Đặng Thị Hoàng Yến là ai? – Chủ tịch tập đoàn Tân Tạo là ai?

Đặng Thị Hoàng Yến hay Maya Dangelas là một doanh nhân người Mỹ gốc Việt hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ sinh ngày 01/06/1959 tại Hải Phòng. Bà là Nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA), một trong những chủ đầu tư bất động sản công nghiệp lớn nhất Việt Nam.

Đặng Thị Hoàng Yến từng là Đại biểu Quốc hội khóa XIII của tỉnh Long An từ năm 2011 trước khi bị bãi miễn chức danh đại biểu Quốc hội Việt Nam năm 2012 với lý do liên quan đến chồng người Mỹ đã ly dị. Từ năm 2012 bà sang Mỹ và đổi tên thành Maya Dangelas, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hoa Kỳ nhưng vẫn điều hành tập đoàn Tân Tạo từ xa.

Đặng Thị Hoàng Yến là Nhà sáng lập chính, Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng của Đại học Tân Tạo hiện bà có học vị Tiến sĩ. Bà Yến còn là Cựu sinh viên Trường Đại học Kinh tế Tp Hồ Chí Minh (UEH).

Đặng Thị Hoàng Yến - Nhà sáng lập/Chủ tịch tập đoàn Tân Tạo
Đặng Thị Hoàng Yến – Nhà sáng lập/Chủ tịch tập đoàn Tân Tạo

Đặng Thị Hoàng Yến & quá trình khởi nghiệp

Đặng Thị Hoàng Yến sinh năm 1959 tại Hải Phòng, bố là cán bộ người Sài Gòn tập kết ra bắc, mẹ là người Hải Phòng. Bà là chị ruột của ông Đặng Thành Tâm, người được xếp hạng là người giàu nhất ở Việt Nam năm 2007.

Đặng Thị Hoàng Yến tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp, bà công tác tại cơ quan Nhà nước 13 năm. Năm 1993, bà quyết định tạo dựng con đường đi cho riêng mình khi thành lập Công ty TNHH Hoàng Yến, tiền thân của Tập đoàn Tân Tạo ngày nay.

Ngày 14/11/1996, CTCP khu công nghiệp Tân Tạo (ITACO) được thành lập. Vào tháng 2/1997, dự án đầu tiên là khởi công xây dựng khu công nghiệp Tân Tạo trên diện tích 442 hec ta tại huyện Bình Tân – TP.HCM. Bà Yến giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Tạo từ năm 1996 cho đến nay.

Không chỉ hoạt động trong nước, bà Yến đã nung nấu tham vọng tiến xa ra thị trường quốc tế. Năm 2002, bà Yến bắt đầu kinh doanh tại Mỹ và thành lập Công ty TNHH US Southern Homes và Công ty cổ phần US Southern hoạt động trong lĩnh vực phát triển nhà đất.

CTCP Đầu tư và công nghiêp Tân Tạo – ITACO, công ty con thuộc Tập đoàn Tân Tạo, đã trở thành một trong 9 cổ phiếu blue-chip được chọn gia nhập chỉ số chứng khoán Russell Global Index và là một trong 10 công ty có giá trị vốn hóa lớn và tính thanh khoản tốt nhất Việt Nam hiện nay được lựa chọn tính toán trong chỉ số S&P Vietnam 10 Index.

Năm 2007, Tập đoàn Tân Tạo đã thành lập Quỹ ITA vì tương lai, Quỹ ITA chiến thắng bệnh tật, Quỹ ITA hàn gắn vết thương nhằm hỗ trợ việc học, y tế và vật chất cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

Ngày 15/11/2006, Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM với mã ITA. Nằm trong Top 200 công ty đầu tiên niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán Việt Nam (đến 31/12/2016 có 187 công ty niêm yết).

Bà Yến định hướng Tân Tạo trong những năm tiếp theo sẽ tập trung vào 3 mục tiêu chính gồm phát triển hoàn thiện các khu đô thị, khu công nghiệp trong nước; mở rộng khu Tân Đức 2 lên 230 héc ta; và mở rộng đầu tư tại Mỹ. Nữ doanh nhân cho biết sẽ nâng tổng vốn đầu tư vào quần thể KCN Tân Đức và Tân Tạo lên tới 1 tỉ USD, đủ phục vụ cho trên 550 nhà máy hoạt động. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiên hạ tầng KCN và Khu dân cư An Khang.

Ngoài ra, tập đoàn này dự kiến sẽ góp vốn đầu tư dự án khu công nghệ cao Clearist Park tại thung lũng Silicon, Mỹ trị giá 10 triệu USD.

Trong năm nay, tập đoàn tiếp tục tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Tân Đức giai đoạn 2, dự án khu Ecity Tân Đức, dự án KCN Sài Gòn – Mekong. Ngoài ra, Tân Tạo sẽ tiếp tục triển khai xây dựng dự án Tân Tạo Plaza 4, 5, 6 quy mô 50.000m2 tại Bình Tân, TP.HCM.

Về dự án “tỉ đô” Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương, phía Tân Tạo cho biết vẫn tiếp tục làm việc với cơ quan, ban ngành để kiến nghị Chính phủ đưa dự án vào quy hoạch phát triển điện quốc gia.

Bà Yến & câu chuyện cảm động về con heo

Trong những ngày tháng đầu xây dựng cơ đồ hay những lúc gặp khó khăn trong cuộc sống, nữ doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến này cho biết lắm lúc bà chỉ muốn bỏ cuộc, những lúc như vậy, bà lại nghĩ đến hình ảnh ba mình cố gắng cứu con heo khỏi bị chết để tạo thêm động lực cho bản thân.

