Ông Lê Viết Hải là một doanh nhân người Việt Nam sinh ngày 12/11/1958 tại Thừa Thiên Huế. Ông hiện là nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn xây dựng Hòa Bình. Ông liên tục đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc trong 33 năm từ khi thành lập Hòa Bình năm 1987 đến 22/07/2020 trước khi nhường vị trí cho con trai là Lê Viết Hải.
Hiện tại chủ tịch Lê Viết Hải là cổ đông lớn nhất, sở hữu trực tiếp 16,05% cổ phần tập đoàn Hòa Bình. Tính theo giá 17.000 đồng/cổ phiếu thì lượng cổ phần này có giá trị 630 tỷ đồng, thuộc Top 200 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Xuất thân cơ cực của ông Lê Viết Hải
Lê Viết Hải sinh ra tại làng Phú Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, trong một gia đình tri thức có 11 anh chị em. Cha ông là Lê Mộng Đào, từng là hiệu trưởng thứ 2 Trường Bồ Đề ở Huế (nay là THCS Thống Nhất), ông cũng là cư sĩ duy nhất giữ chức vụ Hiệu trưởng trường Bồ Đề; một trường thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Mẹ ông là bà Trần Thị Tuyết, làm kinh doanh buôn bán nhỏ.
Năm 1963, trong thời kỳ đấu tranh chống kỳ thị tôn giáo, cha ông Hải là ông Lê Mông Đào đã bị bắt tù giam, Bà Trần Thị Tuyết – vợ ông đã phải trải qua một thời kỳ gian khó nhất khi một mình gồng gánh nuôi 11 đứa con còn thơ dại.
Năm 1964 – 1967, Lê Mộng Đào được bầu vào Hội đồng Nhân dân Thị xã Huế và được cử làm chức vụ chủ tịch. Trong chức vụ này Ông đã làm được nhiều việc cho Huế trong đó có việc chỉ đạo lập dự án và đích thân vận động Bộ Công chánh cho xây Cầu Phú Xuân.
Năm 1967, khi ông Hải lên 9 tuổi cả gia đình chuyển vào Sài Gòn, vì thế ông thường phải phụ bố mẹ làm nhiều nghề để trang trải cuộc sống gia đình, từ mua bán thuốc tây, điện máy, cho đến việc hợp tác mở trường tư thục, sản xuất bánh mứt,…
Hoàn cảnh gia đình tuy khó khăn nhưng ông được học hành đàng hoàng năm 1985, ông tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM với tấm bằng Kiến trúc sư. Dù kiến trúc và xây dựng là hai nghề khác nhau nhưng ông chọn xây dựng ngay từ đầu vì thời ấy là sau giải phóng, nhu cầu của xã hội trong ngành xây dựng rất lớn.
Ông Lê Mộng Đào cha ông Lê Viết Hải từ năm 1987 – 2000 là Đồng sáng lập và Cố vấn Ban Giám đốc Văn phòng Xây dựng Hòa Bình. Và trong giai đoạn 2000 – 2006 là Chủ tịch Danh dự của tập đoàn Hòa Bình.
Khởi nghiệp cùng xây dựng Hòa Bình
Sau khi tốt nghiệp, ông đầu quân vào làm việc tại Công ty Quản lý Nhà với công việc thiết kế thi công một số công trình nhà ở tư nhân trong 2 năm.
Năm 1987, ông Hải thành lập và làm giám đốc Văn phòng Xây dựng Hòa Bình. Ban đầu với số lượng nhân viên ít ỏi là 5 kỹ sư cùng với 20 người, chủ yếu nhận thiết kế và thi công công trình nhà ở tư nhân. Đội ngũ tuy còn non trẻ nhưng với trình độ chuyên môn, khả năng sáng tạo và tinh thần trách nhiệm cao đã được các chủ đầu tư hài lòng, ngợi khen và không ngần ngại giới thiệu những khách hàng mới.
Năm 1993 – 1997, ông Hải quyết định mở rộng đầu tư các xưởng sản xuất và thành lập 2 xưởng Mộc Hòa Bình và Sơn Hòa Bình. Vào năm 1997, ông Lê Viết Hải không ngừng đầu tư nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật theo chiều sâu, Công ty Xây dựng Hòa Bình bắt đầu áp dụng quy trình ISO 9000 và quy trình Quản lý Chất lượng toàn diện (TQM) nhằm bảo đảm nâng cao chất lượng công trình.
Ngày 01/12/2000, Văn phòng Xây dựng Hòa Bình chính thức đổi tên thành CTCP Xây dựng & Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình (tiền thân CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình hiện nay).
Ngày 27/12/2006, cổ phiếu Hòa Bình chính thức niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE: HBC). Hòa Bình chuyển sang chuyên nhận thầu những công trình lớn với phương thức thi công trọn gói.
