Dương Công Minh là ai? – Chủ tịch Sacombank là ai?

Dương Công Minh là một doanh nhân người Việt Nam sinh ngày 10/05/1960 tại Quế Võ, Bắc Ninh hiện là Chủ tịch Sacombank. Ông là nhà sáng lập, Chủ tịch tập đoàn Him Lam giai đoạn 1997 – 2018 và là nhà sáng lập, Chủ tịch ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) giai đoạn 2008 – 2017.

Chủ tịch Dương Công Minh là một đại gia rất nổi tiếng trên thương trường, được mọi người biết đến với tên gọi “Minh Him Lam” do cả cuộc đời và sự nghiệp ông luôn gắn liền với tập đoàn Him Lam do ông sáng lập từ năm 1997 đến nay.

Ông tốt nghiệp Cử nhân chuyên ngành Vật giá năm 1984 tại Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân). Trước khi ra kinh doanh, ông Minh từng là Trung Úy trong quân đội và có hơn 13 năm làm quản lý tại các doanh nghiệp quân đội thuôc Bộ Quốc Phòng.

Dương Công Minh - Chủ tịch Sacombank; Nhà sáng lập, Chủ tịch CTCP Him Lam giai đoạn 1997-2018
Dương Công Minh – Chủ tịch Sacombank; Nhà sáng lập, Chủ tịch CTCP Him Lam giai đoạn 1997-2018

Chủ tịch Sacombank hiện đang sở hữu 62.569.075 cổ phiếu STB tương đương 3,31% cổ phần ngân hàng Sacombank có giá trị 1.150 tỷ đồng hiện thuộc Top 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam (tháng 03/2021).

Chủ tịch Dương Công Minh là ai?

Ông Dương Công Minh sinh ngày 10/05/1960 (Canh Tý) tại Quế Võ, Bắc Ninh trong gia đình có truyền thống cách mạng. Ông từng kể: “Tôi học cấp III ở huyện thì có đi giao lưu với các trường cấp III ở thị xã, gặp các cô gái thì chẳng dám nhìn, chỉ dám nhìn trộm. Tôi quê Bắc Ninh. Tôi giữ sự nhút nhát của người nông thôn”.

Chủ tịch Sacombank tốt nghiệp Cử nhân chuyên ngành Vật giá năm 1984 tại Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân). Ông Minh cho biết ông là người hội tụ đủ những yếu tố có thể làm quan, song ông lại chọn tình yêu. “Vì vợ mà tôi không làm quan nữa mà quay sang làm giàu”, ông nói.

Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh - Cựu sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân khóa 1979
Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh – Cựu sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân khóa 1979

“Tôi tốt nghiệp đại học chính quy, gia đình cách mạng. Học hết đại học thì tôi đi nghĩa vụ quân sự. Tôi có một người đỡ đầu, lúc đấy là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Đó là những điều kiện cần mà tôi có thể làm quan”.

Tuy nhiên, ông Minh chia sẻ lúc đấy ông yêu vợ ông bây giờ (bà Lê Thị Vân Thảo) – con gái của một quan chức chế độ cũ ở Sài Gòn. “Trước sự can ngăn của đơn vị, cơ quan, tôi vẫn quyết cưới người mình yêu. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi khó có thể thăng tiến trên con đường làm quan”, ông kể lại.

Ông Minh cho hay người Việt Nam ai cũng muốn đi làm quan hết, chưa ai muốn đi làm giàu nhưng ông làm quan không được nên mới quyết đi làm giàu.

Dương Công Minh từng là Trung úy

Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân năm 1984 thì ông Dương Công Minh đi nghĩa vụ quân sự. Trong một buổi tọa đàm, ông Minh từng đính chính rằng: “Báo chí đều nói tôi là đại tá, trung tá nhưng tôi là trung úy quân đội, tức là đi nghĩa vụ quân sự là thiếu úy ra quân là trung úy”.

Theo ông Minh kể, hồi ấy ông vào quân đội và làm quản lý xuất nhập khẩu của Bộ Quốc phòng phía Nam. Tại đây, ông quản lý toàn bộ mặt hàng nhưng chủ yếu là hàng xuất khẩu nông – lâm – thủy sản.

Dương Công Minh với biệt danh “Minh Xoài”

“Hết nghĩa vụ quân sự, tôi ra quân và nghĩ chắc chắn đường làm quan của mình đã đứt rồi. Hồi ấy, tôi mới về quê Bắc Ninh và gặp một người bạn cùng học đại học dẫn lên Lạng Sơn chơi. Lên đây, tôi thấy thương lái Trung Quốc đi mua chuối, sau đó tôi với bạn mới bàn về xuất khẩu chuối sang Trung Quốc”, ông nhớ lại.

“Có những cơ hội nhưng không đến tự nhiên, mà phải có ý chí, ý tưởng mới ra cơ hội. Và tôi đi buôn chuối từ ngày đó”, ông Dương Công Minh nói. Sau xuất khẩu chuối, ông với bạn lại tiếp tục xuất khẩu xoài, thanh long.

