1. Khái niệm và ý nghĩa của cổ tức
Cổ tức là một phần không thể thiếu và có ý nghĩa quan trọng đối với các nhà đầu tư chứng khoán hiện nay. Từ phương án chia cổ tức, nhà đầu tư có thể nhận định về doanh nghiệp, định giá cổ phiếu hay vạch ra chiến lược đầu tư cho mình.
Nếu bạn đang tìm hiểu về cổ tức để trả lời những câu hỏi như Cổ tức là gì? Tại sao doanh nghiệp phải chia cổ tức hay Ý nghĩa thực sự của cổ tức?… thì đây chính là bài viết đầy đủ và chi tiết nhất dành cho bạn.
Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ tất cả các vấn đề quan trọng liên quan đến cổ tức mà bạn cần tìm hiểu, để giúp bạn trang bị kiến thức cho mình và tránh những sai lầm không đáng có khi đầu tư chứng khoán.
1.1 Vậy Cổ tức là gì?
Chúng ta cùng bàn qua các định nghĩa và khái niệm để hiểu sâu về cổ tức, trước tiên là theo Quy định của Pháp luật.
Theo Luật Doanh nghiệp 2020, cổ tức là khoản lợi nhuận ròng trả cho mỗi cổ phần, bằng tiền mặt hoặc tài sản khác (phổ biến nhất là cổ phiếu) từ nguồn lợi nhuận được giữ lại của công ty, sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ về tài chính và thuế.
Một khái niệm khác: cổ tức chính là một phần lợi nhuận sau thuế được chia cho các cổ đông của công ty cổ phần. Chúng ta đều biết rằng mục đích cơ bản của kinh doanh là tạo ra lợi nhuận cho chủ sở hữu (những người sở hữu cổ phần của công ty hay còn gọi là cổ đông).
Và cổ tức là phương thức cơ bản để việc kinh doanh thực hiện nhiệm vụ này. Cụ thể hơn, khi công ty tạo ra lợi nhuận, một phần trong đó sẽ được dùng để:
- Tái đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh cho hiện tại và tương lai
- Lập các quỹ dự phòng, gọi là lợi nhuận giữ lại để làm những việc khác
- Còn phần lợi nhuận dùng chia cho cổ đông gọi là cổ tức.
Tóm cái quần lại lại nói ngắn gọn và dễ hiểu nhất thì:
Mỗi năm công ty sẽ hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo ra một số lợi nhuận sau thuế nhất định (nếu lợi nhuận âm hay công ty làm ăn thua lỗ thì đa số sẽ không chia cổ tức, còn nếu lợi nhuận dương hay công ty làm ăn có lợi nhuận thì mới đem ra để chia cổ tức nhé). Cái phần lợi nhuận được đem ra chia cho cổ đông được gọi là Cổ tức.
Hàng năm, cụ thể số tiền hay số cổ phiếu được trích ra để chi trả sẽ được thông qua trong Đại hội cổ đông thường niên của công ty, thường diễn ra vào tháng 04, tháng 05 hằng năm. Nếu bạn ở Tp Hồ Chí Minh, Hà Nội… thì nên tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên để biết Đại hội diễn ra như thế nào, mở mang tầm mắt và kiến thức cho mình, nhớ là phải có giấy mời thì mới đi đó nhé!
1.2 Cổ tức có nguồn gốc từ đâu?
Cổ tức có nguồn gốc lịch sử tương đối lâu đời gắn liền với mô hình công ty cổ phần từ đầu những năm 1600 khi một loạt các Công ty Đông Ấn ra đời như Công ty Đông Ấn Anh thuộc Vương Quốc Anh ra đời năm 1600 là một trong những công ty cổ phần đầu tiên của nước Anh. Công ty Đông Ấn Hà Lan thuộc Hà Lan thành lập năm 1602, đây là công ty đa quốc gia đầu tiên trên thế giới và là công ty đầu tiên sử dụng cổ phiếu.
Công ty Đông Ấn Hà Lan giao dịch chủ yếu bông, lụa, nhuộm chàm, tiêu, trà và thuốc phiện, đặc biệt độc quyền buôn bán các gia vị. Công ty sở hữu số lượng tàu thuyền lớn và có mạng lưới vận tải vận chuyển hàng hóa cực lớn giữa châu Á với châu Âu.
Nghiên cứu từ Hà Lan cũng cho thấy Công ty Đông Ấn Hà Lan ban đầu đương đầu với nhiều khó khăn về tài chính và cổ đông vì thế không nhận được cổ tức.. Công ty chỉ bắt đầu trả cổ tức vào năm 1610 bằng tiền và gia vị sau khi chịu quá nhiều áp lực từ phía cổ đông.
Từ năm 1602 đến năm 1736 trung bình mỗi năm Công ty Đông Ấn Hà Lan trả cổ tức với lợi suất 16,5%/năm trên vốn gốc của cổ đông, 136 năm lịch sử chi trả cổ tức đều đặn là một thành tựu đáng kinh ngạc trong thế giới kinh doanh so với thời điểm hiện nay.
Khi nghe đến cái tên Công ty Đông Ấn thấy quen quen vì chứng ta đã từng được học trong sách Lịch sử cấp 2, cấp 3. Công ty Đông Ấn Hà Lan từng chiến tranh với Chúa Nguyễn ở Đàng Trong..
1.3 Ý nghĩa chia cổ tức từ góc nhìn doanh nghiệp
1.3.1 Phân tích ý nghĩa cổ tức
Chúng ta có thể hiểu rõ hơn qua một ví dụ so sánh: 3 công ty A, B và C đều sở hữu vốn ban đầu 100 tỷ đồng và năm đầu tiên lãi được 20 tỷ đồng, giả sử tỷ suất sinh lời giống nhau qua các năm đều là 20%.
