Chủ tịch Đỗ Quang Hiển – “bầu Hiển” quyền lực cỡ nào?

Ông Đỗ Quang Hiển là một doanh nhân người Việt Nam sinh ngày 29/10/1962 tại Hà Nội. Ông hiện là nhà sáng lập, chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tập đoàn T&T Group.

Ông Đỗ Quang Hiển hiện là Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) từ nằm 2007. Đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Tp. Hà Nội; Uỷ viên UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Chủ tịch Đỗ Quang Hiển được biết đến và nổi tiếng với danh hiệu “bầu Hiển” vì là nhà sáng lập, từng nhiều nằm liền giữ vị trí Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội (tiền thân là Hà Nội T&T). Câu lạc bộ Hà Nội được coi là câu lạc bộ thành công nhất V-league với thành tích 5 lần vô địch quốc gia cùng với đó là 4 lần giành ngôi á quân.

Ông Đỗ Quang Hiển vinh dự từng được ba lần nhận danh hiệu Huân chương lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba do Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng.

Ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn T&T Group vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất
Ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn T&T Group vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất

Hành trình khởi nghiệp của bầu Hiển

Thuở hàn vi

Hồi còn “chong đèn đọc sách”, Đỗ Quang Hiển rất giỏi các môn khoa học tự nhiên; đam mê những định luật, nguyên lý… đến mức có thể ngồi lì cả ngày trời trong phòng để đọc sách, mày mò tìm hiểu những khối kiến thức bất tận của nhân loại. Đó cũng là lý do vì sao anh trở thành sinh viên khoa Vật lý (Đại học Tổng hợp).

Ông bảo rằng: “Hồi đó, bạn bè nói tôi là con mọt sách. Tôi thích đọc, nhất là những cuốn sách có nhiều thông tin về ngành Vật lý. Tôi ước mơ sau này ra trường sẽ được làm ở một cơ quan nào đó để có thể phát huy hết khả năng và kiến thức của mình, nhưng rồi cuộc sống có quá nhiều khó khăn và ước mơ đó không thể trở thành sự thực”.

Giai đoạn ra trường và cơ duyên…

Giai đoạn 1984-1987 sau khi tốt nghiệp ngành Vật lý vô tuyến chàng thanh niên Đỗ Quang Hiển đã chọn bến đỗ đầu tiên sau ngày ra trường là Xí nghiệp sửa chữa máy thu hình (Đài Phát thanh Hà Nội).

Thời gian đầu, anh kỹ sư trẻ gặp không ít khó khăn khi phải đối diện với công việc thực tế. “Mình đi học thì chỉ biết có sách vở, đâu có nghĩ gì đến va chạm xã hội và cũng chưa được chuẩn bị tâm lý khi ra trường. Chỉ biết được đi làm là thấy vui, thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, vì như vậy là mình đã trưởng thành rồi. Thế nhưng, chuyện đâu có đơn giản như vậy, trong khi lương thì thấp mà còn biết bao nhiêu thứ va chạm khác khiến cho mình nhiều lúc cảm thấy như kiệt sức. Mình thấy thấm thía, bởi trong lúc gia đình nghèo khó mà bố mẹ vẫn tần tảo cóp nhặt từng đồng lo lắng cho các con”.

Được một thời gian, Xí nghiệp sửa chữa máy thu hình sáp nhập vào Công ty điện tử Hanel – tạo thêm nhiều cơ hội mới để chàng kỹ sư trẻ khẳng định tài năng của mình. Sau đó, bầu Hiển lại đi đến một quyết định mới: Gia nhập Viện nghiên cứu công nghệ quốc gia. Mơ ước từ thuở còn miệt mài với sách vở giờ mới thực sự trở thành hiện, ông tự nhủ với mình rằng rồi đây sẽ “xuất bản” nhiều công trình mang tầm quốc gia. Kiến thức học được qua sách vở, thu lượm từ những bài giảng và thực tế cuối cùng đã có đất để thực sự “dụng võ”.

Duyên kinh doanh đến bất ngờ khi ông học tập và nghiên cứu tại Nhật. Ông đã tiếp xúc với nhiều đối tác là các tập đoàn lớn như Panasonic, Mitsubishi, National… và rất ngưỡng mộ cách làm ăn của họ.

Sau này ông biết được các “đại gia” ấy đang muốn tìm đối tác phân phối độc quyền các mặt hàng gia dụng như điều hoà, tủ lạnh, tivi, máy sấy tóc… ở phía Bắc Việt Nam. Thế là ông nghĩ mình có thể làm được.

Năm 1993, ông rời bỏ công việc của một cán bộ khoa học Nhà nước, bỏ luôn chiếc phao biên chế đang là niềm ao ước của nhiều người lúc đó để ra làm ăn riêng sau 5 năm làm việc với vai trò là kỹ sư vật lý của Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia.

Dựng cờ kinh doanh với T&T

Năm 1993, bầu Hiển bắt đầu lập nghiệp với việc lập Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại T&T; T&T khi đó hướng đến việc kinh doanh các mặt hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, thiết bị văn phòng, thiết bị viễn thông… được nhiều hãng điện tử Nhật Bản chọn làm đại lý độc quyền.

Chủ tịch Đỗ Quang Hiển và ban lãnh đạo tập đoàn T &T trong những ngày đầu mới thành lập
Chủ tịch Đỗ Quang Hiển và ban lãnh đạo tập đoàn T &T trong những ngày đầu mới thành lập

Khởi đầu, ông đi buôn đồ điện tử, chuyên kinh doanh các mặt hàng điện tử, điện lạnh trên con phố điện tử Hai Bà Trưng (Hà Nội). Một người từng làm ăn với ông thời kỳ đó kể, ông Hiển thể hiện sự linh hoạt, nhanh nhạy trong kinh doanh khi bán các sản phẩm điện tử của các hãng nổi tiếng như Panasonic, National. Thời gian rảnh, ông chơi cờ, đi uống bia hơi, một trong những sở thích lớn nhất của ông.