Ông Minh cũng cho biết, hồi đấy, xoài rất là hiếm chứ không phải sản xuất hàng hóa như bây giờ, chủ yếu tự cung tự tiêu là chính. Xuất khẩu đi Pháp một năm chỉ 5 đến 10 tấn, trong khi thương lái Trung Quốc lại mua rất nhiều xoài.

“Mấy năm đầu, tôi xuất khẩu 2 – 3 xe rất là lời, nếu trong một mùa xoài là một lời một. Năm đầu làm ăn rất tốt, đến năm thứ 2 thì tôi và bạn cùng làm chung, chúng tôi xác định xuất khẩu 10 xe thôi, mỗi xe lời 20 triệu đồng. Vào năm 1989 thì 2 tỷ là kinh khủng lắm, thành ra tôi là phụ trách thị trường, còn bạn tôi phụ trách thu mua”, ông kể.

Hồi đó, ông đặt hàng 10 xe còn bạn ông đi vay tiền làm 110 xe, thành ra 100 xe sau là toàn bộ xoài non ra đến nơi là thối hết. Ông Dương cho biết từ đó ông bị lỗ hết, không còn tí vốn nào và dẫn đến phá sản. “Tôi cũng có biệt danh “Minh Xoài” từ ngày ấy”, ông nói.

Dương Công Minh và cái duyên bất động sản

Vì phá sản từ đợt buôn xoài nên Dương Công Minh phải bán nhà trả nợ, nên quyết định bán nhà đang ở (1000m2 trên đường Cộng Hoà) để trả nợ cho người bạn. Ông kể lại:

Thua lỗ tới mức bán nhà trả nợ, mà công cuộc bán nhà năm 1989 lại không đơn giản. Bán nhà phải qua môi giới thủ tục. Môi giới hồi ấy không như bây giờ, họ đòi phí rất cao. Một cái nhà mà mất tới 1/7 giá trị tài sản để làm thủ tục. Sau khi tính toán trừ hao, ông Minh thấy nếu đồng ý mức phí ấy thì không còn đủ tiền trả nợ, nên tìm cách tự đi làm.

Khi bán nhà tôi bị dịch vụ chém đau. Nhà tôi nếu bán là 350 triệu nhưng hợp thức hóa giấy tờ mất 50 triệu. 50 triệu nhiều quá, tôi tự đi làm, tổng cộng hết 3 triệu. Hệ thống quản lý xã hội của mình rất là không ổn. Những cái dịch vụ công đáng lẽ nhà nước phải làm thì lại chuyển thành dịch vụ công, mà chuyển thành dịch vụ công thì bị còn chặt chém.

“Tôi tự đi mày mò, đi hỏi bạn bè chỉ giúp rồi mình làm, và chi phí tự làm chỉ mất 1/10 giá dịch vụ ban đầu. Từ đấy, tôi nhìn thấy cơ hội, liền mở dịch vụ hợp thức hoá nhà đất”, ông Minh kể. Sau khi bán nhà cũng được kha khá tiền thì ông mua một căn nhà nhỏ và đi vay tiền để mở Trung tâm dịch vụ nhà đất.

“Thời đó rất mạnh dạn, không có tiền thì tôi vay nóng, lãi suất rất cao. Tôi thuê kiến trúc sư, kỹ sư vào làm. Chúng ta âm về tài sản nhưng dương về kiến thức, trình độ, kinh nghiệm và bản lĩnh”, ông Minh chia sẻ.

Tôi đã lập ra công ty hợp thức hóa nhà đất với giá 20 triệu (giảm 60%). Lợi nhuận 300% sau khi chi các loại chi phí. Trong cái rủi có cái may. Nhưng cần phải có kiến thức làm các loại giấy tờ để hợp thức hóa căn nhà. Nhờ Đại học có học về giá và bản vẽ nên hỗ trợ cho công việc.

Lúc đầu mất 10 tháng trời đọc bản vẽ và đào tạo lại cho kỹ sư trẻ mới về cùng làm việc. Sau đó ông đi làm dự án và xây dựng nhà. Đến nay ông là người xây nhà nhiều nhất Việt Nam. Đoạn đường lập nghiệp rất khó khăn gian khổ. Phải trải qua nhiều giai đoạn vô cùng khó khăn. Nhưng hiện nay tự hào Him Lam giàu nhất.

Dương Công Minh – Nhà sáng lập, Chủ tịch Him Lam

Có gan để làm giàu, đây cũng chính là công việc khởi nghiệp thứ hai của ông Minh và thành lập Công ty Him Lam vào năm 1994. Him Lam là một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên kinh doạnh bất động sản tại TP. HCM. Ông Minh cũng chia sẻ rằng cái tên Him Lam là địa danh gắn với chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu.