Bà kể lại: ”Hình ảnh tôi nhớ mãi đấy là hình ảnh ba tôi cố gắng cứu con heo khỏi bị chết. Con heo đấy là toàn bộ tiền tiết kiệm của gia đình để đến cuối năm ba mẹ tôi bán heo đi để mua sắm quần áo cho con và sắm Tết. Cho nên khi nó bị bệnh và bị ho, ba tôi đã nghĩ rằng nó bị mắc xương và cố thò tay vào để lấy cái xương, tôi phải phụ ba tôi, tôi giữ cái chân để cho ba tôi cố gắng thò tay, nhưng vì bàn tay lớn quá đã bị con heo cắn nát”.

Lúc đấy tôi đã đề nghị “ba ơi tay con nhỏ hơn để con giúp ba” thì tất nhiên là ba tôi không bao giờ đồng ý.

Bà Yến cho biết, hình ảnh đó không bao giờ quên được trong suốt cuộc đời của bà. “Ba tôi là một người rất giỏi, một người từng học nước ngoài về, nhưng tại thời điểm đó không nghĩ gì về sinh mạng của mình cả, chỉ vì quá nghèo, biết rằng nếu con heo chết thì con mình sẽ không có quần áo, không có Tết vì vậy mà ba tôi đã làm như thế. Trong lòng tôi lúc nào cũng tự nhủ rằng, mình sẽ không thể nào để cuộc sống con cái mình sau này như vậy”, bà Yến chia sẻ.

Vượt lên những mất mát trong đời tư trong đó có cả việc tai nạn đã cướp đi người chồng thân yêu của mình, bà đã một tay lo lắng cho hai đứa con ăn học nên người, nuôi dưỡng cho con biết ước mơ lớn và biết phấn đấu theo đuổi ước mơ của mình. Nữ doanh nhân từng chia sẻ: “Điều vui nhất đối với chị là khi được mọi người khen, chị không chỉ là người phụ nữ thành công trong sự nghiệp mà còn thành công trong vai trò một người mẹ, là tấm gương cho các con”.

Con gái Chủ tịch Tân Tạo là tiểu thư chứng khoán đầu tiên

Là người mở màn cho thế hệ tiểu thư chứng khoán nhưng Nguyễn Phương Anh vẫn là cái tên vô cùng bí ẩn.

Đây chính là con gái đầu của bà Đặng Thị Hoàng Yến – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Tạo. Phương Anh sinh năm 1985, từng tốt nghiệp cử nhân đạo diễn sân khấu. Nguyễn Phương Anh đã tốt nghiệp Trường Đại học Oxford ( Anh) là một trong ba người được Trường Kịch nghệ Hoàng gia Anh (Royal Drama Academics School – RADA) chọn làm đạo diễn.

Năm 2002, Phương Anh là một trong 10 sinh viên đạt điểm tuyệt đối về luật của nước Anh. Đến năm 2003, Phương Anh lại đoạt giải nhì văn chương toàn nước Anh và năm 2004 cô đoạt giải nhì cuộc thi phim danh cho các đạo diễn đang là sinh viên ở Anh.

Hiện nay, cô quyết định tạm ngừng việc học để quay trở về Việt Nam tạo dựng một sự nghiệp mới còn rất non trẻ ở Việt Nam, đó chính là lĩnh vực truyền hình và công nghệ điện ảnh.

Năm 2006, danh sách những người giàu nhất Việt Nam lần đầu tiên được công bố, Phương Anh dễ dàng vượt qua nhiều đại gia Việt với thứ hạng khá cao. Cô đứng ở vị trí thứ 12 với khối tài sản trên sàn ước tính là 743,4 tỷ đồng. Điều đáng nói, với 743,4 tỷ đồng, Phương Anh đã trở thành tiểu thư giàu có nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Trên sàn chứng khoán, dù nhiều “cậu ấm, cô chiêu” sở hữu khối tài sản khổng lồ nhưng tất cả đều đứng sau Phương Anh. Tuy nhiên, chỉ 1 năm sau, khối tài sản khổng lồ mà Phương Anh nắm giữ sụt giảm mạnh xuống chỉ còn 398 tỷ đồng. Nhưng do cả thị trường đi xuống nên vị trí trong danh sách những người giàu nhất của ái nữ họ Nguyễn được cải thiện lên con số 10. Tới năm 2009, dù tài sản biến động mạnh, Phương Anh vẫn giữ được “chiếc ghế” cuối cùng trong Top 10.

Ngay khi có tên trong danh sách những người giàu nhất, Nguyễn Phương Anh rất bí ẩn. Cô hầu như không bao giờ xuất hiện trước công chúng. Không một tấm hình nào của cô tiểu thư này lọt ra trước truyền thông. Giàu có một cách lặng lẽ nên khi rút lui, Phương Anh cũng không khiến dư luận xôn xao như một số cậu ấm cô chiêu khác. Kể từ 2010 đến nay, Phương Anh vắng bóng khỏi các bảng xếp hạng. Trong thông tin cá nhân liên quan tới bà Yến không hề còn tên cô.

Gần nửa thập kỷ gắn bó với Tân Tạo, Nguyễn Phương Anh được cổ phiếu ITA hỗ trợ trở thành tiểu thư giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Thế nhưng khi sóng gió ập xuống “đế chế” kinh doanh của gia đình họ Đặng, Phương Anh không còn song hành cùng Tân Tạo.

Khi Tân Tạo kinh doanh bết bát, thị giá ITA thậm chí thấp hơn rất nhiều lần so với mệnh giá, người ta chỉ thấy bà Yến chật vật chống chọi với khó khăn mà không có cô con gái yêu bên cạnh. Nhưng bà Yến không đơn độc vì quanh bà vẫn còn nhiều doanh nhân họ Đặng như em gái Đặng Thị Hoàng Phượng và em trai Đặng Thành Tâm.