Trong suốt 5 năm đầu, công việc kinh doanh của T&T lên như diều gặp gió, sản phẩm của ông được xếp vào diện bán chạy trên thị trường với doanh thu rất cao, thị phần tiêu thụ ngày càng được mở rộng. Ông như người đi trong mơ với kết quả đạt được khá ấn tượng này.

Giai đoạn sóng gió, nợ như chúa chổm

Ông như người đi trong mơ với kết quả đạt được khá ấn tượng này. Thừa thắng xông lên, bầu Hiển đặt lệnh đưa hàng về chất đầy kho. Thế nhưng thương vụ năm ấy, bầu Hiển tổn thất nặng do bị hàng lậu cạnh tranh.

Năm 1998, Công ty Tân Trường Sanh nhờ sự giúp sức của một số cán bộ hải quan đã tuồn vào thị trường Việt Nam khối lượng rất lớn hàng điện tử, điện lạnh… khiến nhà nước thất thu gần một nghìn tỷ đồng.

Sản phẩm của T&T nhập chính ngạch và nộp thuế đầy đủ lên tới 60% nên giá thành không thể cạnh tranh với các đơn vị trên, khiến cho thị trường điện tử điện lạnh trong nước bị khuynh đảo. T&T và rất nhiều đơn vị kinh doanh hàng điện tử tại Việt Nam cùng chung số phận là không bán được hàng và rơi vào làm ăn sa sút.

Nhớ lại “khoảng lặng” trong nghiệp kinh doanh của mình, Chủ tịch Tập đoàn T&T không hề che giấu cảm xúc:

“Người ta nhìn vào thành quả của T&T giờ đây có thể nghĩ rằng tôi thành công lắm rồi. Nhưng, ai đó quan tâm tới lĩnh vực kinh doanh hàng điện tử mới thấy rằng có rất nhiều rủi ro. Quả thực, tôi đã từng trải qua cảm giác chán nản, mệt mỏi vô cùng. Hàng hoá lúc đó chất đống trong kho, làm sao mà cạnh tranh được với hàng lậu, nợ ngân hàng thì ngày càng nhiều lên. Nếu nói T&T phá sản thì hơi ngoa, nhưng tình thế lúc ấy cũng gần như vậy, may là sau đó cơ quan pháp luật đã vào cuộc và phá được đường dây này”.

Số nợ lên tới gần 40 tỷ đồng, gồm 7 tỷ đồng tiền nợ thuế nhập khẩu và trên 30 tỷ đồng nằm trong kho. Ngân hàng thúc nợ, cơ quan thuế phát lệnh truy thu, bầu Hiển rơi vào tình cảnh khó khăn chưa từng có. Lúc bấy giờ, ông mới giật mình nhìn lại xung quanh chẳng có ai gánh hộ món nợ và có thể chung tay cùng ông vượt qua giai đoạn khó khăn. Ông nổi tiếng đến mức một tờ báo đưa ông lên trang nhất với cái tên “chúa chổm”.

Nhưng may mắn, Hải quan và Thuế vụ đã xuống tận nơi xác nhận việc nợ thuế của công ty là do hàng tồn kho, tất cả đều có đủ giấy tờ pháp lý và có giá trị lớn. Điều này có nghĩa là ông nợ thuế vì không bán được hàng chứ không phải có điều gì không rõ ràng đằng sau.

“Tôi đã nói với anh em rằng, tôi là kẻ thất bại và khó khăn mình tôi sẽ gánh chịu chịu. Tôi đã quyết định sai, tôi sẽ là người đứng ra gánh vác trách nhiệm”, ông nói. Bầu Hiển đau đớn quyết định “giải phóng” nhân viên giỏi sang làm việc ở đơn vị khác vì không muốn họ vì mình mà lỡ dở sự nghiệp.

Những người còn lại ông động viên cùng mình vượt qua khó khăn và ông hứa sẽ mang lại cuộc sống tốt đẹp cho họ và gia đình. Lời hứa của ông đã mang lại giá trị, sau khoảng một năm lăn lộn ra thị trường, cùng bán hàng và chào sản phẩm ở khắp mọi nơi, bầu Hiển đã bước đầu “gỡ” được vốn. Lượng hàng tồn trong kho được giải phóng và ông cũng dần lấy lại được thị phần.

Nhưng khủng hoảng vẫn kéo dài 3 năm. Ông phải chạy vạy khắp nơi tìm cách xử lý, giải quyết hàng tồn kho trả nợ thuế và định hướng kinh doanh mới. Rồi khó khăn cũng qua đi và cơ hội mới lại mở ra.“Quả là khi ấy tôi thấm thía được thế nào là nỗi cơ cực của kẻ bị thúc nợ”, bầu Hiển tâm sự.

Cũng chính lúc khó khăn nhất, bầu Hiển hiểu rằng nếu chỉ kinh doanh thương mại thuần túy, làm đại lý cho nước ngoài, rủi ro cao và ông sẽ mãi chỉ là người phân phối sản phẩm, gia công và mượn thương hiệu của người khác. Chẳng có cái gì là của riêng ông và làm lên giá trị của chính mình.