Giá trị cốt lõi của Him Lam là... Dương Công Minh
Giá trị cốt lõi của Him Lam là… Dương Công Minh

Trên thực tế, đối với những người cộng tác cùng Chủ tịch Him Lam đã lâu, may mắn không phải là thứ duy nhất tạo nên thành công của Dương Công Minh ngày hôm nay. Nó còn xuất phát từ một tầm nhìn chiến lược của vị doanh nhân này. Ngay trong cách đặt tên Him Lam đã là một câu chuyện thú vị.

Tại sao không phải Mường Thanh, Hồng Cúm mà lại là Him Lam? Tổng Giám đốc Him Lam, Trần Văn Tĩnh chia sẻ, từ lúc ấy, trong đầu họ đã nghĩ đến chuyện một ngày không xa Him Lam sẽ vươn ra tầm thế giới. Vì thế, chọn một cái tên không dấu, dễ đọc thì sẽ dễ hòa nhập hơn khi công ty tiến hành đầu tư các dự án ở nước ngoài hoặc dự án dành cho người nước ngoài.

“Chữ G bao quanh chữ Him Lam trong logo là viết tắt của từ Group (tập đoàn), nghĩa là từ khi khởi nghiệp với một công ty nhỏ bé, chúng tôi đã mong muốn trong tương lai không xa Him Lam sẽ trở thành một tập đoàn”, ông Tĩnh nói.

Nói về Him Lam, Chủ tịch Dương Công Minh cho biết mong muốn của doanh nghiệp là tạo ra những khu đô thị, tiểu thành phố như Vingroup. “Sau Vingroup, chắc chắn Him Lam sẽ là doanh nghiệp thứ 2 tại Việt Nam làm theo mô hình đô thị hoàn chỉnh vài trăm ha”, ông nhấn mạnh.

Him Lam của ông Minh là một “ông lớn” trong lĩnh vực địa ốc, với hơn 30 đơn vị thành viên và công ty liên kết hoạt động trên nhiều lĩnh vực tập trung ở Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương khác.

Trong lần hiếm hoi xuất hiện trước ông chúng, ông Dương Công Minh đã từng tuyên bố: “Him Lam không phải là công ty gia đình trị mà là độc trị. Chỉ mình Dương Công Minh là người quyết định thôi”. Và người đứng đầu của Him Lam sau này sẽ là con trai tôi! Trong 10 người cao nhất của Him Lam chỉ có 3 người trong gia đình tôi. Nhưng Chủ của Him Lam sau này chỉ có thể là con trai tôi.

Chủ tịch Dương Công Minh nổi tiếng với biệt danh "Minh Him Lam" do tên tuổi ông gắn liền với CTCP Him Lam
Chủ tịch Dương Công Minh nổi tiếng với biệt danh “Minh Him Lam” do tên tuổi ông gắn liền với CTCP Him Lam

Him Lam là doanh nghiệp làm từ thiện nhiều nhất Vietnam. Him Lam từ trước đến nay trích ra gần 1.000 tỷ làm từ thiện xã hội. Him Lam xây 45 trường làm từ thiện và toàn trường đạt chuẩn Quốc Gia. Tôi đã cam kết đến năm 2015 xây tặng Việt Nam mỗi tỉnh thành 1 trường đạt chuẩn Quốc Gia.

Hiện tôi chiếm 99% CP của Him Lam (trên website của mình, CTCP Him Lam công bố vốn điều lệ hiện tại là 6.500 tỷ đồng). Và Him Lam chiếm hơn 30% CP của Ngân hàng Liên Việt. Tôi khẳng định Liên Việt có nhiều thành công hơn là tiền.

Tôi không đánh giá cao Tiên Phong Bank, còn tôi nói FPT là doanh nghiệp số 1 Vietnam vì họ đang nắm giữ đội ngũ cán bộ trí thức số 1 Vietnam.

“Minh Him Lam” – Nhà sáng lập, Chủ tịch LienVietPostBank

Đi lên từ bất động sản, nhưng tham vọng của Him Lam không dừng lại ở lĩnh vực này. Với định hướng trở thành một doanh nghiệp kinh tế đa ngành, Him Lam đã lấn sân sang mảng tài chính bằng việc tham gia thành lập Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietBank) vào năm 2008. Ông Dương Công Minh là Chủ tịch Hội đồng Quản trị ngân hàng này giai đoạn 2008 – 2017 trước khi ông gia nhập ngân hàng Sacombank với vị trí Chủ tịch Sacombank.

“Minh Him Lam” khởi đầu cùng LienVietPostBank

Thành lập với số vốn điều lệ ban đầu 3.300 tỉ đồng, đến năm 2011, LienVietBank được một doanh nghiệp nhà nước là Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam tham gia góp vốn bằng giá trị Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện (VPSC) và cả tiền mặt, nâng vốn lên hơn 6.000 tỉ đồng. Tên ngân hàng cũng được đổi thành Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank).