Cuối năm 2006 và đầu năm 2007, Hòa Bình đã trúng thầu một loạt các dự án lớn như: thi công trọn gói công trình cao ốc cao cấp Horizon ở Quận 1, cụm chung cư cao cấp Phú Mỹ Thuận ở Quận 7, phần kết cấu cao ốc The Manor giai đoạn 2, thi công tầng hầm Cụm Chung cư cao cấp Phú Mỹ ở Quận 7, và thi công xây dựng Công trình Unilever Homebase ở Phú Mỹ Hưng…
Có thể nói, năm 2006 là mốc son trong lịch sử phát triển của Hòa Bình khi mô hình doanh nghiệp đã được hình thành rất rõ nét và một đường băng vững chắc đã được tạo dựng cho con tàu Hòa Bình cất cánh bay cao và bay xa hơn nữa.
Đến nay, Tập đoàn Hòa Bình do ông Hải điều hành đã thi công gần 400 công trình bao gồm 80 công trình đang thi công trải dọc từ Bắc đến Nam, tạo công ăn việc làm cho hơn 30.000 lao động hoạt động trên khắp cả nước và tại thị trường quốc tế như Malaysia, Myanmar.
Hiện tập đoàn Hòa Bình là doanh nghiệp xây dựng lớn thứ hai Việt Nam với doanh thu hơn 18.600 tỷ đồng và lợi nhuận hơn 400 tỷ đồng. Hòa Bình cùng với Coteccons là hai thương hiệu nhà thầu xây dựng uy tín nhất Việt Nam, được nhiều chủ đầu tư lựa chọn và đánh giá cao.
Những sóng gió đã vượt qua
Câu ngạn ngữ “Thuyền to, sóng lớn” quả không sai với công ty xây dựng có bề dày 34 năm hoạt động như tập đoàn xây dựng Hòa Bình. Chủ tịch Lê Viết Hải kể lại:
Đó là giai đoạn 2011 – 2013, năm 2014, thị trường vẫn còn khó nhưng đã có dấu hiệu khởi sắc. Thời gian đó, chủ đầu tư dự án (chủ yếu là BĐS nhà ở) không có tiền thanh toán cho nhà thầu, chúng tôi phải gồng gánh cho họ. Tôi nghĩ, nếu chúng tôi “buông tay” thì họ vỡ nợ, họ thiệt hại, DN mình cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Bởi công trình dở dang, Hòa Bình ngưng thi công thì họ không bán được sản phẩm, làm sai cam kết, phải trả lại tiền cho khách hàng. Nếu vậy thì họ lấy đâu ra tiền để trả cho nhà thầu, thế nên chúng tôi phải đi vay tiền để thi công hoàn chỉnh dự án. Đó cũng là thời điểm khoản nợ ngân hàng của Hòa Bình tăng đáng kể, nhưng quan điểm của tôi là “cứu người cũng là cứu mình”, mọi khó khăn rồi sẽ qua đi.
Tuy nhiên, để làm điều này, chúng tôi đã phải đánh giá tình hình thật cụ thể, cặn kẽ, dự án nào nên cứu và mức độ giải cứu đến đâu, không thể làm một cách tự phát, không có kế hoạch, bởi với quy mô công ty như Hòa Bình, chỉ cần một quyết định không chuẩn xác thì cũng giống như bạn vẽ một công trình nhưng lại tính toán sai số liệu.
Chiến lược dự án siêu cao tầng
Chúng tôi tiếp cận dự án VietinBank Tower vào năm 2014 (đây là tòa nhà cao nhất Việt Nam với 363m, dự kiến hoàn thành năm 2017). Với công trình siêu cao tầng, nhà thầu phải đối diện với nhiều vấn đề hóc búa, từ kiểm soát được nhiệt độ của các khối bê tông cỡ lớn, kết cấu thép cho tòa nhà đến tính toán chính xác các thông số để bù đắp sự co giãn của tòa nhà…
Cho nên, việc thi công các dự án siêu cao tầng đòi hỏi trình độ quản lý, kỹ thuật cao của nhà thầu, không phải DN xây dựng nào cũng có thể thực hiện được.
Để tham gia “sân chơi” siêu cao tầng, Hòa Bình cũng đã từng bước nâng cao sức mạnh nội tại, chất lượng nhân lực, các tiêu chuẩn quản lý… Và thời gian làm việc với các nhà thầu quốc tế là cơ hội để chúng tôi quan sát, học hỏi, đó không đơn thuần là việc bạn có được gói thầu, làm cho xong để thu tiền.
Trước đó, chúng tôi từng là nhà thầu phụ của nhiều dự án siêu cao tầng như: tháp truyền hình Bình Dương 252m, tòa nhà Keangnam 72 tầng (Hà Nội)… Việc xây dựng công trình siêu cao tầng vừa nâng cao giá trị thương hiệu, vừa thể hiện năng lực của một nhà thầu ở các dự án mang tầm quốc tế.
Xây dựng những dự án bất động sản khổng lồ
Những dự án bất động sản đầu tiên mà ông Hải xây dựng như: khách sạn Riverside trên đường Tôn Đức Thắng (TPHCM), khách sạn International, Food Center of Saigon, Tecasin Business Center and Serviced Apartments.