Thời điểm T&T ra đời, kinh doanh hàng điện tử – điện lạnh đang “hot” và có không ít doanh nghiệp cũng kinh doanh các mặt hàng điện tử – điện lạnh, ấy là còn chưa kể có vô số cửa hàng cỡ lớn đang chiếm lĩnh thị trường theo từng khu vực nhất định. Bài toán đặt ra với ông chủ của T&T là làm thế nào chen chân vào thị trường béo bở này?

Bầu Hiển bật mí: “Tôi từng học ngành Vật lý nên rất thích mọi thứ phải bám sát thực tế. Khó khăn lớn nhất của T&T lúc ấy là phát triển thị trường, tôi cùng với các anh em cán bộ làm việc triền miên như cái máy suốt mấy tháng trời và quyết tâm phải tạo ra sự khác biệt. Tôi luôn tâm niệm, hàng bán chạy chưa phải đã thành công, mà cái quan trọng là T&T phải gây ấn tượng thật tốt với mọi khách hàng”.

Cú hích từ xe gắn máy

Năm 1998, bầu Hiển quyết định đầu tư sang lĩnh vực lắp ráp xe máy. Khi quyết định chuyển hướng kinh doanh, ông nhận thấy xe máy là thị trường tiềm năng mà chưa có doanh nghiệp nào tham gia. Xe máy lúc bấy giờ cũng là phương tiện mơ ước của nhiều người.

Nước cờ này có thể coi là rất táo bạo tại thời điểm đó và nó cũng cho thấy doanh nhân này có khả năng dự liệu trước sự phát triển của một mảng thị trường nhiều tiềm năng sắp bùng nổ. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, đầu tư vào mảng lắp ráp xe máy nhanh trở thành “cơn sốt” của gần 60 doanh nghiệp.

Một miếng bánh mà có quá nhiều người giằng xé đã khiến cho việc kinh doanh của T&T gặp rất nhiều khó khăn. Cạnh tranh ở thị trường thành phố đã khó, nhưng ở các tỉnh lẻ cũng chẳng ra gì do sự đổ bộ ào ạt của các doanh nghiệp nước ngoài. Hàng sản xuất ra bị tồn đọng, trong khi những khoản chi cho lương nhân công, nguyên vật liệu, khấu hao máy móc vẫn tiếp tục phải duy trì.

Thất vọng, chán nản, mệt mỏi, gần như đã tính tới chuyện ngừng dây truyền sản xuất này, rồi lại coi đây như một bài học lớn, Đỗ Quang Hiển thể hiện tính cách đặc biệt của mình bằng việc vạch ra kế hoạch cứu bằng được những gì đã đầu tư.

Rà soát lại quy trình đầu tư, ông nhận ra có quá nhiều bất ổn. Kết hợp với những thương vụ không thành trong quá khứ, ông nghĩ, nếu chỉ làm thương mại – tức bán hàng mà không sản xuất – thì chẳng những phải chấp nhận đầu vào với giá cao mà còn luôn bị động. Đó là tiền đề cho sự ra đời của nhà máy sản xuất linh kiện, động cơ và phụ tùng xe máy đạt tỷ lệ nội địa hóa với quy mô lớn trên 90% của riêng T&T tại Hưng Yên.

Nghĩ là làm, năm 2000, nhà máy sản xuất động cơ xe máy T&T Hưng Yên ra đời với số vốn đầu tư khoảng 20 triệu USD (300 tỷ đồng). Đến năm 2003 chiếc xe máy đầu tiên mang thương hiệu Việt ra mắt thị trường, với tỷ lệ nội địa hóa đến 90% và giá rẻ bằng 1/3 sản phẩm ngoại.

Đánh trúng vào phân khúc xe máy bình dân tại các vùng quê, xe máy T&T làm đến đâu bán hết đến đó với doanh thu xuất khẩu khoảng 5 triệu USD/năm trong giai đoạn đó.

Giai đoạn đó, trung bình một năm, T&T Group tung ra thị trường khoảng 700.000 xe gắn máy, trong đó 80% tiêu thụ trong nước và 20% xuất khẩu sang thị trường châu Phi và Nam Mỹ.

Anh lý giải: “Tôi thích làm những việc người khác cho là không thể và phải đi tới cùng. Tôi nghĩ, lúc khởi sự cả vốn và kinh nghiệm của mình đều yếu mà còn làm được, huống hồ khi đã đứng vững rồi mà gục ngã thì buồn lắm. Tiền bạc mất sẽ kiếm lại được, nhưng uy tín của T&T trên thị trường thì không thể bị lu mờ”. Thế rồi, cuối cùng, Đỗ Quang Hiển một lần nữa thành công lớn với việc đầu tư sản xuất xe máy.

Ông Đỗ Quang Hiển - Nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group
Ông Đỗ Quang Hiển – Nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group

Cơ duyên đến với ngân hàng SHB

T&T của ông Hiển ngày càng làm ăn khấm khá sau giai đoạn khó khăn. Bầu Hiển nhảy vào lĩnh vực tài chính – ngân hàng năm 2007 khi ông mua lại Ngân hàng Nông thôn Nhơn Ái, có trụ sở tại Cần Thơ.

Hồi đó, bầu Hiển tình cờ gặp một người bạn làm trong lĩnh vực ngân hàng. Chính người này đã dắt tay bầu Hiển đến với ông chủ của Ngân hàng Nhơn Ái. Việc đàm phán diễn ra nhanh gọn, bầu Hiển chính thức mua lại ngân hàng này. Ông đổi tên ngân hàng này thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB), và trở thành cổ đông sáng lập đồng thời nắm cổ phần lớn nhất (14%).

