ trợ cho chồng và con trai là Chủ tịch Bùi Thành Nhơn và Bùi Cao Nhật Quân (hiện là cổ đông lớn, từng là Phó chủ tịch kiêm Phó Tổng Giám đốc tập đoàn). Cuộc sống đời tư của bà có lẽ vẫn mãi là điều bí ẩn.

10. Hoàng Anh Minh – Vợ Chủ tịch VP Bank Ngô Chí Dũng

Bà Hoàng Anh Minh là vợ ông Ngô Chí Dũng, nhà sáng lập, Chủ tịch VP Bank (ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng)

Bà Hoàng Anh Minh không tham gia hoạt động quản trị, điều hành tại Techcombank nhưng bà vẫn là cổ đông lớn khi sở hữu 121.021.046 cổ phiếu VPB chiếm 4,784% cổ phần ngân hàng VP Bank.

Hiện bà Hoàng Anh Minh là người giàu thứ 23 trên sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản 3.401 tỷ đồng do đang nắm giữ 121.021.046 cổ phiếu VPB, xếp trên mẹ chồng là bà Vũ Thị Quyên, người giàu thứ 24 trên sàn chứng khoán.

Mặc dù bà và mẹ chồng bà đều là cổ đông lớn của ngân hàng VP Bank nhưng bà là một người khá kín tiếng, không xuất hiện trước truyền thông nên có rất ít thông tin về bà.

Qua bài viết trên, chúng ta đã biết rõ Top 10 phụ nữ giàu nhất Việt Nam hiện nay năm 2021, họ là ai? Đa phần trong số họ là vợ của các tỷ phú, nhà sáng lập những tập đoàn lớn… Người thì chọn cho mình cuộc sống kín tưởng, không xuất hiện trước truyền thông, ẩn sau hậu trường để hỗ trợ chồng con, người thì xông pha ra thương trường trực tiếp điều hành “đế chế” mình đã gây dựng nên, họ là những người phụ nữ đầy tài năng và quyền lực…

Tổng tài sản của Top 10 phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam hiện nay năm 2021 là hơn 86.000 tỷ đồng (3,8 tỷ USD) là một con số vô cùng ấn tượng.

Chúng ta càng hiểu rõ hơn, đằng sau thành công của một người đàn ông luôn có bóng dáng của một người phụ nữ đảm đang. 10 “nữ tỷ phú” ở trên đã chứng minh rõ ràng điều đó.

 

5/5 - (1 bình chọn)

Đăng ký
Nhận thông báo
guest

0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận
DMCA.com Protection Status
error: Bản quyền thuộc Adautu.com