Công ty A: Bắt đầu với 100 tỷ đồng, năm đầu tiên lãi 20 tỷ đồng, đem chia toàn bộ lợi nhuận cho cổ đông (cổ tức 100% lợi nhuận bằng tiền). Năm thứ 2 bắt đầu với 100 tỷ trở lại, lãi 20 tỷ đồng và chia hết. Năm thứ 3 lại bắt đầu với 100 tỷ đồng và cứ như thế…
Công ty B: Bắt đầu với 100 tỷ đồng, năm đầu lãi 20 tỷ đồng. Đem chia 10 tỷ lợi nhuận chia cổ tức (tiền mặt) và giữ lại 10 tỷ đồng, năm 2 bắt đầu với 110 tỷ đồng. Năm thứ hai chia tiếp 11 tỷ đồng (tiền mặt) và giữ lại 11 tỷ đồng), tiếp tục bắt đầu năm 3 với 121 tỷ đồng và cứ như thế
Công ty C: Bắt đầu với 100 tỷ, năm đầu lãi 20 tỷ. Không chia cổ tức, năm 2 bắt đầu với 120 tỷ đồng và lãi 24 tỷ đồng và tiếp tục không chia. Năm thứ 3 bắt đầu với 144 tỷ đồng và cứ như thế…
Như vậy, năm thứ nhất, với số vốn đều giống nhau; song qua năm thứ 2 đã bắt đầu khác biệt và năm thứ 3 thì chênh lệch càng nới rộng… Tới năm thứ 10 thì bạn có thể tưởng tượng nổi không? Số vốn công ty B gấp 2,35 lần số vốn công ty A, Số vốn công ty C lớn gấp 5,15 lần số vốn công ty A.
Với kiểu của Công ty A thường tồn tại ở các doanh nghiệp tạm thời hết dư địa phát triển, không có kế hoạch hay ý định triển khai thêm. Mọi thứ ổn định và đều đều, giữ vốn thêm cũng chưa phát triển gì nên chia ngược lại cho nhà đầu tư là cách tốt nhất. Đặc thù của các công ty này là tài sản tiền mặt lớn, tỉ lệ vay nợ nhỏ.
Doanh nghiệp không tăng trưởng bùng nổ, nhưng cũng khá hiệu quả so với gửi ngân hàng lãi suất hiện nay đâu đó chỉ 6%. Các doanh nghiệp loại này thường tập trung vào các công ty thủy điện đã hoạt động ổn định Thực tế trên thị trường cũng hiếm khi có công ty nào lợi nhuận bao nhiêu thì chia hết bấy nhiêu, thường chỉ chia 80-90% lợi nhuận là nhiều.
Với Công ty C, trừ trường hợp thua lỗ, các doanh nghiệp tham vọng đều chọn phương án này, thường dùng tiền để liên tục tái đầu tư vào kinh doanh và mở rộng sản xuất. Trả cổ tức bằng cổ phiếu cũng thuộc nhóm này. Lãi kép, lũy kế sẽ thể hiện được sức mạnh của nó khi được sử dụng hiệu quả.
Tuy nhiên tỷ suất sinh lời 20% ở đây chỉ là giả định, không phải lúc nào công ty cũng làm việc hiệu quả hơn khi có nhiều tiền. Khi số vốn càng lớn thì tỷ suất sinh lời có xu hướng thấp hơn. Các doanh nghiệp loại này thường tập trung vào các công ty chứng khoán hay ngân hàng.
Trong khi đó, Công ty B là kiểu trung lập, cân bằng giữa cả việc mở rộng quy mô và cất bớt tiền lời. Không quá chắc ăn, ổn định như Công ty A nhưng cũng không quá mạnh tay, mạnh dạn dùng tiền đầu tư mở rộng như Công ty C.
Doanh nghiệp sẽ tùy theo tính cơ hội, tình hình kinh doanh mà quyết định giữ lại bao nhiêu tiền, chia bao nhiêu tiền. Ngoài ra, một số công ty chia một phần lợi nhuận cũng nhằm giảm áp lực từ phía các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư ưa thích cổ tức.
1.3.2 Ý nghĩa thực sự của việc chia cổ tức
Việc chi trả cổ tức dù đơn giản là phương thức để phân phối lại lợi nhuận nhưng lại có ý nghĩ quan trọng đối với cổ đông.
Cụ thể: Khi bạn là cổ đông, việc công ty trả cổ tức sẽ thể hiện rằng… công ty vẫn đang hoạt động có lãi, công ty vẫn đang tạo ra tiền…
Đối với nhiều nhà đầu tư, việc công ty trả cổ tức vẫn tốt hơn là công ty giữ lại tiền của cổ đông, với tâm lý tiền mặt về tài khoản của mình vẫn là chắc ăn nhất phải không nào?
Ngoài ra, những năm gần đây, xu hướng đầu tư cổ phiếu để nhận cổ tức cũng được mọi người đón nhận, bởi:
- Mang lại nguồn thu nhập khá ổn định, nhiều công ty trả cổ tức với tỷ suất trên 10%, cao hơn nhiều so với gởi tiết kiệm ngân hàng lãi suất đâu đó chỉ 6%.
- Có thể giúp nhà đầu tư hưởng lợi nhuận kép nếu lãi suất ngân hàng giảm mạnh.
- Công ty có chính sách trả cổ tức tốt và đều đặn trong nhiều năm, tính trong dài dạn cổ phiếu sẽ có khả năng tăng giá cao lúc đó nhà đầu tư có thể chốt lời nhờ chênh lệch giá bán và cả số tiền cổ tức được nhận trong các năm trước.
Trên thị trường, hầu hết những doanh nghiệp kinh doanh tốt đều chi trả cổ tức cho cổ đông. Điển hình đó là những công ty rất lớn và uy tín như Vinamilk (mã VNM); VEAM (mã VEA); Cơ điện lạnh (mã REE); Vinacafe Biên Hòa (mã VCF); Công viên nước Đầm Sen (mã DSN)… nói chung có rất nhiều công ty có chính sách cổ tức rất tốt.
1.3.3 Ví dụ minh họa về việc chia cổ tức
Bạn hãy hình dung rằng công ty cổ phần như một cây dừa và nó cần vốn góp của cổ đông để nuôi bộ rễ cũng như toàn bộ thân cây. Những năm đầu, công ty cổ phần làm ăn chưa có lãi hoặc có lãi ít nên phần lớn lợi nhuận sẽ được giữ lại để tái đầu tư giúp thân cây to hơn, mau phát triển hơn.
Vì thế cổ tức tiền mặt trả cho cổ đông gần như là không có hoặc có nhưng với một tỷ lệ rất thấp. Đến khi nó lớn mạnh và tạo ra lợi nhuận đủ lớn, cổ đông sẽ nhận được mức cổ tức đủ hấp dẫn và dần hoàn lại số tiền vốn đã góp vào công ty cổ phần ban đầu, cũng giống như quả ngọt là thu hoạch được trái dừa vậy, năm nào cũng cho ra trái.