Cuộc sáp nhập này cũng được đánh giá là một chiến lược khôn ngoan của Dương Công Minh. LienVietPostBank là mô hình ngân hàng – bưu điện đầu tiên được thành lập ở Việt Nam, thừa hưởng hơn 10.000 điểm giao dịch ở khắp các tỉnh thành trên cả nước từ đối tác VPSC mà nếu tự gầy dựng có thể LienViet phải mất hàng chục năm.

Nhờ vậy, ngân hàng LienVietPostBank đã rất thành công so với các ngân hàng khai sinh cùng thời. Và cũng vì vậy ông Minh từng nói làm ngân hàng dễ hơn làm bất động sản. Tại LienVietPostBank, Him Lam là cổ đông sáng lập, đồng thời là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu xấp xỉ 15%.

Khi ông Minh ở LienVietPostBank có một sự việc hy hữu đã xảy ra, trên trang web của Hội đồng dòng họ Dương Việt Nam có thông báo LienVietPostBank ưu tiên tuyển dụng cán bộ nhân viên họ Dương vào làm việc tại các phòng giao dịch mới ở các huyện trên các tỉnh thành. Thông báo này do ông Dương Công Minh – Phó chủ tịch Hội đồng dòng họ Dương Việt Nam, cũng là Chủ tịch LienVietPostBank ký. Dù việc ưu ái này gây ra nhiều tranh cãi, trong cũng cho thấy vai trò của ông Minh ở ngân hàng Liên Việt là rất lớn.

"Minh Him Lam" từng là Chủ tịch ngân hàng LienVietPostBank giai đoạn 2008-2017
“Minh Him Lam” từng là Chủ tịch ngân hàng LienVietPostBank giai đoạn 2008-2017

Minh Him Lam thoái vốn khỏi LienVietPostBank

Tuy nhiên, đến đầu tháng 6/2017 ông Dương Công Minh đã có đơn xin từ nhiệm chức danh Chủ tịch, Thành viên HĐQT LienVietPostBank để tham gia tái cơ cấu Sacombank.

Ngày 23/06/2017, Công ty Him Lam đã thoái thành công toàn bộ 96,77 triệu cổ phiếu LVP tại LienVietPostBank, tương đương 14,98%. Công ty này không nắm giữ cổ phiếu nào của LPB và cũng không còn là cổ đông lớn,  Trên sàn OTC, thị giá cổ phiếu LPB nằm ở mức quanh 12.000 đồng/cổ phiếu. Tính ra, Him Lam thu về ước chừng 1.161 tỷ đồng trong thương vụ thoái vốn này.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Hưởng, những đối tác nhận chuyển nhượng 14,98% cổ phần của Công ty cổ phần Him Lam gồm: hai lãnh đạo là thành viên HĐQT LienVietPostBank (ông Nguyễn Đình Thắng: 4,3%, ông Phạm Doãn Sơn: 1,8%), còn lại là 3 chủ doanh nghiệp bên ngoài là ông Nghiêm Nhật Vũ, ông Tống Hoàng Phúc, ông Lê Văn Hải.

Với việc thoái vốn thành công khỏi LienVietPostBank, ông Minh đã tránh được tình trạng sở hữu chéo theo quy định Ngân hàng Nhà nước và “rộng đường” tham gia vào quá trình tái cơ cấu của Sacombank.

Chia sẻ của tân Chủ tịch LienVietPostBank

Tiến sĩ Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cho biết, Công ty cổ phần Him Lam là cổ đông sáng lập, sinh ra LienVietPostBank, Him Lam và ông Dương Công Minh đã có công đưa LienVietPostBank từ con số 0 trở thành một ngân hàng có thương hiệu trên thương trường, có vị thế trong hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam.

“Đúng là Him Lam là trụ cột quan trọng của LienVietPostBank, nhưng Him Lam rời khỏi LienVietPostBank một cách trách nhiệm, đó là đúng vào thời điểm “sức khỏe” của LienVietPostBank đang sung sức. Lý do Him Lam thoái vốn khỏi LienVietPostBank cũng hết sức đơn giản, vì Him Lam đã dìu dắt đứa con sinh ra trưởng thành và Him Lam là nhà đầu tư tầm cỡ, chắc chắn họ đã tìm được địa chỉ đầu tư có cơ hội lớn hơn” – TS Nguyễn Đức Hưởng chia sẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Hưởng - Chủ tịch LienVietPostBank là bạn thân với Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh
Tiến sĩ Nguyễn Đức Hưởng – Chủ tịch LienVietPostBank là bạn thân với Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh

Có 1 hướng dư luận cho rằng những năm qua Him Lam được LienVietPostBank ưu ái về vốn. Ông nói gì về dư luận này và tới đây quan hệ LienVietPostBank và Him Lam sẽ như thế nào?