Có thể thấy, Nguyễn Phương Anh đã đứng ngoài sóng gió của đại gia đình. Trong những năm trở lại đây, xét về những thông tin để gây ảnh hưởng tới giá trị cổ phiếu của đại gia đình họ Đặng thì Phương Anh được cho là không có nhiều đóng góp cho Tân Tạo. Có lẽ, Phương Anh đang theo đuổi kế hoạch của riêng mình.

Hiện tại, trước truyền thông, Nguyễn Phương Anh và sự nghiệp của cô vẫn là dấu hỏi lớn. Không nhiều người biết sự nghiệp trong lĩnh vực truyền hình và công nghệ điện ảnh của tiểu thư Phương Anh phát triển như thế nào. Chỉ có một điều tất cả đều chắc chắn. Đó là Phương Anh nắm giữ danh hiệu “tiểu thư đầu giàu nhất sàn chứng khoán đầu tiên”.

Đặng Thị Hoàng Yến trong mắt em trai “tỷ phú”

Với ông Đặng Thành Tâm, chị cả luôn xinh đẹp, nghị lực và giỏi giang, nhưng đã sai lầm khi lấy người chồng khiến bà phải chịu điều tiếng.

Trong gia đình 4 anh chị em, bà Đặng Thị Hoàng Yến được xem như cánh chim đầu đàn dẫn dắt các em của mình công thành danh toại. Cả 4 anh chị em đều đang sở hữu, điều hành nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, nhiều năm liền có mặt trong danh sách 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Riêng ông Đặng Thành Tâm từng đứng đầu danh sách năm 2007 với tổng tài sản bằng cổ phiếu tương đương 6.300 tỷ đồng.

Dưới đây là chia sẻ của ông Tâm về chị gái, giữa lúc bà Hoàng Yến đối mặt với nguy cơ bị bãi nhiệm tư cách đại biểu vì nghi vấn không trung thực khai hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 13.

Chị cả Đặng Thị Hoàng Yến và em trai Đặng Thành Tâm
Chị cả Đặng Thị Hoàng Yến và em trai Đặng Thành Tâm

“Chị Yến sinh ngày 01/06/1959, là người rất thông minh, đặc biệt giỏi văn và từ bé đã thích làm thơ. Thời đó gia đình chúng tôi rất nghèo, ba mẹ đều là cán bộ nhà nước, làm quần quật vẫn không đủ nuôi 4 cái tàu há mồm là chị em chúng tôi. May mà lúc đó đi học không mất tiền, tất cả đều được Nhà nước XHCN lo toan hết. Ngay từ nhỏ chị Yến đã bộc lộ tính cách mạnh. Vì nhà nghèo phải lo toan cho các em, lại toàn đứa bướng bỉnh, nên chị phải mạnh mẽ và quyết liệt thì mới chỉ huy được mà.

Từ bé tôi rất yêu quý và thần tượng chị Yến, chị cũng yêu quý tôi nhất nhà. Tôi thông minh nhưng lại lười và ham chơi. Nếu như chị Yến mong muốn trở thành người Nhà nước, luôn phấn đấu vào Đảng thì tôi lại không có ý chí làm quan, chỉ nghĩ sau này trở thành thuyền trưởng viễn dương giống như bác ruột của mình. Tôi khá bằng lòng với những gì mình có và thường được gọi là kẻ an phận.

Rồi chị tốt nghiệp Đại học Kinh tế ra làm cán bộ Nhà nước với bầu nhiệt huyết cháy bỏng và được kết nạp vào Đảng CSVN.

Nhưng 19 năm trước, chị phải rời bỏ con đường sự nghiệp chính trị, vì phải giữ tròn lời hứa với chồng khi vuốt mắt cho anh ấy, là sẽ nuôi dạy các con nên người. Nếu đi theo con đường chính trị thì đồng lương khó khăn lắm, một mình không đủ nuôi con.

Khó khăn trong công việc, doanh nhân nữ hay nam cũng đều phải trải qua, cay đắng cũng nhiều và nhiều người còn không vượt qua được để rồi thất bại. Nhưng khó khăn đối với doanh nhân nữ bao giờ cũng nặng hơn rất nhiều: một vai gánh vác gia đình, một vai gánh sự nghiệp. Đặc biệt chị Yến vừa phải làm mẹ, vừa phải làm cha, vừa phải gánh vác gia đình nuôi con khôn lớn. Khó khăn chồng chất không thể nói bằng lời.

Điều làm tôi ấn tượng, cảm động và nhớ nhất là năm 1989 khi anh Nguyễn Tứ Hải – chồng chị Yến qua đời vì tai nạn xe hơi. Khi đó cháu Phương Anh mới 4 tuổi và đứa thứ 2 đang nằm trong bụng mẹ chưa được đầy tháng. Nhiều người khuyên chị bỏ đi vì một thân một mình làm sao nuôi nổi 2 đứa con với đồng lương công chức. Và chị còn rất trẻ nên sẽ đi bước nữa, có nhiều con làm sao lấy chồng nữa được… Nhưng chị vẫn giữ lại đứa bé vì tình yêu với chồng.

Đến tận bây giờ chị không thể nào quên lời thỏ thẻ của cô con gái mới 4 tuổi: “Mẹ ơi, con ngửi thấy mùi kem”. Sở dĩ con bé nói vậy vì chị luôn dặn cháu: “Con đừng đòi mẹ mua đồ ăn nhé, nếu có tiền mẹ sẽ tự mua cho con. Con đòi mà mẹ không có tiền thì mẹ sẽ đau lòng lắm…”. Và con bé đã nghe lời mẹ, dù thèm nhưng không dám đòi mẹ mua, mà chỉ diễn tả là “ngửi thấy”.