Tựu trung lại, bản chất việc chi trả cổ tức chủ yếu phụ thuộc vào kế hoạch và chiến lược kinh doanh của từng doanh nghiệp trong từng giai đoạn cụ thể. Nếu chưa làm gì mà có tiền dư dả thì đem chia, có kế hoạch một chút thì để lại một phần và nếu còn rất nhiều dự án thì giữ lại hết, thậm chí vay thêm. Ngoài phục vụ dòng tiền kinh doanh, cổ tức mang ý nghĩa tâm lý cho các nhà đầu tư như đã đề cập phía trên.
1.4 Cổ tức chi trả bằng phương thức nào?
Căn cứ theo Khoản 3, Điều 135 Luật Doanh nghiệp 2020 đã quy định về việc trả cổ tức:
“Cổ tức có thể được chi trả bằng tiền mặt, bằng cổ phần của công ty hoặc bằng tài sản khác quy định tại Điều lệ công ty. Nếu chi trả bằng tiền mặt thì phải được thực hiện bằng Đồng Việt Nam và theo các phương thức thanh toán theo quy định của pháp luật.”
Nói nôm na, Có 2 hình thức chi trả cổ tức phổ biến nhất, đó là:
- Trả cổ tức bằng tiền mặt
- Trả cổ tức bằng cổ phiếu
Trong đó doanh nghiệp có thể cùng lúc kết hợp vừa trả cổ tức bằng tiền mặt, vừa trả cổ tức bằng cổ phiếu. Ngoài chia cổ tức, doanh nghiệp cũng có thể phát cổ phiếu thưởng hay quyền mua cổ phiếu ưu đãi, về bản chất thì tương tự cổ tức.
Trong 1 năm cổ tức có thể được chia thành 1 đợt như cổ phiếu Vinacafe Biên Hòa (mã VCF), Vocarimex (mã VOC); CTCP Cơ điện lạnh (mã REE); Bảo Việt (mã BVH) … hay được chia làm nhiều đợt như cổ phiếu Vinamilk (mã VNM); PNJ…
1.4.1 Trả cổ tức bằng tiền mặt
Trả bằng tiền là việc doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt trực tiếp vào tài khoản chứng khoán cho cổ đông, những người đang trực tiếp sở hữu cổ phiếu đó.
Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, khi một doanh nghiệp công bố tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền, thì tức là dựa trên mệnh giá cổ phiếu tương ứng 10.000 đồng/CP, không tính trên giá thị trường giao dịch hàng ngày.
Ví dụ:
Ngày 24/12/2021, CTCP Vinacafe Biên Hòa (mã VCF) công bố chi trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt với tỷ lệ thực hiện là 250% mệnh giá, tức là 1 cổ phiếu VCF sẽ nhận được: 250% x 10.000 đồng/cp = 25.000 đồng. Như vậy cổ tức năm 2021 của cổ phiếu VCF là 25.000 đồng
CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk – mã VNM) trả cổ tức năm 2020 chia làm 3 đợt: Đợt 1 với tỷ lệ 20%; Đợt 2 với tỷ lệ 10%; Đợt 3 với tỷ lệ 11% – tức là 1 cổ phiếu VNM sẽ nhận được: (20% + 10% +11%) x 10.000 đồng/cp = 4.100 đồng. Như vậy cổ tức năm 2020 của Vinamil là 4.100 đồng
1.4.2 Trả cổ tức bằng cổ phiếu
Đối với cổ tức bằng cổ phiếu, công ty sẽ phát hành thêm cổ phiếu để trả cổ đông thay vì tiền mặt, nhằm giữ lại tiền cho hoạt động kinh doanh của mình. Trong trường hợp này, cổ đông sẽ được nhận thêm cổ phiếu, tùy thuộc vào tỷ lệ chia.
Trả cổ tức bằng cổ phiếu khá phổ biến ở những doanh nghiệp đang trong giai đoạn tăng trưởng cao như các công ty chứng khoán, ngân hàng…
Ví dụ:
CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) chia cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10:1. Điều này nghĩa là cổ đông HSG nắm giữ 10 cổ phiếu sẽ nhận thêm 1 cổ phiếu mới. Tổng số lượng cổ phiếu HSG đang lưu hành theo đó gia tăng thêm 10% là 44.46 triệu cổ phiếu từ gần 445 triệu cổ phiếu lên thành 489 triệu cổ phiếu.
CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) công bố chi trả cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt với tỷ lệ thực hiện là 5% mệnh giá tức là 1 cổ phiếu HPG sẽ nhận được 500 đồng. Đồng thời trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ thực hiện là 35%, tức là 100 cổ phiếu HPG sẽ nhận được thêm 35 cổ phiếu mới.
Với xu hướng hiện đại hóa và sức mạnh công nghệ, việc thanh toán cổ tức cho nhà đầu tư ngày càng trở nên đơn giản, tiện lợi và nhanh chóng. Khi đã mở tài khoản tại công ty chứng khoán thì bạn không cần làm gì cả, công ty chứng khoán sẽ có trách nhiệm chuyển cổ tức (bằng tiền hoặc cổ phiếu) về tài khoản cho bạn.
1.5 Do đâu cổ phiếu giảm giá một cách “kỳ lạ” trong ngày giao dịch không hưởng quyền (GDKHQ)?
Bỗng nhiên vào một ngày đẹp trời, nhà đầu tư mới tham gia thị trường chứng khoán có thể sẽ cảm thấy hoang mang và khó hiểu, thậm chí choáng váng xây xẩm cả mặt mày khi gặp phải tình huống sau:
Mở Bảng giá cổ phiếu ra thì thấy cổ phiếu sụt giảm một cách “kỳ lạ” so với phiên ngày hôm qua, thậm chí biên độ dao động giá của cổ phiếu còn vượt quá so với quy định (7% ở sàn HoSE; 10% ở sàn HNX hay 15% ở sàn Upcom). Nếu nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu đó sẽ cảm thấy hoảng hốt khi tài khoản bất ngờ “bốc hơi” một khoản tiền mà không biết đã đi đâu về đâu…
Đa phần các trường hợp là do doanh nghiệp thực hiện chốt quyền chia cổ tức. Vào ngày đó, ngày giao dịch không hưởng quyền (GDKHQ), cổ phiếu sẽ bị điều chỉnh làm giảm thị giá xuống. Mục đích của việc điều chỉnh giá nhằm để giữ nguyên tổng giá trị tài sản của nhà đầu tư. Phần tiền bị hụt đi của nhà đầu tư sẽ được bù đắp vào 1 thời điểm sau đó, khi cổ tức về tài khoản dạng tiền mặt hoặc cổ phiếu (trong điều kiện giá cổ phiếu trên thị trường không sụt giảm).