Nói đúng ra là thời gian qua Công ty Cổ phần Him Lam đã quá ưu ái, thậm chí hy sinh cho LienVietPostBank, để LienVietPostBank có được ngày hôm nay vì đi lên từ con số 0, mới được 10 tuổi nhưng đã có sức khỏe của thanh niên 17 tuổi và kinh nghiệm của người trên 50 tuổi.

Trả lời về việc ông Dương Công Minh có tên trong danh sách đề cử vào HĐQT Sacombank, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hưởng cho biết, Sacombank là một ngân hàng đang trong giai đoạn khó khăn phải tái cơ cấu.

“Nhưng Sacombank cũng là một ngân hàng tiềm năng, ứng cử viên là Chủ tịch HĐQT Sacombank, theo tôi, phải hội tụ đủ 5 điều kiện: một là, họ muốn vào góp sức tái cơ cấu Sacombank; hai là, có kinh nghiệm điều hành ngân hàng; ba là, có nghề kinh doanh, xử lý bất động sản; bốn là, có tiền thật; năm là, có đủ điều kiện pháp lý, có uy tín, có tầm, có tâm trong xã hội, được các cơ quan chức năng ủng hộ để vực Sacombank phát triển.

Ông Dương Công Minh và Him Lam là ứng cử viên hiếm hoi hội tụ đầy đủ các điều kiện trên”.

Theo đánh giá của ông, liệu có “cuộc hôn nhân” trong tương lai giữa LienVietPostBank và Sacombank không?

Đây cũng là dự đoán của nhiều người, nhưng như tôi đã từng phân tích, cả LienVietPostBank và Sacombank chỉ mua những cái mình cần! Với quan hệ thân thiết giữa cá nhân tôi và ông Dương Công Minh, nếu ông Minh về Sacombank thì Sacombank và LienVietPostBank chắc chắn sẽ là những đối tác tốt, nhưng cuộc “hôn nhân” thì không vì cả hai ngân hàng đã trưởng thành, không có nhu cầu phải bù đắp những cái thiếu của nhau!

Dương Công Minh trong vai trò Chủ tịch Sacombank

Chiều ngày 28/06/2017, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã CK: STB) đã công bố danh sách ứng cử viên Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2021. Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Him Lam, nguyên Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, là cái tên đáng chú ý nhất trong danh sách ứng cử vào HĐQT Sacombank.

Đến 30/06/2017, chủ soái “Him Lam” Dương Công Minh chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) có số phiều bầu cao nhất với số phiêu bầu là 3.023.511.381 phiếu, tỷ lệ 198,32%, một chiến thắng áp đảo của tân chủ tịch Sacombank.

Dương Công Minh đắc cử Chủ tịch Sacombank với chiến thắng áp đảo với 3.023.511.381 phiếu bầu, tỷ lệ 198,32%
Dương Công Minh đắc cử Chủ tịch Sacombank với chiến thắng áp đảo với 3.023.511.381 phiếu bầu, tỷ lệ 198,32%

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Phước Thanh, cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, việc Sacombank mời ông Dương Công Minh tham gia vào quá trình tái cơ cấu – một người giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản là một lựa chọn tốt với kỳ vọng ngân hàng sẽ gỡ được nút thắt nợ xấu vốn gắn chặt với khối lượng tài sản thế chấp khổng lồ là bất động sản.

“Minh Him Lam” thành “Minh Sacombank”

Ngày 30/06/2017, Cựu Chủ tịch LienVietPostBank Dương Công Minh chính thức trở thành tân Chủ tịch ngân hàng Sacombank. Khi chọn về làm Chủ tịch Sacombank, ông Dương Công Minh đã làm được những việc tưởng chừng như không thể là xử lý nợ xấu và đưa ngân hàng có lãi trở lại.

Chủ soái Him Lam Dương Công Minh nhận hoa chúc mừng khi đắc cử Chủ tịch Sacombank
Chủ soái Him Lam Dương Công Minh nhận hoa chúc mừng khi đắc cử Chủ tịch Sacombank

Ngày 15/8/2017, khi Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của Quốc hội có hiệu lực, yêu cầu một người không được vừa làm chủ ngân hàng lại vừa làm chủ doanh nghiệp đã đặt ông Dương Công Minh trước lựa chọn hoặc là ngân hàng hoặc là doanh nghiệp. Vì thế, Minh Him Lam đã quyết định chọn làm ngân hàng (Sacombank), “bỏ” Him Lam.

Ông Dương Công Minh trước tháng 01/2018 là Chủ tịch HĐQT tại 5 công ty, gồm: CTCP Him Lam, CTCP Dụng cụ Thể thao Bảo Long, CTCP Phát triển Xín Mần, CTCP Chứng khoán Liên Việt, và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Đầu tháng 01/2018, ông Minh từ chức vị trí Chủ tịch HĐQT tại 4 công ty, tập trung vào tái cơ cấu Sacombank.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 của Sacombank, ông Dương công Minh đã cam kết với cổ đông rằng “5 năm không tái cơ cấu xong Sacombank tôi sẽ ra đi” cùng với đó là lời hứa sẽ cố gắng trả cổ tức sau 5 năm tái cơ cấu ngân hàng.