Nghị lực của chị khiến tôi hết sức khâm phục. Chị tôi là người xinh đẹp và khá giỏi, nên nhiều người đến tìm hiểu, nhưng chị đã ở vậy nuôi con suốt 18 năm. Thời gian sau này, chị sang Mỹ thì phát hiện bị ung thư, vừa làm ăn, vừa chữa bệnh. Một thân một mình vừa làm ăn, vừa nuôi dạy con, vừa chống chọi với bệnh tật, khi ấy chị gầy ốm lắm. Chị phải vào bệnh viện, gần như thập tử nhất sinh, bác sĩ nói có thể chỉ sống được 3 – 6 tháng, mà không có bất cứ người thân nào bên cạnh. Tôi cũng chỉ sang thăm rồi về.

Công ty của chị bên đó chỉ có một người Việt Nam mà chị mới nhận vào làm, vì ông này thất nghiệp và vợ mới bỏ. Trong những ngày tháng chị vật lộn với bệnh tật thì ông ấy tự nguyện chăm sóc. Vì tình nghĩa đó mà sau này khi qua cơn hiểm nghèo, chị đã mang ơn và nhiều năm sau đồng ý kết hôn… Rất tiếc là đã mắc sai lầm. Ông ta đã gây nhiều đau đớn cho chị và đến giờ chị lại chịu điều tiếng về người đó. Cuộc sống thật khắc nghiệt và không công bằng với chị Yến.

Sau bao năm lặn lội nơi đất khách quê người để học làm kinh doanh, công ty của chị đã xây dựng và đặt tên nhiều con đường trong các khu dân cư tại Mỹ do mình phát triển. Ngay khi sống và kinh doanh tại Mỹ chị vẫn luôn khắc khoải một nỗi lòng hướng về quê hương và mong muốn giúp cho người Việt Nam được mua nhà, đưa con sang Mỹ học tập.

Trở về Việt Nam, chị chọn con đường kinh doanh bằng cách phát triển các khu công nghiệp, dù đây là con đường khó khăn, lợi nhuận rất thấp không như những khu đô thị mới. 1m2 đất khu công nghiệp như Tân Đức khởi đầu chỉ có 460.000 đồng và đến nay mới được 1,2 – 1,6 triệu. Hoàn toàn lỗ, nhưng thật sự khu công nghiệp đã tạo ra nhiều công ăn việc làm, tạo ra sản phẩm cho xã hội, biến đổi cả một vùng đất ngập mặn, nghèo khó thành những khu công nghiệp và đô thị sinh động, sầm uất…

Với chị Yến, lợi nhuận không phải là mục tiêu đầu tiên và bắt buộc phải có trong kinh doanh, chỉ cần trong lòng tràn đầy niềm vui khi chứng khiến hàng chục nghìn người mỗi sáng đổ về khu công nghiệp làm việc, từ đó làm cuộc sống của biết bao gia đình, bao con người được tốt hơn… là thành công. Quan điểm của chị Yến trong kinh doanh là phải đem lại giá trị cộng hưởng cho xã hội.

Chị Yến là người cá tính cực mạnh, chị ấy luôn phản ứng trực diện, và không khoan nhượng. Lúc nào cũng muốn đúng sai rõ ràng mà đôi khi cuộc sống không phải lúc nào cũng rõ ràng như thế. Ở nhà bất kỳ tranh luận gì, chị luôn đi đến cùng chứ không chịu khuất phục, không hôm nay thì ngày mai phải chứng minh bằng được, chúng tôi thì thường phải chịu thua.

Về doanh nghiệp, chị Yến có quyết tâm rất lớn và mạnh mẽ, thực lòng tôi thường không nghĩ được đến mức chị nghĩ, và cũng không dám làm những gì chị làm. Ví dụ như đi Mỹ mà làm dự án lớn thì tôi sợ lắm. Ngày bắt tay làm khu công nghiệp Tân Tạo, chị Yến giao làm Tổng giám đốc, lúc đầu tôi sợ không dám nhận mặc dù trước đó chị Yến cho tôi đi Australia học. Đến khi chị bảo em cứ làm đi, mất tiền chị chịu, tôi mới dám làm và thật may mắn là đã thành công.

Tôi học tập được nhiều từ thời gian làm việc ở Tân Tạo, nên sau này tôi và nhiều bạn bè tổ chức công việc kinh doanh riêng, thành công ty công chúng niêm yết với hàng chục nghìn cổ đông, nhưng người ta vẫn gọi tôi là Tâm Tân Tạo.

Tôi cho rằng chị Yến là người tốt, có cái tâm và thương lo cho mọi người. Có lẽ là chị cả nên đã phải lo toan cho ba mẹ, 3 người em rồi sau này một mình gánh vác cả gia đình, mà nhà lại nghèo nữa. Đến nay khi chị khá thành công, cả hai cô con gái đều viết thư nhờ luật sư làm xác nhận không nhận thừa kế của mẹ. Hai cô nói: Mẹ đã cho con ăn học thành người, ngày xưa mẹ còn không được học như con mà còn làm được thế, chúng con đã được học ở nước ngoài nên sẽ tự làm và sẽ hơn cả mẹ.

Chị đã hiến hết tài sản của mình cho trường Đại học Tân Tạo và nguyện phấn đấu để xây dựng trường ngày càng tốt hơn, để chuyên đào tạo nhân tài cho Việt Nam, với sự tài trợ tiền bạc của chị.

Tuy vậy, do cá tính quá mạnh mẽ, lại không biết dung hòa, như người ta nói đôi khi phải biết thỏa hiệp, nên chị cũng gặp lắm gian truân. Và do cách nghĩ có thể đôi khi cực đoan, luôn cho rằng cách mình nghĩ là đúng, nên hành động theo mà không nhận thấy rằng xã hội rất nhiều cách nghĩ.

