Đại gia Nguyễn Cảnh Sơn – Chủ tịch Eurowindow là ai?

Ông Nguyễn Cảnh Sơn là một doanh nhân người Việt Nam sinh ngày 10/04/1967 tại Thanh Chương, Nghệ An. Ông hiện là nhà sáng lập, Chủ tịch CTCP Eurowindow, Phó chủ tịch ngân hàng Techcombank.

Mặc dù là Phó Chủ tịch của nhà băng lớn bậc nhất trong nhóm thương mại cổ phần Việt Nam – Techcombank – nhưng thị trường ghi nhớ đến vị doanh nhân sinh năm 1967, gốc Thanh Chương (Nghệ An) này với cái tên ngắn gọn “Sơn Eurowindow”– gắn với thương hiệu cửa nhựa lõi thép nổi danh của tập đoàn ông: Tập đoàn Eurowindow.

Nguyễn Cảnh Sơn - Nhà sáng lập, Chủ tịch tập đoàn Eurowindow
Nguyễn Cảnh Sơn – Nhà sáng lập, Chủ tịch tập đoàn Eurowindow

Nguyễn Cảnh Sơn & gia thế hiển hách 600 năm

Ông Nguyễn Cảnh Sơn sinh ra tại huyện Thanh Chương, Nghệ An trong gia tộc Nguyễn Cảnh, dòng họ có gia thế hơn 600 năm lịch sử. Từ thời đại Hậu Trần đến thời hiện đại, “gen” văn võ song toàn vẫn được những người con của dòng họ Nguyễn Cảnh tiếp nối.

Với lịch sử hơn 600 năm, không ngoa khi nói đây là một trong những đại diện tiêu biểu nhất cho truyền thống cha truyền con nối, văn võ song toàn của dân tộc. Thậm chí, Viện sử học Việt Nam còn tổ chức riêng hội thảo để tìm hiểu, đánh giá văn hóa – lịch sử và những đóng góp của dòng họ Nguyễn Cảnh đối với đất nước.

Kể từ khi thủy tổ của dòng họ Nguyễn Cảnh rời vùng đất Đông Triều, trấn Hải Dương (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh) về vũng đất Hoan Diễn (Nghệ An) đến nay đã hơn 600 năm, 25 đời con cháu đã chung sức gây dựng cơ nghiệp trở thành một dòng họ lớn có nhiều danh tướng, danh nhân, nhà văn hóa, lương y…

Tiền nhân là danh tướng, tiến sĩ khoa bảng…

Ngược dòng lịch sử về thời Hậu Trần, danh tướng Nguyễn Cảnh Chân (1355 – 1409) chính là thủy tổ của dòng họ, người đã có công cùng Đặng Tất đại phá chống quân Minh xâm lược vào ngày 30 tháng 12 năm 1408. Con Cảnh Chân là danh tướng Cảnh Dị (? – 1414) cũng đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến sau đó.

Đến thời Lê Trung Hưng, 4 thế hệ “ông, cha, con, cháu, chắt” của dòng họ Nguyễn Cảnh nối tiếp nhau làm tướng, có công lớn trong sự nghiệp trung hưng của nhà Lê, tiêu biểu như Nguyễn Cảnh Hoan, Nguyễn Cảnh Kiên, Nguyễn Cảnh Hà, Nguyễn Cảnh Quế.

Hai người con khác cũng được ghi danh tiến sĩ tại Văn Miếu Quốc Tử giám là Nguyễn Cảnh Diễn, Nguyễn Cảnh Quýnh của triều Lê.

Hậu bối làm “quan” cấp bộ và CEO doanh nghiệp lớn

Thời đại mới, những người con đời tiếp theo của dòng họ Nguyễn Cảnh lại nắm giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước.

Ông Nguyễn Cảnh Dinh (1934) từng là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa 5,6,7,8; Đại biểu Quốc hội các Khóa 7,8,9,10. Ông cũng cũng là Bộ trưởng Bộ Thủy lợi, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng chủ tịch nước.

Một nhân vật khác lại thành danh trong lĩnh vực giáo dục, Giáo sư Toán học Nguyễn Cảnh Toàn (1926 – 2017). Ông là cựu học sinh Quốc học Huế, tốt nghiệp tú tài Toán năm 1944 và thi đỗ Đại học Khoa học ở Hà Nội để học chứng chỉ Toán đại cương.

Ông Nguyễn Cảnh Toàn từng làm Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội, Thứ trưởng Giáo dục Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Toán học Việt Nam và Tổng biên tập tạp chí Toán học và Tuổi trẻ hơn 40 năm. Đặc biệt, Trung tâm tiểu sử danh nhân Mỹ còn tôn vinh vị giáo sư quá cố là một trong những trí tuệ lớn nhất của thế kỷ XX.