Bầu Hiển chia sẻ:

Với T&T, đầu tư vào ngân hàng là xu thế tất yếu. Các tập đoàn lớn trên thế giới bao giờ cũng bắt đầu từ đầu tư vào sản xuất công nghiệp, khi tập đoàn đó lớn lên thì họ sẽ đầu tư vào ngân hàng, tài chính để sinh lời bổ trợ sản xuất, tạo nên sự lớn mạnh của tập đoàn.

Làm ngân hàng cũng phải làm có hệ thống, bao gồm tài chính, chứng khoán, bảo hiểm thì mới đứng vững và phát triển được, còn nếu anh đi theo “độc canh” ngân hàng thì rất khó thành công. Chúng tôi biết mình đi sau nhưng không chọn con đường ngắn nhất mà chọn con đường bền vững nhất.

Hiện hơn 90% doanh nghiệp của chúng ta là doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp lớn họ gắn kết với những ngân hàng lớn trong khi doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể… còn đang bỏ ngỏ.

Chúng tôi nhìn thấy điều này và xác định đó là đối tượng khách hàng của mình và điều đó cũng phù hợp với mục tiêu chúng tôi đặt ra với SHB là ngân hàng bán lẻ đa năng. Chính bởi sự lựa chọn đó, hiện nay SHB đã khẳng định được thương hiệu của mình, là ngân hàng ở tầm trung, có uy tín, có thương hiệu.

Từ một ngân hàng thành lập ngày 13/11/1993 chỉ có 400 triệu đồng vốn điều lệ và 8 nhân viên, đến nay SHB đã trở thành 1 trong 5 ngân hàng TMCP tư nhân lớn nhất Việt Nam, Top 10 Ngân hàng Thương mại cổ phần uy tín nhất Việt Nam, Top 100 ngân hàng khu vực ASEAN, Top 500 ngân hàng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Top 1.000 ngân hàng toàn cầu và là 1 trong 10 tổ chức tín dụng có tầm ảnh hưởng quan trọng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Chủ tịch ngân hàng SHB Đỗ Quang Hiển và Thống đốc ngân hàng Trung ương Lào
Chủ tịch ngân hàng SHB Đỗ Quang Hiển và Thống đốc ngân hàng Trung ương Lào

SHB có tổng tài sản đạt 401.926 tỷ đồng. Vốn điều lệ hiện nay đạt 17.558 tỷ đồng. Vốn tự có đạt 36.821 tỷ đồng. SHB đã phát triển mạnh mẽ với 8.371 cán bộ nhân viên đang làm việc tại 530 điểm giao dịch trong và ngoài nước, phục vụ hơn 5 triệu khách hàng cá nhân, doanh nghiệp và kết nối tới hơn 400 ngân hàng đại lý trên khắp các châu lục.

Ngoài SHB và T&T, ông Hiển hiện còn là Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SHS, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH); Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Hà Nội…

Bầu Hiển và đam mê với bóng đá

Ngày 18/06/2006, dưới sự tài trợ của bầu Hiển và tập đoàn T&T, câu lạc bộ bóng đá T&T Hà Nội (hiện nay là câu lạc bộ bóng đá Hà Nội) chính thức được thành lập.

Bầu Hiển cùng Chủ tịch câu lạc bộ bóng đá Barcelona Josep Maria Bartomeu (nhiệm kỳ 2014-2020)
Bầu Hiển cùng Chủ tịch câu lạc bộ bóng đá Barcelona Josep Maria Bartomeu (nhiệm kỳ 2014-2020)

Từ một đội bóng gồm đa số các cầu thủ trẻ do huấn luyện viên Triệu Quang Hà (cựu cầu thủ đội tuyển bóng đá Việt Nam và câu lạc bộ Thể Công) dẫn dắt, đội đã liên tiếp thăng ba hạng, từ hạng ba Giải bóng đá hạng ba quốc gia Việt Nam lên Giải bóng đá hạng nhì quốc gia Việt Nam cuối cùng là Giải bóng đá hạng nhất quốc gia (Việt Nam) để giành quyền thi đấu ở V-League 2009. Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội chính là đội bóng đang giữ kỉ lục 3 năm liền thăng hạng, từ hạng ba lên thi đấu ở hạng cao nhất của bóng đá Việt Nam.

Câu lạc bộ Hà Nội được coi là câu lạc bộ thành công nhất V-league với thành tích 5 lần vô địch quốc gia V-league (2010, 2013, 2016, 2018, 2019) cùng với đó là 5 lần giành ngôi á quân (2011, 2012, 2014, 2015, 2020); 2 lần vô địch Cúp Quốc gia (2019,2020) và 4 lần vô địch Siêu cúp quốc gia (2010, 2018, 2019, 2020).

Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội của bầu Hiển là câu lạc bộ thành công nhất V-league
Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội của bầu Hiển là câu lạc bộ thành công nhất V-league

Ở đấu trường châu lục, Hà Nội FC cũng từng vào tới tứ kết Cúp AFC 2014, vô địch khu vực Đông Nam Á vào đến chung kết liên khu vực (Đông Á) của Cúp AFC 2019.

Đó là chưa kể đến 2 câu lạc bộ khác là SHB Đà Nẵng và Quảng Nam nằm dưới sự ảnh hưởng của bầu Hiển. SHB Đà Nẵng từng vô địch V-league 2 lần vào các năm 2009, 2012; Câu lạc bộ bóng đá Quảng Nam vô địch V-league năm 2017.