Trên biểu đồ giá chưa điều chỉnh, nhà đầu tư sẽ thấy giá cổ phiếu vào ngày GDKHQ sẽ sụt giảm 1 khoảng trống rất không bình thường. Trong trường hợp biểu đồ đã được điều chỉnh, giá ghi nhận từ các phiên trước đó cũng sẽ giảm xuống theo giá tại ngày GDKHQ.
Theo Khoản 4, Điều 135 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về việc chia cổ tức:
Cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày kết thúc họp ĐHĐCĐ thường niên. HĐQT lập danh sách cổ đông được nhận cổ tức, xác định mức cổ tức được trả đối với từng cổ phần, thời hạn và hình thức trả chậm nhất là 30 ngày trước mỗi lần trả cổ tức.
Thị giá cổ phiếu sẽ bị điều chỉnh kỹ thuật vào ngày GDKHQ
Ngày GDKHQ cũng là yếu tố mà nhà đầu tư cần quan tâm khi giao dịch chứng khoán. Đây là ngày giao dịch trước ngày chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức một ngày. Nhà đầu tư mua cổ phiếu trong ngày này sẽ không được hưởng quyền liên quan, ở trường hợp này là cổ tức. Điều này bắt nguồn bởi quy định giao dịch T+2 tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Do đó, muốn được nhận cổ tức, cổ đông phải mua vào chậm nhất là trước ngày GDKHQ. Khi đã nằm trong danh sách chốt, bạn chắn chắn sẽ được nhận cổ tức dù có bán ra cổ phiếu ngay sau đó hay không.
Nhà đầu tư có thể dễ dàng kiểm tra lại thông tin liên quan đến chia cổ tức, để nắm chính xác về kế hoạch chia cổ tức của doanh nghiệp. Đây là trách nhiệm và nghĩa vụ mà tất cả doanh nghiệp niêm yết bắt buộc phải công bố thông tin công khai.
1.6 Cách tính giá điều chỉnh của cổ phiếu trong ngày GDKHQ
Ví dụ:
Cổ Phiếu VCB ngày 31/5/2021 có giá 100.000đ. Ngày 1/6 là ngày GDKHQ của cổ phiếu VCB với các quyền sau:
- Tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền: 100:15 (tương đương 15% hay 1.500 đồng)
- Tỷ lệ chia cổ phiếu thưởng: 100:10 (tương đương 10%)
- Phát hành thêm tỷ lệ 100:20 giá 10.000 đồng
Do vậy giá cổ phiếu VCB vào ngày GDKHQ 1/6/2021 sẽ được tính như sau:
Ví dụ:
Cổ phiếu VIC vào ngày 21/02/2022 có giá là 80.000đ. Ngày 22/02/2022 là ngày GDKHQ của cổ phiếu này với các quyền sau:
- Tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền: 10% (tương đương 1.000 đồng)
- Tỷ lệ chia cổ phiếu thưởng: 100:10 (tương đương 10%)
- Phát hành thêm theo tỷ lệ: 15% giá 10.000 đồng
Vậy giá cổ phiếu VIC vào ngày GDKHQ 22/02/2022 được tính như sau:
2. Cổ tức bằng tiền mặt hay cổ phiếu có lợi hơn?
Đa phần nhà đầu tư thường ưa thích cổ tức bằng tiền mặt hơn cổ phiếu, do tâm lý “tiền tươi thóc thật”, “tiền trong túi mình mới là tiền của mình”. Với lại khi công ty trả cổ tức bằng tiền mặt sẽ thể hiện cho cổ đông rằng công ty đang hoạt động kinh doanh có lợi nhuận (ít nhất là công ty không bị lỗ). Đương nhiên, đây có vẻ là một dấu hiệu tốt.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp trả cổ tức bằng tiền mặt không hẳn đã là tốt. Khi đầu tư cổ phiếu bạn cần hiểu rõ bản chất trong việc trả cổ tức của công ty. Vì phương án nào cũng có 2 mặt.
2.1 Bản chất của việc chia cổ tức
Để biết cách chi trả cổ tức nào tốt nhất, trước hết bạn cần hiểu rõ điểm khác nhau quan trọng nhất giữa việc trả cổ tức bằng tiền mặt và cổ tức bằng cổ phiếu là gì?
Đó chính là dòng tiền lưu thông của doanh nghiệp.
Đối với việc trả cổ tức bằng tiền, dòng tiền từ lợi nhuận sau thuế sẽ đi ra khỏi doanh nghiệp. Cụ thể, là tiền sẽ được chi trả vào tài khoản của từng cổ đông. Vốn chủ sở hữu sẽ giảm xuống…
Còn việc trả cổ tức bằng cổ phiếu, dòng tiền về cơ bản vẫn ở trong doanh nghiệp. Chỉ có sự thay đổi từ khoản mục Lợi nhuận sau thuế (chưa phân phối) chuyển sang khoản mục Vốn cổ phần (hay Vốn điều lệ).
2.2 Ưu điểm và nhược điểm của 2 hình thức chi trả cổ tức
Tại thời điểm chia cổ tức, giá trị tài sản của bạn cũng không hề thay đổi (chưa xét đến yếu tố biến động giá và thuế) vì giá cổ phiếu sẽ được điều chỉnh kỹ thuật tương ứng với phần chia cổ tức.
Với cổ tức bằng tiền mặt, nhà đầu tư nhận được sự bảo đảm với một khoản “tiền tươi thóc thật” nắm chắc trong tay, qua đó có thể trực tiếp sử dụng khoản tiền đó để đầu tư vào lĩnh vực khác hoặc cho nhu cầu cá nhân. Đây là một lựa chọn phù hợp với những cổ đông theo hướng quản trị rủi ro, hoặc mong muốn có nguồn thu nhập chắc chắn.
Tuy nhiên, cổ tức bằng tiền mặt sẽ làm giảm lượng tiền của doanh nghiệp trong việc kinh doanh, nhưng suy cho cùng, đó mới là mục đích chính của kinh doanh . Cổ tức tiền mặt có ý nghĩa nhiều hơn đối với những nhà đầu tư nắm giữ dài hạn vì tạo ra thu nhập thường xuyên từ khoản đầu tư, song hành cùng tăng trưởng giá cổ phiếu.