Câu chuyện khai man lý lịch hiện nay chẳng hạn, có lẽ cũng là tai nạn mà người bình thường chúng ta khó tránh hết. Tôi thực sự cũng không biết chị ấy đã vượt qua cú sốc này chưa, vì chị Yến đã quen một mình chịu đựng đau khổ rồi, tự lo toan để những người xung quanh không phải lo lắng cho mình. Gia đình chúng tôi có lẽ cũng khá đặc biệt. Hầu hết mọi người đều không thích động viên nhau. Có lẽ cả thời ấu thơ vất vả, và cả cuộc sống không thuận lợi đã làm chúng tôi chai lì (như người Nam Bộ nói là lì lợm).

Hầu hết xã hội đều nghĩ chúng tôi khá thành công, tuy vậy, mặt trái của sự thành công đó là gì không phải ai cũng thấu hiểu ngoài người thân và bạn hữu. Tôi chỉ mong rằng được thay thế chị tôi chịu hoàn cảnh thế này, vì đàn ông chịu đựng sẽ tốt hơn. Đối với gia đình chúng tôi, nỗi đau này không phải của mình chị Yến mà là cả gia đình, và người mà chúng tôi cần động viên nhất chính là ba mẹ.

Tôi nghĩ tổ chức luôn đúng và cá nhân mình cần điều chỉnh để phù hợp, tất nhiên cứ mạnh dạn đóng góp, nhưng tinh thần là tuân thủ để bản thân mình cũng tốt lên. Vấn đề trọng yếu là dù bất kỳ vị trí và cương vị nào cũng đóng góp cho thật tốt. Tôi tin rằng Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất và các đại biểu Quốc hội là những người đầy đủ trách nhiệm, bản lĩnh và năng lực sẽ quyết định.

Tôi đã ứng cử đại biểu Quốc hội và rớt hai lần, nhưng tôi vẫn cố gắng làm tốt công việc của mình và quyết tâm thực hiện chương trình hành động đã hứa. Tôi tin chị Yến cũng vậy, dù không còn được Mặt trận Tổ quốc tín nhiệm, dù là rất buồn, nhưng chị vẫn sẽ đóng góp thật tốt, sẽ chứng minh bằng hành động và việc làm cụ thể của mình.

Và nói thật, đã là con người ai cũng có cái tốt, cái xấu và cái chưa được. Chị Yến cũng như bao người khác, có khuyết điểm và có những việc làm tốt. Vấn đề là chúng ta biết tiếp thu và điều chỉnh mà thôi.

Có điều chắc chắn là gia đình chúng tôi cũng như chị Yến không khai man thông tin để trục lợi.

Đặng Thị Hoàng Yến & người chồng bị truy nã

Từ một kẻ lang thang tại Mỹ, Jimmy Trần gặp và được đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến cưu mang rồi sau này trở thành chồng của bà.

Theo bà Yến thì năm 2002, bà xuất cảnh sang Mỹ theo hộ chiếu công vụ và được Đại sứ quán cấp Visa B1, loại dành cho doanh nhân để tìm kiếm cơ hội đầu tư làm ăn. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, người phụ nữ này đã phát triển xây dựng nhiều khu đô thị mới và hàng trăm con đường do chính bà đã đặt tên nơi xứ người.

“Tôi cho rằng đó là một điều tự hào về một người Việt đã làm được tại nước ngoài”, bà cho hay.

Đến cuối năm 2003, bà Yến vô tình gặp gỡ và quen biết với Jimmy Trần. “Khi đó ông ta bị vợ bỏ, không nhà không cửa, không công ăn việc làm và hàng ngày phải đi tìm những phiếu giảm giá để ăn trưa. Bản thân tôi luôn thương cảm cho người nghèo khó, đặc biệt lại là người Việt Nam nơi xứ người, nên khi Jimmy Trần xin được vào làm việc cho công ty của tôi ở Houston, tôi đã đồng ý”, bà đại biểu Quốc Hội kể lại thời điểm gặp người chồng này.

Đến năm 2006, Jimmy Trần trở về Việt Nam gặp gỡ gia đình bà Yến và thể hiện ước mong được về nước sinh sống quãng đời còn lại. “Thật sự Việt kiều tại Mỹ hầu hết không có nhiều người như vậy do đó tôi đã lầm tưởng ông ta là một người yêu nước”, bà kể.

Để ba mẹ mình được yên lòng, bà Yên sau đó đã kết hôn với Jimmy Trần vào ngày 17/8/2007 tại Mỹ. “Tôi đã đồng ý dù biết ông này hoàn toàn không có điểm nào xứng đáng so với người chồng đã mất”. Để giữ thể diện, Jimmy Trần đề nghị bà Yến ghi trong bảng liệt kê tài sản trước hôn nhân là ông có một triệu USD. “Chỉ ngay sau khi kết hôn, tôi phát hiện ông ta bài bạc tiêu tốn hàng triệu đôla và tôi là người phải trả nợ cho ông ta”, bà Yến nói về chồng mình.

Cũng vì lý do này, bà Yến dứt tình, xin ly hôn với Jimmy Trần rồi trở về Việt Nam vào cuối năm 2007. Sau nhiều lần năn nỉ, bằng những lời hứa ngon ngọt, mong muốn hối cải, Jimmy Trần đã xin vợ cho về nước để làm việc mong “làm lại cuộc đời”. Đến tháng 9/2008, bà Yến đã mềm lòng và đồng ý giúp ông này bằng cách cho ông vào làm tại Công ty Vietnam Land của em họ mình.