Theo một số nguồn tin trong nước, bầu Hiển đang có tầm ảnh hưởng lớn (kiểm soát và quản lý trực tiếp hay gián tiếp) tới nhiều đội bóng hiện đang thi đấu tại Giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam V-league. Bầu Đức – Chủ tịch câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai từng tuyên bố một phát ngôn kinh điển:

“Tôi khẳng định luôn rằng TP.HCM không thể nào vô địch được V-League năm nay vì họ là một đội, làm sao đối đầu với 5 đội bóng”

“Thằng ốm đánh một thằng mập thì thằng mập làm sao mà chịu nổi. Tôi dám chắc CLB TP.HCM không thể vô địch V-League năm nay. Để rồi xem sao”

Bầu Đức từ lâu nay đã không ít lần chỉ trích thế lực của ông bầu Đỗ Quang Hiển với nhiều CLB đang làm mưa làm gió ở sân chơi quốc nội. Phát biểu nêu trên có thể ngầm hiểu rằng ông đang chỉ trích tình trạng một ông chủ quản lý nhiều đội bóng, mà đặc biệt ám chỉ bầu Hiển.

Sau khi thấy Viettel lên ngôi vô địch V-league 2020, bầu Đức tỏ ra ngưỡng mộ đội bóng thủ đô: “Viettel lên ngôi vô địch, tôi xem mà sướng ngất ngây. Theo tôi, tình trạng 5 đánh 1 vẫn còn tồn tại, không khác gì mùa giải trước. Trong bối cảnh ấy mà đội Viettel vẫn đăng quang càng làm cho tôi phục họ sát đất”.

“Không có đội nào làm được như Viettel đâu. 1 thắng được 5 đâu có dễ. Viettel đầu tư rất bài bản, rất nghiêm túc. Đặc biệt, họ chơi đàng hoàng, đá sòng phẳng, không liên minh, cũng hầu như không quan hệ với trọng tài. Đá vậy mới sướng, vậy mới là tốt cho bóng đá Việt Nam. Chứ nếu CLB Hà Nội vô địch thì mọi thứ vẫn như cũ à?!” – vẫn là lời của ông bầu giàu cá tính Đoàn Nguyên Đức.

Ông cũng thẳng thắn chia sẻ về lý do HAGL không có sự đầu tư cho đội bóng để tranh ngôi vô địch: “Tôi nói thật, HAGL mùa tới sẽ thay đổi, chắc chắn có thay đổi, nhưng vẫn không thể tranh ngôi vô địch V.League. Chúng tôi xác định đá để cho người hâm mộ sướng, nhất là cho bà con ở Pleiku, Gia Lai phấn khởi, chứ vô địch sao nổi. Lực của chúng tôi không đủ sức 1 chống 5”.

“Tính tôi trước giờ là vậy, đã đầu tư là đầu tư đến cùng, xác định vô địch được thì đầu tư lớn luôn, còn không vô địch nổi thì chơi lớn cũng vô ích. HAGL đá theo kiểu 1 chống 5 như hiện nay không nổi đâu. Mà điều tôi không làm được, HAGL không làm được, nhưng Viettel có thể làm được, nên tôi càng nể và càng phục đội Viettel” – ông Đức nói thêm.

Có nhiều nguồn tin khằng định bầu Hiển đang "sở hữu" nhiều câu lạc bộ bóng đá đang thi đấu tại V-league
Có nhiều nguồn tin khằng định bầu Hiển đang “sở hữu” nhiều câu lạc bộ bóng đá đang thi đấu tại V-league

Vợ bầu Hiển là ai?

Phía sau một bầu Hiển “nổi như cồn” với những trận thắng tưng bừng của Hà Nội FC , một ông chủ tập đoàn T&T và ngân hàng SHB  với khối tài sản khổng lồ là một người phụ nữ giỏi giang, một người bạn gắn bó từ thuở thanh mai trúc mã luôn âm thầm hy sinh, ủng hộ ông. Với bầu Hiển, gia đình là số 1, còn bóng đá là tình yêu chung…

Hậu phương vững chắc của bầu Hiển là bà Lê Thanh Hòa, cũng là bạn “thanh mai trúc mã” từ hồi còn học cấp ba ở trường Trần Phú (Hà Nội). Từ đôi bạn thân, họ nên duyên vợ chồng và nhờ đó mà có nhiều thuận lợi khi hiểu tính nết, luôn có sự chia sẻ cần thiết cũng như tôn trọng sự độc lập của nhau.

Bà Hòa từng chia sẻ: “Là bạn, hiểu tính nhau, nên khi thành duyên, trong gia đình tôi luôn có sự chia sẻ, nhưng cũng rất tôn trọng sự độc lập của nhau. Mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng để có hạnh phúc bền vững, không gì bằng phải luôn biết tôn trọng, và quan trọng hơn cả, là biết nhường nhịn”.

Là người giỏi giang, bà Hòa đủ sức gánh vác lĩnh vực tài chính cho chồng nhưng bà lại chọn cách “không liên quan” tới SHB. Không chỉ “trắng tay” tại SHB, bà Hòa còn không “làm thuê” cho chồng. Hiện bà đang là Trưởng phòng Kế toán của Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật, Bộ Công an.

Công việc của bà ở cơ quan khá bận rộn trong khi gánh nặng chăm sóc gia đình lại dồn cả lên vai nên nhiều lúc bà cũng gặp áp lực. Thế nhưng, nhờ tài sắp xếp hợp lý nên mọi thứ dần cũng ổn dưới bàn tay bà Hòa. Bầu Hiển vì thế có thể tập trung hoàn toàn vào công việc kinh doanh.