Đối với doanh nghiệp, chi trả cổ tức bằng tiền mặt tạo sự an tâm cho cổ đông, gia tăng uy tín của công ty. Đây cũng là khoản minh chứng cho việc kinh doanh có hiệu quả trong giai đoạn trước đó của công ty.
Trong khi đó, trả cổ tức bằng cổ phiếu sẽ gây pha loãng lượng cổ phiếu lưu hành của công ty cổ phần. Qua đó, khiến thu nhập trên mỗi cổ phiếu (Earning Per Share – EPS) mà cổ đông nắm giữ sẽ giảm đi.
Khi tất cả các cổ đông của công ty được nhận thêm cổ phiếu mới theo một tỷ lệ nhất định, thì nhà đầu tư nên hiểu rằng công ty không nhận được nguồn vốn góp mới từ cổ đông hoặc nhà đầu tư ngoài, đây chỉ là việc chuyển đổi giữa các khoản mục trong nguồn vốn cổ đông từ Lợi nhuận sang Vốn điều lệ, do đó Vốn chủ sở hữu không thay đổi.
Song, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu vẫn có ưu điểm. Doanh nghiệp có thể giữ lại tiền để mở rộng sản xuất, đầu tư cho dự án mới. Nếu kế hoạch này thành công, đem lại lợi nhuận cao, tiền đầu tư của cổ đông được sử dụng hiệu quả thì tổng giá trị của công ty sẽ tăng lên.
Về phía nhà đầu tư, việc nhận thêm cổ phiếu sẽ giúp ích cho họ nếu cổ phiếu đó trên thị trường chứng khoán có xu hướng tăng cao. Lợi nhuận đem về từ việc bán cổ phiếu sẽ lớn vì nhà đầu tư nắm giữ nhiều cổ phiếu hơn ban đầu.
2.3 Nhà đầu tư nên làm gì?
Dù trả cổ tức bằng cổ phiếu, bản chất về mặt tài chính kinh doanh là không đổi, chỉ thay đổi về mặt kế toán từ lợi nhuận chưa phân phối sang vốn chủ sở hữu.
Nhà đầu tư cần theo dõi chính sách cổ tức của doanh nghiệp để đưa ra lựa chọn phù hợp chiến lược đầu tư của mỗi người.
Những nhà đầu tư ưa thích ổn định, an toàn có thể quan tâm đến những doanh nghiệp kinh doanh ổn đỉnh, trả cổ tức tiền mặt đều đặn và tỷ suất sinh lời cao hơn lãi suất ngân hàng. Doanh nghiệp thường dôi dư lượng tiền mặt lớn, ít hoặc không hề vay nợ.
Việc doanh nghiệp trả cổ tức tiền mặt chứng tỏ công ty đó có khả năng tạo ra dòng tiền, là dấu hiệu của đa số doanh nghiệp làm ăn tốt. Nếu doanh nghiệp đều đặn trả cổ tức bằng tiền cho cổ đông mà vẫn “ăn nên làm ra” chứng tỏ doanh nghiệp đó thực sự có tiềm năng. Và giá cổ phiếu nhóm này sẽ đi lên trong đa phần trường hợp. Khi đó, nhà đầu tư được hưởng cả cổ tức và chênh lệch giá tăng. So với mức thuế chỉ 5% bị khấu trừ khi nhận cổ tức, thành quả này cực kỳ tuyệt vời.
Ngược lại, rất nhiều doanh nghiệp năm này qua năm khác không hề chia cổ tức cho cổ đông hoặc chỉ chia bằng cổ phiếu. Nếu không trả cổ tức bằng tiền mặt mà kinh doanh cũng kém về tăng trưởng thì nhà đầu tư cần phải rất thận trọng khi đầu tư vào nhóm doanh nghiệp này.
Với những nhà đầu tư ưa thích bùng nổ, biến động lớn có thể quan tâm đến nhóm công ty không trả cổ tức hoặc chỉ trả bằng cổ phiếu. Chúng ta cần đánh giá ban lãnh đạo, tham vọng, tầm nhìn và năng lực doanh nghiệp đến mức nào. Nếu đặt tiền đúng nơi, chắc chắn phần thưởng sau này sẽ lớn hơn rất nhiều. Tuy nhiên đa số nhà đầu tư là nhỏ lẻ, đa số là những người đi làm thuê… thì làm sao có đủ khả năng để đánh giá được ban lãnh đạo, tham vọng hay tầm nhìn của một công ty nào đó niêm yết trên sàn. Thực sự việc này cực kỳ khó khăn….
3. Mặt trái của việc chia cổ tức?
Trên thị trường chứng khoán, rất nhiều nhà đầu tư sử dụng chiến lược đầu tư cổ phiếu để “ăn” cổ tức. Tuy nhiên, cũng có luồng ý kiến trái chiều cho rằng: “Ăn cổ tức có mà tức tận cổ!”. Sau đây là những nhược điểm hay hạn chế của việc đầu tư để nhận cổ tức.
3.1 Bị đóng thuế thu nhập cá nhân 5% từ cổ tức
Quay về phía góc nhìn của nhà đầu tư, việc chia cổ tức bằng tiền mặt hay cổ phiếu cũng không đem lại thêm bất kỳ lợi nhuận gia tăng trong tài khoản. Nôm na là tiền chỉ chạy từ túi này sang túi khác, tiền không đẻ thêm tiền.
Với chia cổ tức bằng tiền mặt, một số cổ đông cảm thấy “tức tận cổ” khi phải trả thuế đến 2 lần. Lần đầu tiên là thuế thu nhập doanh nghiệp (hiện nay là 20%) tính trên lãi công ty cổ phần đem về. Thứ 2 là thuế thu nhập cá nhân cho lượng cổ tức cổ đông nhận được (cố định 5%); nghĩa là nếu Công ty trả cổ tức 20 triệu đồng, cổ đông chỉ thực nhận 19 triệu đồng (1 triệu đồng là tiền thuế thu nhập cá nhân).
Ví dụ: Công ty A hiện có tổng 1 triệu cổ phiếu đang lưu hành và năm 2021 sau khi trừ đi hết các chi phí có lợi nhuận trước thuế là 125 tỷ đồng. Hiện tại thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định hiện hành là 20%.
Số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp công ty A phải nộp là: 125 tỷ đồng x 20% = 25 tỷ đồng
Số tiền lợi nhuận sau thuế công ty A: 125 tỷ đồng – 25 tỷ đồng = 100 tỷ đồng.