Tu tỉnh chưa được bao lâu thì đến giữa năm 2009, Jimmy Trần bị phát hiện quan hệ với gái mại dâm ở một khách sạn tại TP HCM. Sự việc này cũng đến tai bà Yến khi bà đang công tác tại Hà Nội. Vài ngày sau, do không thể chịu đựng thêm được nữa nên bà đã đâm đơn ra tòa xin ly hôn.

“Ngay chính bản thân tôi đã bị gái mại dâm tống tiền. Vì vậy đến 9/7/2009, ông ta phải đồng ý ký vào đơn ly hôn với lý do: Ông Jimmy Trần vi phạm Luật hôn nhân gia đình và vi phạm đạo đức trong sinh hoạt”, bà Yến nêu lý do ly hôn trong bản tường trình. Đến thời điểm đó, Jimmy Trần cũng ghi rõ tài sản của mình có khoảng 50.000 USD là tiền kiếm được từ lương làm việc tại Vietnam Land.

Về tiền án tiền sự của chồng, bà Yến bảo là không hề hay biết, bởi theo bà khi cung cấp hồ sơ để đăng ký, ông này không hề khai báo mình đã phạm tội. Chỉ đến khi ông này phạm pháp tại Việt Nam, bà Yến mới được nghe cơ quan pháp luật tại Mỹ thông báo.

Theo đó, cuối năm 1989, Jimmy Trần được thuê làm tổ trưởng tổ bán hàng cho một cửa hàng, song mới chỉ có 3 tháng sau người này đã bị bắt quả tang ăn trộm hàng chục két bia, nước ngọt. Tòa án Houston kết án ông này 6 tháng tù giam và 12 tháng quản thúc. Khi được chất vấn, ông này cho rằng “đó là con trai tôi nó lấy”. Con trai ông ta cũng được đặt tên là Jimmy Trần nhưng thời điểm ấy nó chỉ… một tuổi.

Ngoài ra, Khi Jimmy Trần bị bắt vì quan hệ tình dục với gái mại dâm vào ngày 5/7/2009 thì ông này lại giải thích “Đó là con gái tôi từ Mỹ về thăm” để ngụy tạo cho lời khai của mình. Ông ta còn tạo email giả danh con gái để giải thích về việc này trong khi con gái ông là Judy Trần không hề nhập cảnh về Việt Nam. “Có một người cha nào có nhân cách, có lương tâm lại có thể làm được những điều ông ta làm với con cái của mình?”, bà Yến nêu.

Đến khi Jimmy Trần làm Tổng giám đốc Công ty Vietnam Land, ông này đã lợi dụng chức danh, ký hợp đồng kinh tế, thỏa thuận tỷ lệ phần trăm với nhiều đối tác và nhận tiền cọc của nhiều đối tác để chiếm đoạt tiền. “Chính em họ và gia đình tôi là người bị hại. Công ty là do chính em họ tôi là chủ sở hữu, tài sản Jimmy Trần chiếm đoạt là tài sản của em họ, của gia đình tôi. Bản thân tôi đã phải bỏ ra 160 tỷ đồng để góp phần khắc phục hậu quả”, bà Yến trình bày.

Jimmy Trần mang quốc tịch Mỹ có tên thường gọi là Trần Dũng (57 tuổi), địa chỉ thường trú tại Việt Nam: Căn hộ số 5 tầng 20 chung cư Everich 940B đường 3/2, phường 15, quận 11, TP HCM. Còn tại Mỹ, địa chỉ đăng ký của người này là 11.440 Memorial, thành phố Houston.

Năm 2007 bà Yến kết hôn với ông Trần Jimmy rồi hai người sống ở Mỹ đến tháng 9/2008 mới về Việt Nam. Đến tháng 7/2010, bà Yến nộp đơn xin ly hôn chồng. Trong khi tòa án đang xem xét giải quyết ly hôn thì ông Trần Jimmy rời Việt Nam về Mỹ. Hai tháng sau ông này, khi đó vẫn là chồng của bà Yến, bị cơ quan điều tra Việt Nam khởi tố trong một vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tháng 10/2010 TAND tỉnh Long An đưa vụ án ra xét xử đồng ý cho bà Yến ly hôn mà không có mặt bị đơn là ông Trần Jimmy. Tuy nhiên, cuối năm 2011, TAND Tối cao đã kháng nghị đồng thời quyết định hủy bản án ly hôn của TAND tỉnh Long An để xét xử lại. Trong lúc cơ quan xét xử chuẩn bị ra quyết định đình chỉ vụ án thì nguyên đơn xin rút đơn.

Đặng Thị Hoàng Yến – Đại biểu Quốc hội khóa 13

Trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII, bà Yến đắc cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII, đạt tỉ lệ 62,36 % số phiếu hợp lệ tại khu vực bầu cử số 1 tỉnh Long An (gồm các huyện Thủ Thừa, Bến Lức, Đức Hòa, Đức Huệ của tỉnh Long An).

Bà Đặng Thị Hoàng Yến từng là Đại biểu Quốc hội khóa 13
Bà Đặng Thị Hoàng Yến từng là Đại biểu Quốc hội khóa 13

Bà Hoàng Yến bị cho là đã khai lý lịch “không chính xác” khi ứng cử đại biểu quốc hội (cụ thể là bà đã không khai bà đã là Đảng viên và khai độc thân khi đã ly hôn với chồng là Jimmy Trần đang bị truy tố vì tội lừa đảo) nên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Long An đề nghị lên Quốc hội Việt Nam xin bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội của bà.