“Trong mắt ba, mẹ vừa là người vợ, vừa là người bạn tri kỷ từ khi cùng học chung lớp thời cấp 3. Ba tôi luôn hiểu được mẹ đã phải nhẫn nhịn, bàu đựng thiệt thòi trong cuộc sống, luôn ủng hộ mình để có được ngày hôm nay, thế nên ba rất trân trọng mẹ. Ba tôi còn cảm ơn mẹ vì đã mang tới cho ông hai cậu con trai, là tài sản quý giá nhất”, Đỗ Quang Vinh – con trai cả bầu Hiển tự hào kể về tình yêu của ba mẹ.

Là chủ của nhiều công ty lớn nhỏ nên công việc của bầu Hiển chẳng cần nói cũng biết là vô cùng bận rộn. Thế nên, trong gia đình nhỏ ấy, bà Hòa đã phải đứng ra thay chồng chăm lo con cái từ đưa đón cho tới việc dạy dỗ hằng ngày.

Ngay cả bây giờ, khi các con đã lớn và trưởng thành, mỗi lần con đi công tác xa, bà Hòa vẫn gọi điện hàng ngày để hỏi thăm chia sẻ động viên cũng như nắm bắt tâm lý.

Trong mắt Đỗ Quang Vinh, bà Hòa là người phụ nữ rất truyền thống. Vinh bảo: “Có những điều ở mẹ tôi mà thời buổi hiện tại sẽ rất khó tìm thấy. Vì ba bận kinh doanh nơi thương trường nên từ nhỏ hai anh em chúng tôi đã được mẹ chăm sóc và dạy dỗ từng chút một, thế nên, với chúng tôi mà nói, mẹ là người yêu lớn nhất cuộc đời”.

Nhiều người có thể hào hứng kể về tình yêu thời tuổi trẻ nhưng để bước vào ngưỡng tuổi ngũ tuần mà vẫn có thể yêu như thuở ban đầu thì có lẽ là của hiếm. Và vợ chồng bầu Hiển nằm trong số của hiếm ấy.

Ngày 08/03/2017, đúng ngày Quốc tế Phụ nữ, ông chủ quyền lực ngành tài chính ngân hàng Việt Nam chẳng ngại ngần mà dành cho vợ mình, bà Lê Thanh Hòa một cái ôm thật chặt và “chốt” bằng nụ hôn không thể ngọt ngào hơn.

Chủ tịch Đỗ Quang Hiển và phu nhân Lê Thanh Hòa trao nụ hôn nồng cháy cho nhau
Chủ tịch Đỗ Quang Hiển và phu nhân Lê Thanh Hòa trao nụ hôn nồng cháy cho nhau

Thú vị hơn nữa là bức ảnh này lại được chính Đỗ Quang Vinh chia sẻ, kèm theo lời nhắn gửi: “Niềm hạnh phúc lớn nhất không phải là có thật nhiều tiền mà đơn giản chỉ là thương yêu và ở bên nhau trọn đời…”.

Chuẩn bị cho người kế nghiệp…

Được biết hai vợ chồng bầu Hiển và bà Lê Thanh Hòa sinh được hai con trai vô cùng tài năng, ngoan ngoãn. Như vợ chồng bầu Hiển tâm niệm “làm gì thì làm, mục tiêu đầu tiên là phải chăm lo cho các con học hành đến nơi đến chốn”.

Vợ chồng bầu Hiển cùng hai người con trai là Đỗ Quang Vinh và Đỗ Vinh Quang
Vợ chồng bầu Hiển cùng hai người con trai là Đỗ Quang Vinh và Đỗ Vinh Quang

Con trai đầu Đỗ Quang Vinh sinh năm 1989, từng có 3 năm học trung học ở Singapore, 4 năm học đại học rồi thạc sĩ tại Anh hiện là Chủ tịch Hội đồng thành viên SHB Finance nhiệm kỳ 2016 – 2021 (Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà nội là công ty con của ngân hàng SHB).

Còn con thứ hai Đỗ Vinh Quang sinh ngày 04/02/1995 cũng có cùng chí hướng khi theo học tại ngôi trường của anh trai hiện là Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội, trở thành vị Chủ tịch CLB trẻ nhất trong lịch sử bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Con trai đầu Đỗ Quang Vinh – Chủ tịch công ty tài chính SHB Finance

Đại thiếu gia Đỗ Quang Vinh sinh năm 1989 – con trai cả của bầu Hiển tự lập từ khi còn rất nhỏ. Theo đó năm 15 tuổi, vị thiếu gia quyết định đi du học sau một lần sang Singapore du lịch cùng gia đình. Chuyến du lịch diễn ra vào tháng 6 thì tháng 8 anh đi du học luôn chỉ vì thích học tiếng Anh.

Anh bảo trước đó hầu như không có sự chuẩn bị gì và thực sự 2 tháng đầu tiên đến Singapore phải “bơi” trong môi trường mới. “Ở đó, có lúc tôi thấy tủi thân, thậm chí ” nhục nhã” vì không thể giao tiếp, cũng không có bạn. Nhưng tôi lại giấu bố mẹ những chuyện này. Cho đến một buổi tối ngồi nói chuyện trước webcam với bố mẹ, cả nhà cùng khóc. Tôi xin bố mẹ cho quay về Việt Nam. Mẹ tôi thương con, xót con nên mềm lòng nhưng bố lại động viên con cố gắng thêm một thời gian nữa. May mắn là sau đó tôi cũng bắt nhịp được với cuộc sống mới”, thiếu gia Hà thành kể.

Sau đó Đỗ Quang Vinh theo học ngành tài chính, ngân hàng tại Đại học Middlesex (Anh) rồi làm việc cho Hana Bank (Hàn Quốc). Sau đó ông Đỗ Quang Vinh tốt nghiệp Thạc sỹ chuyên ngành Tài chính và Quản trị tại University of East Anglia, Vương quốc Anh.