Nếu hiện tại bạn đang sở hữu 1.000 cổ phiếu công ty A và Công ty A quyết định đem hết 100 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chia hết cho cổ đông thì Số tiền hay Cổ tức dự kiến bằng tiền mặt bạn sẽ nhận được là:
100 tỷ đồng : 1 triệu cổ phiếu x 1.000 cổ phiếu = 100 triệu đồng.
Tuy nhiện bạn phải đóng thuế thu nhập cá nhân 5% từ cổ tức nên số tiền thực tế bạn nhận được là:
100 triệu đồng x 95% = 95 triệu đồng
Theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/12/2020 thì cổ tức bằng cổ phiếu cũng phải đóng thuế thu nhập cá nhân như chia bằng tiền mặt với tỷ lệ 5% khi bán ra. Đó là chưa kể đến thuế thập nhập cá nhân 0.1% mà nhà đầu tư phải đóng khi bán ra số cổ phiếu là cổ tức hoặc cổ phiếu thưởng đã nhận được. Tức là với số cổ tức là cổ phiếu hay cổ phiếu thưởng bạn được nhận thêm thì bạn phải đóng 5.1% thuế thu nhập cá nhân không cần biết nhà đầu tư lãi hay lỗ.. Tức là một khoản thu nhập mà chịu 2 lần thuế thu nhập với mức thuế suất khác nhau.
Cơ quan thuế “thòng” thêm quy định, cứ bán cổ phiếu sau ngày chốt quyền thì sẽ tính lượng bán trước là cổ phiếu thưởng, cổ phiếu trả cổ tức, hết số lượng này mới tính là cổ phiếu gốc – tức là nếu sau chia tách, nhà đầu tư có 10.000 cổ phiếu trong tài khoản trong đó có 2.000 cổ phiếu trả cổ tức thì dù để ở ngăn nào chăng nữa, cứ khi nhà đầu tư bán ra cổ phiếu, nghiễm nhiên 2.000 cổ phiếu đầu tiên sẽ bị khấu trừ thuế.
Ví dụ: nhà đầu tư sở hữu 10.000 cổ phiếu A, với mức chia thưởng cổ tức bằng cổ phiếu 10%, nhà đầu tư này sẽ được sở hữu thêm 1.000 cổ phiếu A. Khi bán đi 1.000 cổ phiếu này sẽ phải nộp 5% trên tổng giá trị bán.
Theo nhiều nhà đầu tư, thu như thế quá vô lý, bởi khi bán cổ phiếu đã phải nộp 0,1% trên tổng giá trị bán, sau đó lại phải nộp thêm 5% như trên dẫn tới “thuế chồng thuế”. Chưa kể, lợi nhuận dùng để chia cổ tức, doanh nghiệp đã phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp 20% theo quy định. Như vậy không khác gì 1 lần giao dịch mà phải đóng tới 3 lần thuế.
Bất hợp lý hơn nữa, sau nhận chia “cổ tức bằng cổ phiếu” 10%, giả sử giá cổ phiếu A giảm 20%, nhà đầu tư bán cắt lỗ chặn nhưng vẫn phải nộp thuế TNCN bằng 5% của 10% “cổ phiếu bằng cổ tức” kia trong khi thu nhập thực tế âm gần 10%. Thuế TNCN là để đánh khi có thu nhập. Đằng này lỗ vẫn phải nộp thì công bằng ở đâu… ?
Đây là điều khiến nhà đầu tư không dễ chấp nhận…
3.2 Rủi ro pha loãng cổ phiếu – nhận cổ phiếu lẻ
Trong trường hợp cổ tức trả bằng cổ phiếu, vốn hóa doanh nghiệp vẫn không hề thay đổi. Trong khi đó, lượng cổ tức bằng cổ phiếu mới phát hành phải sau vài tuần, thậm chí vài tháng mới về tài khoản để có thể bán được. Nhà đầu tư mất sự chủ động trong giao dịch với lượng cổ tức này.
Hơn nữa, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu khiến một vài trường hợp phát sinh cổ phiếu lẻ khó bán hoặc bán với giá bất lợi. Hiện tại thị trường chứng khoán Việt Nam giao dịch theo lô chẵn là lô 100, có nghĩa bình thường khi bạn muốn mua hay muốn bán thì số cổ phiếu của bạn phải là bội của 100, hay nói cách khác số cổ phiếu đó chia hết 100. Ví dụ như 100 cổ phiếu; 600 cổ phiếu; 2.000 cổ phiếu; 1 triệu cổ phiếu.
Còn lô lẻ là việc cổ phiếu bạn đang sở hữu có sổ lẻ từ 1 đến 99. Ví dụ bạn đang sở hữu 1.090 cổ phiếu Vinamilk thì trong đó có 90 cổ phiếu là cổ phiếu lẻ hay bạn sở hữu 100.275 cổ phiếu FPT thì trong đó có 75 cổ phiếu lẻ. Để bán số cổ phiếu lẻ này thì bạn sẽ bán với giá sàn của phiên giao dịch ngày hôm đó. Người mua lại số cổ phiếu lẻ này chính là công ty chứng khoán bạn đang mở tài khoản. Đa số các công ty chứng khoán sẽ có chính sách mua lại số cổ phiếu lẻ với giá sàn.
Ví dụ: Bạn đang sở hữu 100 cổ phiếu CTCP Thế giới di động (mã MWG). Ngày 13/09/2021 MWG thực hiện chi trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 2:1 có nghĩa là nghĩa là mỗi cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu tại thời điểm chốt danh sách sẽ nhận
được 1 cổ phiếu phát hành thêm. Bạn có 100 cổ phiếu MWG bạn sẽ nhận được thêm 50 cổ phiếu MWG mới.
Ngày 09/03/2022 cổ phiếu MWG có giá tham chiếu 134.200 đồng và giá sàn là 124.900 đồng và bạn muốn bán tất cả 150 cổ phiếu MWG này. 100 cổ phiếu (lô chẵn) bạn có thể bán ra với giá bạn muốn ví dụ là 134.200 đồng như giá tham chiếu. Còn 50 cổ phiếu còn lại (lô lẻ) sẽ được bán ra với giá 124.900 đồng.
Số tiền chênh lệch giữa giá tham chiếu và giá sàn là: 134.200 – 124.900 = 9.300 đồng
Số tiền bạn bị thiệt hại khi bán 50 cổ phiếu (lô lẻ) với giá sàn là: 50 cổ phiếu x 9.300 đồng = 465.000 đồng.