Bà phủ nhận sự cố tình khai không chính xác và cho đó là “tai nạn hoàn toàn không mong muốn” vì “những thiếu sót trong các biểu mẫu khai của ứng cử viên đại biểu Quốc hội”. Cụ thể, bà Yến cho rằng, nếu khai là Đảng viên thì bà “có lợi thế trong tranh cử”, nhưng do không sinh hoạt Đảng quá lâu nên “tự thấy mình không còn là một đảng viên” mặc dù chưa hề “viết đơn xin ra khỏi Đảng và cũng chưa bao giờ bị kỷ luật”.

Liên quan đến người chồng Jimmy Trần đang bị truy nã, bà Yến cho rằng, việc ly hôn của bà với ông này đã được “giải quyết xong” vào ngày 6/10/2010 tại Việt Nam, trong khi ngày nộp hồ sơ tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội là 18/3/2011. “Vậy thì tôi khai độc thân là chính xác”, bà nói và cho rằng: “Việc tòa án tối cao ra quyết định giám đốc thẩm vào tháng 12/2011, rút lại quyết định xử ly hôn là yếu tố pháp lý phát sinh về sau và ngoài ý muốn”.

Ngày 18/04/2012, Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đã tán thành kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét và trình Quốc hội bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Yến.

Ngày 26/05/2012, bà Đặng Thị Hoàng Yến chính thức bị Quốc hội Việt Nam bãi nhiệm, với hơn 90% số đại biểu tán thành.

Thành tính khủng của Chủ tịch Tân Tạo

Công ty Cổ phần đầu tư và công nghiệp Tân Tạo – ITACO, công ty con thuộc Tập đoàn Tân Tạo, đã trở thành 1 trong 7 cổ phiếu blue-chip được chọn gia nhập chỉ số chứng khoán Russell Global Index và là 1 trong 10 công ty có giá trị vốn hóa lớn và tính thanh khoản tốt nhất Việt Nam hiện nay được lựa chọn tính toán trong chỉ số S&P Vietnam 10 Index.

Theo bảng xếp hạng trong số 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2011 do Công ty Vietnam Report phối hợp với báo VietNamNet và tạp chí Thuế công bố. Công ty cổ phần đầu tư công nghiệp Tân Tạo xếp thứ 129 và xếp thứ 35 trong danh sách 200 doanh nghiệp tư nhân đóng thuế thu nhập lớn nhất năm 2011.

Năm 2002, bà đã quyết định sang Hoa Kỳ để học hỏi mô hình đại học khai phóng phi lợi nhuận của Hoa Kỳ. Nhờ tầm nhìn này bà đã thu hút được các giáo sư danh tiếng ở Hoa Kỳ cùng với bà sáng lập nên trường Đại học Tân Tạo.

Năm 2007, Tập đoàn Tân Tạo đã thành lập Quỹ ITA vì tương lai, Quỹ ITA chiến thắng bệnh tật, Quỹ ITA hàn gắn vết thương nhằm hỗ trợ việc học, y tế và vật chất cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Hàng năm, hàng ngàn học bổng của Tập đoàn được trao tặng cho các học sinh, sinh viên có thành tích học tập xuất sắc trên khắp cả nước. Ngoài ra, bà và gia đình là nhà tài trợ chính cho toàn bộ việc xây dựng cơ sở vật chất Trường Đại học Tân Tạo – Trường đại học Việt Nam đầu tiên theo đuổi mô hình khai phóng của Hoa Kỳ.

Các giải thưởng đã đạt được

  • Giải thưởng Top 100 nhà lãnh đạo tài đức ASEAN năm 2016
  • Nhà Lãnh đạo giỏi ASEAN năm 2015,
  • Giải thưởng Top 100 Nhà quản lý xuất sắc khu vực ASEAN năm 2014,
  • Giải thưởng Chu Văn An vì sự phát triển Văn hóa Giáo dục Việt Nam của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (2014);
  • Bảng Vinh danh Nhà Quản Lý Xuất Sắc Thời Đại Hồ Chí Minh (2014);
  • Giải thưởng nhân văn 2011 của Ủy ban hữu nghị thành phố San Francisco và thành phố Hồ Chí Minh,
  • Giải thưởng doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2008 và 2009,
  • Giải thưởng Bông hồng vàng năm 2008 dành cho các nữ doanh nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước cũng như sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam,
  • Giải thưởng Siêu sao kinh doanh năm 2007 dành cho các doanh nghiệp tiêu biểu nhất của Việt Nam trong quá trình hội nhập và cạnh tranh quốc tế và nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Long An và UBND Tp. HCM.
Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến và tỷ phú Jack Ma
Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến và tỷ phú Jack Ma

Chủ tịch Tân Tạo tái xuất sau 8 năm vắng bóng

Ngày 05/06/2020, CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020 trực tuyến, với sự xuất hiện của Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến, sau 8 năm vắng mặt với lý do bận.

Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến tái xuất sao 8 năm vắng bóng với nhiệm vụ khác lạ
Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến tái xuất sao 8 năm vắng bóng với nhiệm vụ khác lạ

Xuất hiện trước cổ đông, bà Yến nói: “Thời gian trôi qua rất nhanh, năm nay gặp lại mọi người thì trong dịp rất đặc biệt. Trong tương lai, xu thế đại hội trực tuyến sẽ phổ biến, không những ĐHĐCĐ mà những hoạt động khác cũng sẽ phát triển thông qua Internet. Tôi nghĩ nó sẽ là xu thế sắp tới trong bối cảnh dịch bệnh nhiều khả năng còn diễn biến phức tạp trong những năm sắp tới”.