Về mặt hình thức tưởng rằng đây là một quyết định khó khăn. Tuy nhiên, dường như thương hiệu “Minh Him Lam” vẫn còn nguyên giá trị, luôn gắn liền với tên tuổi Chủ tịch Dương Công Minh.

Nếu theo sát các hoạt động của Him Lam sẽ thấy ông Minh chưa bao giờ đánh mất vai trò với Tập đoàn. Cùng với đó, theo cập nhật tin tức sự kiện của himlam.com (trang web chính thức của Tập đoàn Him Lam) không khi nào thiếu hình ảnh của ông Dương Công Minh, cựu Chủ tịch Him Lam, cựu Chủ tịch LienVietPostBank, Chủ tịch Sacombank hiện nay.

Nói về vai trò của mình tại Him Lam, ông Minh từng cho biết: “Him Lam một tay tôi làm nên, từ tiền của tôi vay nặng lãi, từ cái đầu của tôi, từ tính cách của tôi. Mỗi sản phẩm Him Lam là do chính tay tôi xem bản vẽ, thi công” và “Tôi đã đào tạo và chuẩn bị sẵn một hệ thống cùng điều hành Him Lam. Sẽ đến lúc con trai tôi trưởng thành và tự điều hành được Him Lam”. Có thể thấy vai trò lãnh đạo, sắp xếp, tổ chức hoạt động ở Him Lam của ông Minh là không thể thay thế và nếu có thay thế thì đó cũng là bởi con trai của ông.

Đổi mã chứng khoán từ STB sang SCM

Sacombank niêm yết với mã chứng khoán STB

Ngày 12/07/2006, cổ phiếu Ngân hàng TMCP Sacombank (mã chứng khoán STB) đã chính thức lên sàn giao dịch tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TPHCM dưới thời Chủ tịch Sacombank Đặng Văn Thành.

Sacombank là ngân hàng đầu tiên đưa cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán và là tổ chức niêm yết có vốn điều lệ lớn nhất vào thời điểm đó (gần 1.900 tỉ đồng) trong số 41 công ty đang niêm yết và giao dịch tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TPHCM.

Trong giai đoạn 2012-2017, 5 năm qua, Sacombank đã phải đối mặt với rất nhiều biến động không tưởng mà nhân vật chính của loạt biến động này là “sao Thái Bạch” Trầm Bê. Bước ngoặt mang tên Dương Công Minh liệu có đủ sức vực lại một ngân hàng từng là hàng đầu hiện đang gánh trên vai khối nợ xấu 60.000 tỷ?

Hơn 3 tháng trước, tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2017, cổ đông Lê Thị Kim Cúc – người đã gắn bó 20 năm với Sacombank – bức xúc hỏi rằng, tại sao không thấy ông Trầm Bê xuất hiện, vì sao đầu nhiệm kỳ thấy ông Trầm Bê sáp nhập Ngân hàng Phương Nam vào Sacombank mà cuối nhiệm kỳ lại không thấy đâu?

Trầm Bê giờ đã bị tạm giam. Sacombank dưới thời ông chủ mới – Dương Công Minh – cũng đang tăng tốc xử lý nợ xấu sau khi được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt đề án tái cơ cấu. Và bà Lê Thị Kim Cúc cũng sắp phải làm quen với mã chứng khoán mới SCM (Sacombank – Công khai – Minh bạch), chia tay mã chứng khoán cũ STB (Sài Gòn –Thương Tín – Bank) vốn gắn bó với bà và nhiều cổ đông khác đã rất nhiều năm.

Mã chứng khoán STB – Sao Thái Bạch

“STB có nghĩa là Sao Thái Bạch”, Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh từng nói về lý do đổi mã chứng khoán.

Theo vị lãnh đạo từng trong quân ngũ này, trên phương diện phong thủy đây là sao rất xấu, gắn liền với câu “Thái Bạch quét sạch của nhà”. Bị sao này chiếu sẽ gặp hạn về sức khỏe, làm thua lỗ… Do vậy để thoát khỏi quan niệm trên, Sacombank quyết định đổi mã chứng khoán.

Kỳ thực, 5 năm qua, Sacombank đã phải đối mặt với rất nhiều biến động “không tưởng” mà nhân vật chính của loạt biến động này là Trầm Bê – cái tên cũng có chút liên quan về mặt chữ cái với sao “Thái Bạch”.

Các cổ đông của Sacombank sẽ phải chấp nhận thay đổi chưa từng có khi cổ phiếu STB (Sao – Thái – Bạch) sẽ bị hủy niêm yết và chuyển sang sàn HNX với mã cổ phiếu mới SCM (Sacombank – Công – Minh) mà theo nhìn nhận của Công ty Chứng khoán HSC, việc chuyển sàn này là “một bước lùi về tính minh bạch và tính thanh khoản” và có thể khiến cổ phiếu STB đối mặt với áp lực bán ngắn hạn.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) công bố Nghị quyết số 02/2017/NQ-ĐHĐCĐ, trong đó đáng chú ý, cổ đông của Sacombank đã quyết định không thông qua việc thay đổi mã chứng khoán.