Tiếp đó, ông Lê Viết Hải hướng Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình thực hiện các công trình Nhà máy nước ép trái cây Delta (Long An). Tương tự, các công trình làm nên tên tuổi Hòa Bình như: Saigon Sky Garden Apartments, Stamford Court, Riverside Aparment, Legen Hotel, Melinh Point Tower, Ocean Place (nay đổi tên là Sheraton Plaza)…
Một số dự án xây dựng có quy mô lớn như: Dự án Saigon Centre giai đoạn 2, The Ascent Condominiums, Estella Heights, dự án mở rộng Nhà ga quốc tế T2 Tân Sơn Nhất và Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, Tổ hợp du lịch và giải trí Cocobay Đà Nẵng…
Chuyển giao cho con trai 28 tuổi
Tập đoàn Hòa Bình vừa thông báo quyết định của HĐQT thông qua đơn từ nhiệm chức vụ tổng giám đốc của ông Lê Viết Hải. Tổng giám đốc mới được bổ nhiệm của Hòa Bình là ông Lê Viết Hiếu, người đang đảm nhận vị trí phó tổng giám đốc đối ngoại khu vực miền Bắc đồng thời cũng là con trai Chủ tịch Lê Viết Hải.
Như vậy, ông Lê Viết Hải sẽ không còn kiêm nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc từ ngày 23/07/2020. Thời điểm này cũng chỉ còn cách hạn cuối cho các công ty đại chúng hoàn tất tách bạch hai chức danh trên theo quy định tại Nghị định 71/2017/NĐ-CP sẽ có hiệu lực vào ngày 01/08/2020.
CEO mới của Xây dựng Hòa Bình sinh năm 1992 tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp tại trường California Polytechnic State University (Mỹ).
Sau khi làm việc hai năm ở vị trí chuyên viên tín dụng của Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam, 9X này đã làm việc tại Hòa Bình từ năm 2016 với vai trò Phó giám đốc phát triển thị trường nước ngoài. Năm 2018, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc phát triển thị trường nước ngoài của Hòa Bình và bổ nhiệm lên chức Phó tổng giám đốc đối ngoại khu vực miền Bắc vào tháng 5/2019.
Trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên của Hòa Bình vào ngày 24/06/2020, ông Lê Viết Hiếu được bầu làm thành viên HĐQT tập đoàn xây dựng Hòa Bình. Hiện ông Lê Viết Hiếu đang sở hữu trực tiếp hơn 1 triệu cổ phiếu HBC, tương đương 0,46% cổ phần.
Nói về việc kế thừa, tân Tổng Giám đốc Lê Viết Hiếu khẳng định không có nhiều áp lực. Ông Hiếu tự nhận mình may mắn khi được sinh ra trong một gia đình có điều kiện, ở vị trí mà nhiều người không có được. Do đó, ông Hiếu tự nhận thấy cơ hội đến thì phải nắm bắt, vận dụng nó tốt nhất và nhận biết trách nhiệm của mình; hiểu về những hoài bão mà người sáng lập, Chủ tịch và là người cha đã gây dựng suốt 33 năm qua.
Tiểu sử ông Lê Viết Hải
- Họ tên: Lê Viết Hải
- Sinh ngày: 12/11/1958
- Quê quán: Phú Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế
- Địa chỉ: 235 đường Võ Thị Sáu, P.7, Q.3, TP.HCM
- Trình độ: Kiến trúc sư – Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM
- Gia đình:
- Bố: Lê Mộng Đào
- Mẹ: Trần Thị Tuyết
- Vợ: Bùi Ngọc Mai
- Con: Lê Viết Hòa, Lê Viết Hiếu
Quá trình công tác
- Từ 1985 – 1987: Công tác tại Công ty Quản lý Nhà Thành phố Hồ Chí Minh.
- Từ 1987 – 2000: Sáng lập và Giám đốc Điều hành Văn phòng Xây dựng Hòa Bình.
- Từ 2000 – 2017: Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP XD & KD Địa ốc Hòa Bình.
- Từ 2017 – nay: Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.
- Từ 23/7/2020 – nay: Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình
Các chức vụ đang nắm giữ
- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình
- Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TP.HCM (SACA)
- Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC);
- Phó Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam;
- Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh.
- Chủ tịch HĐQT CTCP Nhà Hòa Bình
- Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Xây dựng và Địa ốc Hòa Bình Hà Nội
- Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Phát triển Hòa Yên
- Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Máy xây dựng Matec
- Chủ tịch HĐQT CTCP Cơ khí và Nhôm kính Anh Việt
- Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Xây dựng Hạ tầng Hòa Bình
- Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Hòa Bình Myanmar
- Thành viên HĐQT CTCP Đầu tư và Năng lượng tái tạo Hòa Bình
- Thành viên HĐQT CTCP Đầu tư Phát triển Hòa Bình Huế
- Thành viên HĐQT CTCP Jesco Asia
- Thành viên HĐQT CTCP Sài Gòn – Rạch Giá