Điểm lại những năm trước đó, việc Chủ tịch Yến liên tục vắng mặt tại các kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên với lý do “bận” khiến nhà đầu tư lần lượt rời bỏ ITA. Trong bối cảnh tình hình kinh doanh chưa khởi sắc, lại không nhận được phản hồi từ ban lãnh đạo khiến ITA được thị trường ví như “nhà không chủ”, cổ phiếu chỉ lình xình ở mức trà đá 2.000 đồng/cp dù nền cơ bản của doanh nghiệp khá lớn với các dự án hạ tầng, KCN, trường học,…

Năm 2019, doanh thu thuần ITA đạt 1.306,6 tỷ đồng cao gấp 2,7 lần cùng kỳ, lợi nhuận gộp đạt 420,3 tỷ đồng tăng 82% so với năm 2018. Sau khi trừ các khoản chi phí ITA lãi ròng 206 tỷ đồng tăng cao gấp 2,5 lần cùng kỳ; trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ đạt 203 tỷ đồng. Đây cũng là mức lãi cao nhất mà ITA đạt được kể từ năm 2011 đến nay.

Đặng Thị Hoàng Yến đổi sang tên mới Maya Dangales

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2021 của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã chứng khoán ITA), Chủ tịch ITA Bà Đặng Thị Hoàng Yến đổi hoàn toàn sang tên mới Maya Dangales, hứa hẹn liên doanh tại Mỹ sẽ chắp cánh cho Công ty.

Năm 2021, năm thứ 2 “lộ diện” với cổ đông, bà Yến đã không dùng tên cũ mà xưng hô là Madame. Maya Dangales. Danh xưng này cũng song hành với chiến lược mới của ITA, mở rộng phạm vi hoạt động sang thị trường Mỹ và huy động sự đầu tư từ đối tác ngoại.

Tại biên bản và nghị quyết ĐHĐCĐ cổ đông thường niên 2021, chủ tịch của ITA hoàn toàn chỉ xuất hiện dưới tên gọi mới. Trong khi đó tại báo cáo tài chính kiểm toán phát hành ngày 30/3/2021, 2 tên gọi vẫn được dùng song song.

Tiến sĩ Đặng Thị Hoàng Yến – Chủ tịch tập đoàn Tân Tạo là ai?

Tại Đại hội cổ đông lần này, Chủ tịch ITA Maya Dangales tự tin tuyên bố:

“Tôi tin chắc rằng liên doanh tại Mỹ sẽ là dự án chắp cánh cho ITA. Điều quan trọng nhất là đưa tổ hợp này vào liên doanh với ITA để làm nhà máy thứ 3 tại khu Sài Gòn MeKong. Nếu làm được thì tương lai của ITA rất sáng”

“Hiện nay, xu thế phát triển của Tân Tạo đang rất tốt vì chúng ta có sự tin cậy nên các nhà đầu tư Nhật Bản, Mỹ và ngay cả các công ty Việt Nam rất muốn hợp tác và hứa hẹn một tương lai tốt đẹp.

Tôi tin rằng năm sau, ITA sẽ trở lại thời hoàng kim và trở thành một trong những cổ phiếu sẽ đóng góp tích cực vào phát triển nền kinh tế. Gái có công, chồng chẳng phụ”

Tiểu sử bà Đặng Thị Hoàng Yến

  • Họ tên: Đặng Thị Hoàng Yến
  • Sinh ngày: 01/06/1959
  • Số CMND: 021893532
  • Nơi sinh: Hải Phòng
  • Trình độ: Cử nhân kinh tế – Đại học Kinh tế Tp Hồ Chí Minh
  • Gia đình:
    • Bố: Đặng Văn Được
    • Mẹ: Hoàng Thị Kim Tuyến
    • Con: Nguyễn Phương Anh; Nguyễn Đặng Hải Anh
    • Em: Đặng Quang Hạnh, Đặng Thành Tâm, Đặng Thị Hoàng Phượng
Bà Đặng Thị Hoàng Yến và gia đình
Bà Đặng Thị Hoàng Yến và gia đình

Quá trình công tác

  • Từ 1980 – 1991: Làm việc tại Ủy ban nhân dân Quận 5
  • Từ 1991 – 1993: Trung Tâm phát triển ngoại thương FTPT Tp.HCM
  • Từ 1993: Thành lập Công ty TNHH Hoàng Yến (tiền thân tập đoàn Tân Tạo ngày nay)
  • Từ 1993 – 1996: Giám Đốc Cty TNHH Tân Đông Phương
  • Từ 1996 – nay: Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo
  • Từ 2002 – 2007: sang Mỹ và hoạt động phát triển đầu tư và kinh doanh bất động sản, thành lập công ty cổ phần US Southern Homes tại thành phố Houston, bang Texas, Mỹ.
  • Từ 2011 – 2012: Đại biểu Quốc Hội tỉnh Long An khóa XIII
  • Từ 2012 – nay: sinh sống và làm việc tại Mỹ nhưng vẫn điều hành tập đoàn Tân Tạo
  • Từ 04/08/2017 – nay: Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo
  • Ngày 05/06/2020: Chủ tịch HĐQT Đặng Thị Hoàng Yến xuất hiện tại Đại hội đồng cổ đông thường niên ITACO qua hình thức trực tuyến sau 8 năm vắng bóng.

Các chức vụ đang nắm giữ

  • Nhà Sáng lập/Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo
  • Nhà Sáng lập/Chủ tịch Trường Đại học Tân Tạo
  • Nhà Sáng lập/Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITACO)
  • Chủ tịch của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Hoa Kỳ,
  • Thành viên Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC),
  • Thành viên của Chương trình nghị sự toàn cầu Khu vực Đông Nam Á của Diễn đàn Kinh tế Thế giới
  • Thành viên của Hội đồng tư vấn kinh doanh Ủy ban Kinh tế Xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP)
5/5 - (2 bình chọn)

Đăng ký
Nhận thông báo
guest

0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận
DMCA.com Protection Status
error: Bản quyền thuộc Adautu.com