Cụ thể, trong tổng số 1,43 tỷ cổ phiếu biểu quyết thì chỉ có 232 triệu cổ phiếu biểu quyết “Tán thành” với nội dung thay đổi mã chứng khoán, chiếm 16,1%. Trái lại, số cổ phiếu biểu quyết “Không tán thành” lên tới gần 1,2 tỷ cổ phiếu, chiếm 83,3%. Còn lại là phiếu biểu quyết “Không có ý kiến” và phiếu biểu quyết không hợp lệ.

Như vậy, Sacombank sẽ giữ nguyên mã chứng khoán STB, không tiến hành đổi sang mã chứng khoán SCM. Tuy nhiên, như đã đề cập, kế hoạch này của Chủ tịch Dương Công Minh đã không thành công.

Thành quả “Minh Him Lam” trong vai trò Chủ tịch Sacombank

Theo cập nhật mới nhất của ngân hàng, Sacombank cũng đã ứng dụng Basel II vào hoạt động từ ngày 01/01/2020 theo đúng lộ trình của thông tư 41. Mục tiêu trọng tâm trong năm 2020 là gia tăng hiệu quả kinh doanh, phát triển quy mô và thị phần, cải thiện các chỉ số tài chính, quyết liệt xử lý nợ xấu và kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng…

Sacombank ghi nhận kết quả kinh doanh với con số khả quan trong năm 2020 khi doanh số đạt hơn 15.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 3.339 tỷ đồng, vượt 30% kế hoạch… Quy mô khách hàng thường xuyên giao dịch của Sacombank đến cuối năm 2020 chạm mốc gần 7 triệu, tăng 14% so với năm trước.

Quy mô hoạt động của Sacombank tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, tổng tài sản hợp nhất đạt gần 493.000 tỷ đồng, tăng gần 10%, trong đó tài sản có sinh lời tăng 13%. Tổng huy động đạt 447.000 tỷ đồng với huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt hơn 439.000 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đạt hơn 340.000 tỷ đồng, tăng 15%, phù hợp với hạn mức được Ngân hàng Nhà nước giao.

Đến năm 2020 là ông Dương Công Minh chạm mốc 60 tuổi. Với một công chức, đây là độ tuổi để họ có thể nghỉ ngơi, về vui vầy bên con cháu nhưng với một doanh nhân bản lĩnh như ông Minh con đường phía trước hãy còn rất dài.

Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh tại Đại hội cổ đông thường niên 2019
Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh tại Đại hội cổ đông thường niên 2019

“Thành Sacombank” và “Minh Him Lam”

Tại buổi lễ kỷ niệm 28 năm của Ngân hàng Sacombank diễn ra tối ngày 20/12/2019, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Sacombank đã công bố kết quả kinh doanh của Sacombank trong năm 2019, bên cạnh đó ông Minh còn gửi lời tri ân đến ông Đặng Văn Thành – người sáng lập, nguyên Chủ tịch Sacombank.

Ông Minh cho biết, việc nhận vai trò Chủ tịch Sacombank là để quyết liệt cải tổ lại hệ thống quản lý tổ chức ngân hàng. Còn ông Đặng Văn Thành cùng với HĐQT của khóa trước đã xây dựng cho Sacombank một nền móng, hệ thống chiến lược bền vững. Chính vì vậy, quá trình tái cấu trúc của ông mới diễn ra tốt đẹp và suôn sẻ.

Dường như Sacombank đang trở lại. Cũng vì những cống hiến ấy của ông Minh mà cựu Chủ tịch Sacombank Đặng Văn Thành đã gửi lời cảm ơn sâu sắc tới doanh nhân cùng tuổi (1960) khi đã làm chủ tịch Sacombank, tái cơ cấu ngân hàng thành công tại hội nghị tổng kết, kỷ niệm 28 năm ngân hàng Sacombank.

“Tôi vào điều hành Ngân hàng Sacombank, nhưng hiện nay, thương hiệu Sacombank luôn gắn chặt tên tuổi ông Đặng Văn Thành và vẫn là “Thành Sacombank”. Còn tôi chỉ là “Minh Him Lam”.