Ông Đỗ Quang Vinh cùng gia đình và hai con của ông
Ông Đỗ Quang Vinh cùng gia đình và hai con của ông

Vì thế anh được tin là sẽ sớm có một vị trí quan trọng ở SHB. Thế nhưng, anh chàng “sinh ra đã ở vạch đích” khiến nhiều người ngạc nhiên khi bất ngờ sang Mỹ để bắt đầu từ con số 0 trong lĩnh vực bất động sản và thủy sản. Anh được bầu Hiển tin cậy giao đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Tập đoàn T&T Mỹ. Anh từng tiết lộ công việc hàng ngày tại công ty là đi gặp khách hàng để kết nối các thương vụ xuất nhập khẩu thủy sản cho công ty, đồng thời tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các dự án bất động sản tiềm năng tại Mỹ.

Công ty T&T ở Mỹ được thành lập vào tháng 7/2014, sau khi nhận được giấy chứng nhận đầu tư 25 triệu USD từ Chính phủ Việt Nam. Công ty này dự kiến kinh doanh trên ba mảng chính là xuất nhập khẩu, bất động sản và tài chính.

Áp lực từ những công việc này rất khác so với thời điểm Vinh còn là nhân viên. Anh đã phải mất 2 năm đầu tiên để làm quen thị trường, kết nối với các đối tác. Phải sang đến năm thứ 3, Công ty mới chính thức đầu tư một dự án bất động sản đầu tiên, Vinh cho biết.

Đỗ Quang Vinh chia sẻ, thị trường bất động sản California – nơi anh làm việc và cũng là nơi nhiều người Việt sinh sống phát triển khá nóng, vì vậy, không dễ để tìm được phân khúc phù hợp. Tuy nhiên, sau một thời gian tìm hiểu và phân tích thị trường, Vinh chọn cho mình 2 phân khúc, đó là nhà sửa bán lại và biệt thự.

Dự án biệt thự cần đầu tư lớn và mất nhiều thời gian. Anh đã tìm được cho mình một số dự án và xếp chúng vào dài hạn. Còn trong ngắn hạn, anh mua lại một số ngôi nhà cũ qua đấu thầu, sửa lại rồi rao bán. Lĩnh vực này không mất nhiều thời gian nên sớm cho kết quả.

T&T Hoa Kỳ hiện có 2 dự án khá nổi bật, một dự án nằm trên đại lộ Hollywood thuộc thành phố Los Angeles. Một dự án thương mại khác với 25 cửa hàng cho thuê ở quận Cam, nơi tập trung đông người gốc Việt sinh sống nhất nước Mỹ. Đó cũng là một trong những tòa nhà lớn và đẹp nhất khu Little Saigon.

Hiện tại, Vinh đã quay trở về Việt Nam làm việc tại SHB; những sự kiện mới đây anh xuất hiện ở vị trí Phó giám đốc Khối bán lẻ, trực tiếp làm việc với các đối tác và phụ trách khối… Ngày 08/01/2021, ông Đỗ Quang Vinh được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên SHB Finance.

Ông Đỗ Quang Vinh được bổ nhiệm làm Chủ tịch công ty tài chính ngân hàng SHB (SHB Finance)
Ông Đỗ Quang Vinh được bổ nhiệm làm Chủ tịch công ty tài chính ngân hàng SHB (SHB Finance)

Thời điểm mới công khai xuất hiện, Đỗ Quang Vinh khiến nhiều người bất ngờ khi tiết lộ “không đi siêu xe, không dùng đồ hiệu, khoái dùng xe máy, mua hàng giảm giá và ăn quán vỉa hè”. Anh từng chia sẻ: “Bố mẹ tôi không có thói quen vung tiền cho con. Khi còn đi học, tôi tiêu tiền trong thẻ tín dụng như thế nào thì bố mẹ đều biết vì vậy mà mọi khoản mình đều được kiểm soát. Ngay cả khi đã đi học thạc sĩ rồi, muốn mua cái quần cái áo nào tôi cũng gọi điện về xin, nhân tiện hỏi xem có đẹp không…

Học xong, về Việt Nam, trên người tôi toàn là đồ giảm giá. Hồi đó cứ đến mùa sale tôi mua nhiều lắm, có khi cả bộ trên người giá chưa đến 2 triệu đồng. Vì thế người ta mới gọi Đỗ Quang Vinh là thiếu gia nghìn tỷ đi xe máy, mặc đồ sale, ăn quán vỉa hè. Đi học nước ngoài, tôi cũng đi làm thêm trong nhà hàng, 2 buổi tối một tuần, kiếm được 60 USD mỗi buổi. Làm phục vụ bàn, tôi còn lóng ngóng đổ cả bia lên người khách. Công việc đó sau này cũng được tôi ghi vào CV đi xin việc”.

Đặc biệt, kể từ sau khi được làm bố, Đỗ Quang Vinh thường xuyên khoe ảnh hai thiên thần sinh đôi một trai, một gái – của mình. Anh không giấu diếm chuyện anh là một ông bố đơn thân hạnh phúc, hết lòng vì gia đình. Đầu năm 2020 anh còn “khoe” chiếc siêu xe Lamborghini Urus đắt tiền. Đây chính là chiếc xe được thiếu gia nhà bầu Hiển sử dụng khi sinh sống tại Mỹ.