3.3 Những ngộ nhận về cổ tức
Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư mới hay còn gọi là nhà đầu tư F0 thường hiểu chưa đúng về cổ tức trong thời gian đầu tham gia thị trường chứng khoán.
Về bản chất, cổ tức bằng cổ phiếu (hoặc thưởng bằng cổ phiếu) chính là nghiệp vụ chia tách cổ phiếu và nó không hề phát sinh bất kỳ dòng tiền mới nào giúp doanh nghiệp gia tăng nội lực. Giả sử, một doanh nghiệp công bố chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10% với giá thị trường đang là 20,000 đồng/cp. Như vậy, mỗi 100 cổ phiếu cũ với giá 20,000 đồng/cp sẽ được tách thành 110 cổ phiếu mới với thị giá thấp hơn là 18,200 đồng/cp do pha loãng.
Một số ngộ nhận của nhà đầu tư
Chia cổ tức bằng cổ phiếu giúp tài sản tăng lên. Ngộ nhận này phổ biến nhất và là nguyên nhân gây ra các đợt sóng tăng khi có tin chia cổ tức bằng cổ phiếu. Thật ra, dù nhà đầu tư có nhiều cổ phiếu hơn nhưng giá của mỗi cổ phiếu bị pha loãng nên tài sản của nhà đầu tư vẫn giữ nguyên, không tăng không giảm.
Chia cổ tức bằng cổ phiếu chứng tỏ doanh nghiệp tăng vốn hơn trước, mở rộng lớn mạnh hơn. Điều này chỉ đúng ở vế đầu vì việc chia cổ tức bằng cổ phiếu giúp doanh nghiệp gia tăng vốn điều lệ. Song, xét về bản chất, vốn chủ sở hữu, tổng tài sản lại không hề thay đổi và hơn hết là không có bất kỳ dòng tiền phát sinh mới chảy vào doanh nghiệp. Do đó, thoạt nhìn có vẻ doanh nghiệp to lớn hơn nhưng thực sự đây chỉ là nghiệp vụ sổ sách.
Cũng có những nhà đầu tư dài hạn nhằm mục đích nhận cổ tức cao hơn lãi gửi ngân hàng, song sau một thời gian thì nhận thấy phần thị giá sụt đi còn cao hơn cả cổ tức thu được.
Những ngộ nhận này dễ khiến nhà đầu tư hoang mang, bực tức, và thậm chí đưa ra nhận định/quyết định mua bán chưa phù hợp, có thể gây tổn hao đến túi tiền đầu tư.
Mặt lợi:
– Về ưu điểm, việc trả cổ tức bằng cổ phiếu giúp công ty có thể giữ lại tiền để khắc phục khó khăn hoặc mở rộng sản xuất, đầu tư vào những dự án mang lại lợi nhuận lâu dài cho cổ đông.
– Việc trả cổ tức bằng cổ phiếu giúp lượng cổ phiếu lưu hành tăng lên, qua đó gián tiếp tăng thanh khoản của cổ phiếu đó. Cổ tức bằng cổ phiếu cũng làm giảm thị giá, giúp nhà đầu tư khác có thể dễ dàng mua cổ phiếu. Trong ngắn hạn, ảnh hưởng tích cực đến giá cổ phiếu, đặc biệt là tin chia cổ tức khủng. Nhà đầu tư có thể tận dụng tác động về mặt tâm lý trong ngắn hạn.
– Việc trả cổ tức bằng cổ phiếu còn hấp dẫn hơn nếu doanh nghiệp đang mở rộng đầu tư… Lúc này, nhà đầu tư sẽ thấy cổ tức bằng cổ phiếu giúp vốn đầu tư giảm nhanh hơn nhiều so với cổ tức bằng tiền mặt.
– Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp hoạt động kinh doanh không vượt trội, giá sẽ trở về mức trước khi tăng. Doanh nghiệp đầu tư những dự án không hiệu quả, khiến giá cổ phiếu giảm thêm.
Mặt hại:
– Nhược điểm của cổ tức bằng cổ phiếu là vốn hóa không đổi, trong khi nhà đầu tư phải chờ 2-3 tháng để cổ phiếu mới phát hành về tài khoản, sau đó mới có thể bán.
– Nhà đầu tư cũng cần đánh giá thêm tài chính của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp sử dụng thủ thuật tài chính giúp kết quả kinh doanh tích cực nhưng không tạo ra dòng tiền. Lợi nhuận cao nhưng nằm nhiều ở khoản phải thu, tài sản dở dang… cho thấy dòng tài chính có vấn đề. Trả cổ tức bằng cổ phiếu là biện pháp giúp doanh nghiệp hợp thức hóa nhiều chỉ tiêu tài chính và điều này hoàn toàn khác với việc đầu tư mở rộng. Cổ phiếu của doanh nghiệp bị pha loãng lớn và với tiềm lực tài chính như trên sẽ khó giúp giá cổ phiếu tăng trở lại hoặc trả cổ tức cao cho năm tiếp theo.
3.4 Đầu tư “ăn” cổ tức: Nên chọn doanh nghiệp nào?
Về cơ bản, đầu tư nhằm “ăn” cổ tức là một chiến lược có thể mang lại nguồn thu nhập ổn định và tương đối cao trong bối cảnh lãi suất ngân hàng có xu hướng giảm như hiện nay chỉ đâu đó khoảng 6%.
Nếu theo đuổi chiến lược này, nhà đầu tư cần hiểu rõ đặc điểm của cổ tức, đặc biệt là cổ tức tiền mặt. Khi các công ty chia cổ tức tiền mặt chứng tỏ là đơn vị đó có dư dả tiền mặt, kinh doanh có lãi. Khi doanh nghiệp kinh doanh tăng trưởng, tạo ra dòng tiền tích cực để trả cổ tức tiền mặt cao thì nhiều khả năng đó là doanh nghiệp tốt, và cổ phiếu sở hữu tiềm tăng giá mạnh.
Các chuyên gia chứng khoán chỉ ra rằng: Khi cổ phiếu của một doanh nghiệp tốt điều chỉnh giá do chia cổ tức, mức giá thấp sẽ kích thích một bộ phận lớn nhà đầu tư mua vào với tâm lý giá rẻ và chính điều này đã “kéo” giá tăng trở lại.