“Anh Đặng Văn Thành vẫn là Thành Sacombank, tôi chỉ là Minh Him Lam” – Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh

Chủ tịch Sacombank chia sẻ: Anh Đặng Văn Thành vẫn là Thành Sacombank, tôi chỉ là Minh Him Lam
Chủ tịch Sacombank chia sẻ: Anh Đặng Văn Thành vẫn là Thành Sacombank, tôi chỉ là Minh Him Lam

Những câu nói hay của “Minh Him Lam” – Chủ tịch Sacombank

Nói về quan điểm để lập nghiệp thành công, theo ông Minh, điều kiện cần là phải có kiến thức, còn điều kiện đủ là phải có… máu liều. Tuy nhiên, ông Minh nhấn mạnh, 30% thành công của ông đến từ may mắn, dù may mắn đó không phải tự nhiên tìm đến. Người xưa nói há miệng chờ sung, nhưng muốn có sung thì cũng phải nằm dưới gốc mới có. Tức là kể cả muốn ăn rung rụng, ta cũng phải tự thân bò đến dưới gốc sung mà chờ. Vậy nên, may mắn không phải tự nhiên tìm đến ta, mà do ta tự vận động tạo ra nó”.

Dù có số tài sản khổng lồ, nhưng ông Minh được biết đến là người khá khiêm tốn và kín tiếng. Trong một cuộc phỏng vấn, ông cũng từng tự nhận: “Tôi là người giàu, tuy nhiên đã biết cách làm giàu thì cũng cần biết cách khiêm tốn, tránh khoe khoang. Nhà cửa cửa tôi ở đàng hoàng, nhưng hiếm người biết nhà tôi như thế nào, tránh để người ta có những nhìn nhận không cần thiết”.

“Từ xưa đến nay cha ông ta có câu ‘có chí làm quan, có gan làm giàu’. Làm quan hay làm giàu đều là lập nghiệp. Tất cả chúng ta ngồi đây, tôi nghĩ là các bạn đang đi theo hướng làm giàu”

“Vì vợ mà tôi không làm quan nữa mà quay sang làm giàu”

“Báo chí đều nói tôi là đại tá, trung tá nhưng tôi là trung úy quân đội, tức là đi nghĩa vụ quân sự là thiếu úy ra quân là trung úy”

“Kiến thức có, cơ hội có nhưng mà gan nhỏ thì cũng không làm được. Khi chúng ta thấy cơ hội rồi thì phải máu lửa lên”

“Sau Vingroup, chắc chắn Him Lam sẽ là doanh nghiệp thứ 2 tại Việt Nam làm theo mô hình đô thị hoàn chỉnh vài trăm ha”

“Him Lam hay Novaland… đều có những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu sử dụng của khách hàng, song chúng tôi không tạo ra được sản phẩm bất động sản hoàn thiện về mặt xã hội như Vingroup. Do đó, đây là điều mà tất cả chúng ta phải học, nên học ở Vingroup”

Tiểu sử Dương Công Minh

  • Họ tên: Dương Công Minh
  • Sinh ngày: 10/05/1960
  • Quê quán: Quế Võ, Bắc Ninh
  • Số CMND: 023424554
  • Trình độ: Cử nhân Kinh tế – Đại học Kinh tế Quốc dân (1984)
  • Gia đình:
    • Mẹ: Đặng Thị Doan
    • Vợ: Lê Thị Vân Thảo
    • Con: Dương Phương Mai, Dương Minh Hoàng, Dương Minh Trí
    • Em gái: Dương Thị Liêm – Em rể: Cao Xuân Minh
Gia đình chủ soái Him Lam, Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh
Gia đình chủ soái Him Lam, Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh

Quá trình công tác Chủ tịch Sacombank

  • Từ 1979 – 1984: Sinh viên chuyên ngành Vật giá, Đại học Kinh tế Kế hoạch – nay là Đại học Kinh tế Quốc dân.
  • Từ 1985 – 1988: Sỹ quan – Công ty Xuất nhập khẩu, Bộ Quốc phòng.
  • Từ 1989 – 1994: Cán bộ Công ty Xuất nhập khẩu Cà phê, Liên hiệp các xí nghiệp cà phê, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm.
  • Từ 1994 – 1997: Giám đốc – Xí nghiệp Xây dựng, Công ty Thanh Bình, Bộ Quốc phòng
  • Từ 1997 – 01/2018: Chủ tịch HĐQT CTCP Him Lam
  • Từ 2008 – 06/2017: Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank)
  • Từ 30/06/2017 – nay: Chủ tịch HĐQT ngân hàng Sacombank

Qua bài viết trên giúp chúng ta thấy được con đường và sự nghiệp của “Minh Him Lam” – Chủ tịch Dương Công Minh, Cựu Chủ tịch Him Lam, Cựu Chủ tịch LienVietPostBank, Chủ tịch ngân hàng Sacombank. Ta có thể thấy rằng về phần tính cách của ông Dương Công Minh có phần giống với Tỷ phú liều ăn nhiều người Nhật Bản Masayoshi Son, nhà sáng lập, Chủ tịch tập đoàn Softbank.

5/5 - (4 bình chọn)

Đăng ký
Nhận thông báo
guest

0 BÌNH LUẬN
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi
Xem tất cả bình luận
DMCA.com Protection Status
error: Bản quyền thuộc Adautu.com