Ông Đỗ Quang Vinh hiện là bố đơn thân với cặp sinh đôi 1 trai và 1 gái
Ông Đỗ Quang Vinh hiện là bố đơn thân với cặp sinh đôi 1 trai và 1 gái

Con trai thứ Đỗ Vinh Quang – Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội

Nhị thiếu gia Đỗ Vinh Quang sinh ngày 04/02/1995, như người anh của mình cũng theo học Đại học Middlesex (Anh). Đỗ Vinh Quang cũng là người đặc biệt yêu thích bóng đá. Chính anh là người có công lớn trong thương vụ đàm phán đưa Man City sang Việt Nam đá giao hữu hồi tháng 7/2015. Cuối tháng 1/2020, Vinh Quang được bổ nhiệm giữ vai trò Chủ tịch CLB Hà Nội và trở thành vị Chủ tịch CLB trẻ nhất trong lịch sử bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Chủ tịch câu lạc bộ bóng đá Hà Nội cùng bạn gái trong một lần dự khán trận đấu của Hà Nội FC
Chủ tịch câu lạc bộ bóng đá Hà Nội cùng bạn gái trong một lần dự khán trận đấu của Hà Nội FC

Dù còn rất trẻ nhưng ông Đỗ Vinh Quang được đánh giá là cán bộ có năng lực, nhiệt huyết, quyết liệt và luôn thích đổi mới. Trong sự thay đổi theo mô hình chuyên nghiệp của Hà Nội FC thời gian gần đây luôn có những đóng góp âm thầm của vị chủ tịch trẻ tuổi này.

Đỗ Vinh Quang và cha mình là bầu Hiển cạnh chiếc Cúp vô địch AFF 2019
Đỗ Vinh Quang và cha mình là bầu Hiển cạnh chiếc Cúp vô địch AFF 2019

Hiện tại Đỗ Vinh Quang đang sở hữu 52.378.100 cổ phiếu SHB tương đương với 2,98% cổ phần ngân hàng SHB ( cao hơn cả số cổ phần cá nhân của bầu Hiển là 2,74%). Tính theo giá 17.000 đồng/cổ phiếu thì lượng cổ phiếu mà Đỗ Vinh Quang đang sở hữu có giá trị 890 tỷ đồng, một con số rất lớn.

Đỗ Vinh Quang cùng phái đoàn tham dự hội nghị với câu lạc bộ bóng đá Barcelona
Đỗ Vinh Quang cùng phái đoàn tham dự hội nghị với câu lạc bộ bóng đá Barcelona

Tài sản bầu Hiển là bao nhiêu?

Chủ tịch Đỗ Quang Hiển thực sự là một đại gia cực kỳ giàu có, tập đoàn T&T của gia đình ông thuộc Top tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất Việt Nam với vốn 15.000 tỷ đồng. Ngân hàng SHB do ông làm chủ tịch hiện có vốn điều lệ hiện nay đạt 17.558 tỷ đồng thuộc Top 5 ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Hiện tại, bầu Hiển đang sở hữu trực tiếp 48.147.620 cổ phiếu SHB (tương đương 2,74% cổ phần ngân hàng SHB), lượng cổ phiếu này có giá trị hơn 800 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến lượng cổ phiếu sở hữu gián tiếp thông qua CTCP Tập đoàn T&T và CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội.

  • Tập đoàn T&T sở hữu 175.046.110 cổ phiếu (tương đương 9,97% cổ phần), có giá trị 2.975 tỷ đồng
  • CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội sở hữu 27.118.106 cổ phiếu (tương đương 1,54% cổ phần), có giá trị 460 tỷ đồng.

Ngoài ra bầu Hiển còn đang sở hữu và chi phối nhiều công ty khác, nên tính ra số lượng tài sản bầu Hiển đang nắm giữ là một con số khổng lồ, nếu trong tương lai không xa bầu Hiển có tên trong danh sách tỷ phú usd thế giới của tạp chí Forbes thì đó không phải là điều bất ngờ.

Tiểu sử bầu Hiển

  • Họ tên: Đỗ Quang Hiển
  • Sinh ngày: 29/10/1962
  • Nơi sinh: Hà Nội
  • Số CMND: 010142347
  • Địa chỉ: Số 61 Hai Bà Trưng, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội
  • Trình độ: Kỹ sư vật lý vô tuyến – Đại học Tổng Hợp Hà Nội
  • Gia đình:
    • Cha: Đỗ Đăng Thành
    • Mẹ: Lê Thị Thanh
    • Vợ: Lê Thanh Hòa
    • Con trai: Đỗ Quang Vinh; Đỗ Vinh Quang
    • Chị, em gái: Đỗ Thị Thu Hà, Đỗ Thị Minh Nguyệt

Quá trình công tác

  • Từ 1984 – 1987: Kỹ sư, XN sửa chữa máy thu hình – Đài phát thanh Hà Nội.
  • Từ 1987 – 1988: Kỹ sư, Công ty điện tử Hà Nội (Hanel)
  • Từ 1988 – 1993: Kỹ sư vật lý, Viện nghiên cứu Công nghệ quốc gia
  • Từ 1993 – nay: Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn T&T.
  • Từ 2005 – 04/2008: Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB)
  • Từ 04/2008 – nay: Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB)
  • Từ 10/2012 – 05/2015: Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Bình An
  • Từ 2008 – nay: Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý Quỹ Sài Gòn – Hà Nội (SHF)
  • Từ 12/2012 – nay: Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH)
  • Từ 2007 – nay: Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn– Hà Nội (SHS)

Các chức vụ đang nắm giữ

  • Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn T&T
  • Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB)
  • Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý Quỹ Sài Gòn – Hà Nội (SHF)
  • Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH)
  • Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn– Hà Nội (SHS)
  • Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Tp. Hà Nội
  • Uỷ viên UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 

5/5 - (7 bình chọn)

Đăng ký
Nhận thông báo
guest

0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận
DMCA.com Protection Status
error: Bản quyền thuộc Adautu.com