Như vậy, nhà đầu tư lúc nhận được hưởng lợi nhuận kép gồm cổ tức được chia và chênh lệch giá tăng. Có thể thấy, chiến lược này thường chỉ phù hợp với doanh nghiệp kinh doanh tốt, tăng trưởng bền vững.
Tựu trung lại, đầu tư cổ phiếu để hưởng cổ tức cũng là một chiến lược đáng quan tâm giữa bối cảnh lãi suất ngân hàng duy trì thấp. Những nhà đầu tư có kinh nghiệm vẫn có thể hưởng lợi nhuận kép gồm cổ tức và chênh lệch giá cổ phiếu tăng. So với con số thuế 5% tính trên cổ tức, khoản lợi nhuận này hoàn toàn ngọt ngào chứ không hề “tức cổ” một chút nào!
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần chú ý, trả cổ tức bằng cổ phiếu đôi khi trở thành đòn “tung hỏa mù” của nhiều doanh nghiệp. Lợi dụng việc hiểu biết chưa rõ của cổ đông, ban lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đã che giấu việc thiếu hụt dòng tiền chia cổ tức (hoặc cố ý để lại quỹ tiền mặt lớn nhằm mục đích cá nhân) bằng việc “thưởng” cổ phiếu thêm. Bằng cách như thế, cổ đông ngộ nhận rằng mình đã được tăng thêm giá trị nhưng thực sự giá trị họ nhận được chẳng là gì hơn ngoài số lượng “giấy” tăng lên.
Trong thị trường giá lên (bull market – thị trường con bò), chính sách cổ tức bằng cổ phiếu thường được nhiều doanh nghiệp và kể cả cổ đông ưa chuộng. Khi giá cổ phiếu đang tăng mạnh, việc pha loãng cổ phiếu giúp thị giá giảm xuống, tạo tâm lý tích cực trong ngắn hạn cho những nhà đầu tư có nhu cầu giải ngân. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng kỳ vọng sự tăng trưởng về giá cổ phiếu sau đó sẽ mang lại một khoản lợi nhuận lớn hơn tiền mặt.
Ngược lại, trong thị trường giá xuống (bear market – thị trường con gấu), đặc biệt tại giai đoạn thị trường ảm đạm, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ gây tâm lý tiêu cực cho NĐT vì pha loãng cổ phiếu khiến cảm giác giảm giá cổ phiếu trở nên trầm trọng hơn, NĐT cũng cảm thấy chắn ăn hơn khi nắm giữ tiền mặt.
4. Cổ tức tiền mặt cao nhất thuộc về cổ phiếu nào?
Năm 2021, có hơn 410 doanh nghiệp niêm yết trên HoSE và HNX; 420 doanh nghiệp UPCoM thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông.
Tại sàn HoSE, ngoài CTCP Vinacafé Biên Hòa (mã VCF) thì không có thêm mã cổ phiếu nào có tỷ lệ cổ tức tiền mặt trên 100%. Vinacafé Biên Hòa là công ty chi trả cổ tức tiền mặt cao nhất 2021 với tỷ lệ 250%, tương đương 25,000 đồng/cp.
Theo đó, cổ đông lớn duy nhất là Công ty TNHH MTV Masan Beverage thuộc tập đoàn Masan, sở hữu 98.79% vốn, sẽ thu về 654 tỷ đồng cổ tức. Với số lượng cổ phiếu tự do lưu hành ít, khối lượng giao dịch trung bình khớp lệnh qua 1 năm chỉ 300 cp/phiên, nhà đầu tư cá nhân khó tiếp cận được cổ phiếu này. Bên cạnh đó, VCF hiện là một trong những cổ phiếu có thị giá cao nhất trên thị trường, đang được giao dịch ở mức 232.700 đồng (09/03/2022).
Tỷ lệ cao thứ hai là 75% tương đương 7.500 đồng/cổ phiếu thuộc về CTCP May Sông Hồng (mã MSH). Tiếp đến là các mã như TMP, DRL, NCT, PPC, SCS, TCL, THG…
Tại sàn HNX cũng chỉ có 1 mã có tỷ lệ cổ tức tiền mặt trên 100% là CTCP Thống Nhất (mã BAX), với 130.93%, tương đương hơn 13,000 đồng/cp. Tiếp đến là các mã như DP3, SLS, SCI, NET…
Tại sàn UPCoM có đến 3 cổ phiếu có tỷ lệ cổ tức tiền mặt trên 100%:
Đứng đầu là CTCP Dịch vụ Trực tuyến FPT (UPCoM: FOC), với tỷ lệ 200%, tương đương 20,000 đồng/cp.
Thứ 2 trên sàn UPCoM thuộc về CTCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (UPCoM: NTC), với 120%, tương đương 12,000 đồng/cp.
Doanh nghiệp cuối cùng có tỷ lệ cổ tức tiền mặt hơn 100% trên sàn UPCoM là Tổng CTCP Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (UPCoM: VEA), với 107.06%, tương đương gần 11,000 đồng/cp.
Tiếp đến là nhiều công ty chi trả cổ tức bằng tiền mặt lớn như: NSS, TQN, MLS, SBH, QNU, VGG…
Nhìn chung, năm 2021, các doanh nghiệp trên sàn UPCoM vượt trội các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HoSE và HNX về số lượng doanh nghiệp trả cổ tức và tỷ lệ cổ tức tiền mặt. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là một số mã cổ phiếu trên sàn UPCoM dù có tỷ lệ cổ tức cao nhưng khối lượng giao dịch trung bình (hay còn gọi là thanh khoản) rất thấp, thậm chí không có giao dịch.
Cụ thể, CTCP Nông Súc Sản Đồng Nai (UPCoM: NSS) và CTCP Thông Quảng Ninh (UPCoM: TQN) không có giao dịch qua 1 năm. Trong khi đó, KLGDTB qua 1 năm của CTCP Cơ khí Phổ Yên (UPCoM: FBC) là 2 cp/phiên, CTCP Thực phẩm Cholimex (UPCoM: CMF) 8 cp/phiên, CTCP Môi trường Đô thị Quảng Nam (UPCoM: QNU) 28 cp/phiên và CTCP Sữa Quốc tế (UPCoM: IDP) 548 cp/phiên.
Tại các doanh nghiệp này, cơ cấu cổ đông khá cô đặc, cổ đông lớn sở hữu ít nhất 70% cổ phần. Điều này đồng nghĩa nhà đầu tư cá nhân khó được hưởng lợi từ cổ tức của doanh nghiệp.