Thời hiện đại, con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh cũng không làm ông cha và chúng ta thất vọng. Thậm chí, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi họ đều là những doanh nhân có tiếng tăm, làm chủ các doanh nghiệp lớn, tiêu biểu như tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO VietJet Air; CEO Alpha Books – Nguyễn Cảnh Bình; bộ đôi Ông chủ Eurowindow – Anh em Nguyễn Cảnh Sơn, Nguyễn Cảnh Hồng. Ông Nguyễn Cảnh Sơn đồng thời cũng là Phó Chủ tịch ngân hàng Techcombank.

Sơn Eurowindow khởi nghiệp như thế nào?

Cũng như bao thanh niên khác sinh ra trong thời kỳ này, ông Nguyễn Cảnh Sơn đến Liên Xô vào thời kỳ Liên Xô sắp tan rã. Tháng 09/1990 ông học Kinh doanh tại thủ đô Mátxcơva. Sau khi ra trường 09/1994, ông Nguyễn Cảnh Sơn khởi nghiệp tại Liên bang Nga với việc thành lập công ty T&M Trans.

T&M Trans có trụ sở tại các nước CHLB Đức, Nga, Trung Quốc và một số nước khác trên thế giới. Tập đoàn T&M Trans có mặt tại Việt Nam từ tháng 10-1999 do ông Nguyễn Cảnh Sơn làm Chủ tịch.

Những năm đầu của thập niên 2000, tại Việt Nam chưa có khái niệm về cửa nhựa lõi thép mà người dân chủ yếu sử dụng cửa gỗ truyền thống hay cửa nhôm. Nhìn thấy khoảng trống thị trường, một doanh nhân trở về từ Đông Âu, ông Nguyễn Cảnh Sơn đã thành lập công ty Eurowindow để cung cấp giải pháp tổng thể về cửa tại thị trường Việt Nam.

Tới năm 2007, cùng với việc nhận đầu tư từ quỹ Private Equity New Markets (PENM), hoạt động kinh doanh cửa của Eurowindow được vận hành với tên Công ty cổ phần Eurowindow.

Trụ sở tập đoàn Eurowindow tại Hà Nội
Trụ sở tập đoàn Eurowindow tại Hà Nội

Trong những năm đầu, Eurowindow phải đầu tư lớn cho việc quảng bá, giới thiệu về công năng và chất lượng sản phẩm cửa nhựa uPVC. Đây là sản phẩm mới lại có giá thành cao, nên thời gian đầu cửa Eurowindow dùng để phục vụ cho các dự án thuộc Eurowindow Holding – tập đoàn mẹ quản lý các tài sản đầu tư của ông Nguyễn Cảnh Sơn tại Việt Nam. Năm 2003, Eurowindow chỉ có doanh thu khiêm tốn khoảng 20 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, đóng vai trò là người ‘educate’ thị trường, Eurowindow được hưởng lợi lớn khi thị trường bùng nổ và cửa nhựa lõi thép trở thành sản phẩm phổ biến. Năm 2008, công ty cho biết, doanh thu của Eurowindow đã đạt 475 tỷ đồng.

Sau 15 năm hoạt động, Eurowindow chiếm thị phần lớn về sản phẩm cửa tại thị trường trong nước. Công ty cung cấp cửa nhôm, vách nhôm kính lớn, cửa gỗ, cửa nhôm gỗ, cửa gỗ chống cháy, cửa cuốn, cửa tự động, cửa thủy lực, các sản phẩm kính…

Eurowindow đã có hệ thống phân phối trên toàn quốc với 5 nhà máy và 40 showroom. Hoạt động càng thuận lợi khi Eurowindow trở thành đơn vị cung cấp cửa, kính cho hàng loạt các tòa nhà của Chính phủ như tòa nhà Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ…

Năm 2019, doanh thu đạt 3.626 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2018. Trong đó, nguồn thu từ hoạt động bán hàng tăng 26%, chiếm tỷ lệ 75% cơ cấu. Eurowindow cung cấp nhiều dòng sản phẩm cửa như cửa nhôm, cửa gỗ, cửa gỗ chống cháy, cửa cuốn, cửa tự động… và các sản phẩm kính.

Ngoài ra, hoạt động kinh doanh, môi giới và cho thuê bất động sản mang về 650 tỷ đồng, tăng nhẹ 6%. Công ty đang vận hành nhiều trung tâm thương mại, khu căn hộ cao cấp, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu đô thị, tòa nhà văn phòng… trên toàn quốc. Lợi nhuận sau thuế tăng chậm hơn doanh thu (6%), đạt 430 tỷ đồng do doanh thu tài chính giảm 50% và chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng.

Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản ghi nhận 14.816 tỷ đồng, tăng 9%. Trong đó khoản phải thu ngắn hạn chiếm tới 40%. Hàng tồn kho cũng là một khoản lớn trong cơ cấu tài sản công ty (3.037 tỷ đồng), tăng 41% so với đầu kỳ. Nợ vay tài chính gần 3.000 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản ngắn hạn.

Ngày 08/01/2021 vừa qua, Eurowindow tiếp tục được vinh danh trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam tại Lễ công bố Bảng xếp hạng VNR 500 – Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2020 do Vietnam Report phối hợp với báo VietnamNet tổ chức. Cùng với đó, Eurowindow cũng là một trong 10 doanh nghiệp có thứ hạng cao nhất ngành sản xuất, kinh doanh sản phẩm từ nhựa.

Chia sẻ của Tổng Giám đốc Eurowindow Nguyễn Cảnh Hồng

Tổng giám đốc Eurowindow Nguyễn Cảnh Hồng (em trai ông Nguyễn Cảnh Sơn – Sơn Eurowindow) chia sẻ về quá trình khởi nghiệp.

Đến giờ nhiều người đã biết đến sự thành công của những thương hiệu này, nhưng ít ai biết chủ đầu tư – Tập đoàn T&M Trans và Tổng Giám đốc Nguyễn Cảnh Hồng đã bạo gan thế nào để làm được điều đó.

Anh em ông chủ Eurowindow chủ tịch Nguyễn Cảnh Sơn - Tổng Giám đốc Nguyễn Cảnh Hồng
Anh em ông chủ Eurowindow chủ tịch Nguyễn Cảnh Sơn – Tổng Giám đốc Nguyễn Cảnh Hồng

“Chúng tôi đã chọn cách đi khác. Lúc đó nhiều người thường chọn cách đi an toàn, lao vào những lĩnh vực đã có thị trường, nhưng anh trai tôi (ông Nguyễn Cảnh Sơn, Chủ tịch HĐQT tập đoàn T&M Trans có trụ sở chính tại LB Nga) và tôi thì lại khác. Chúng tôi chủ động tìm hiểu dự đoán nhu cầu của thị trường và chọn sản phẩm cửa sổ nhựa châu Âu để đưa vào thị trường Việt Nam”.

Sản phẩm này được ưa chuộng ở châu Âu và nhiều nước châu Á, vậy thì lý nào lại không thành công ở Việt Nam, một nước đang có tốc độ phát triển nhanh, vững chắc, đời sống người dân đang dần được nâng cao. Có niềm tin như vậy, với sự hỗ trợ đầu tư từ người anh trai, doanh nhân Nguyễn Cảnh Hồng liền bắt tay vào việc.

“Cái khó là chúng tôi phải tạo ra thị trường, vì lúc đó thị trường sản phẩm cửa nhựa gần như là con số “0”. Người ta bảo gỗ đầy ra đấy, ai dùng cửa nhựa nhà ông” – Tổng Giám đốc Nguyễn Cảnh Hồng nhớ lại.

Nhiều người đã bảo anh em nhà ông Cảnh Sơn, Cảnh Hồng quá mạo hiểm với một sản phẩm cửa nhựa mang cái tên Eurowindow mới toanh mà thị trường chưa phát sinh nhu cầu, mạo hiểm với một đại siêu thị Mê Linh PLAZA đặt ở nơi “xa xôi” giáp ranh Hà Nội với Vĩnh Phúc… 90% khách hàng tiềm năng của họ khi được khảo sát ý kiến đã lắc đầu cho rằng sẽ không thành công, không khả thi.

Vậy mà cái bị đa số cho là điên rồ, không khả thi ấy chỉ sau một thời gian ngắn đã phát triển nhanh đến không ngờ. Bằng chất lượng, bằng quảng bá, tiếp thị kiên trì, chuyên nghiệp, doanh nghiệp đã đưa người dân Việt Nam đến với phong cách tiêu dùng mới.

Thực tế đã và đang chứng minh họ đúng, họ biết làm. Sản phẩm cửa nhựa Eurowindow chỉ sau 1 năm ra mắt đã được chọn trao giải Sao vàng Đất Việt đầu tiên vào năm 2004, doanh số liên tục tăng 60-70%/năm, năm 2007 dự kiến tăng 100%, đạt doanh thu trên 300 tỉ đồng.

Đến nay, ở Việt Nam đã có khoảng ba chục đơn vị sản xuất cửa nhựa cùng chia thị phần với Eurowindow, thu hẹp thị phần của cửa gỗ. “Chúng tôi mừng vì đã góp phần lớn để tạo ra được thị trường, mừng vì người dân được lựa chọn sản phẩm tốt, hưởng giá cả cạnh tranh, còn đơn vị nào uy tín, chất lượng thì sẽ tồn tại” – doanh nhân Nguyễn Cảnh Hồng tự tin. Chất lượng, uy tín và sự chuyên nghiệp là tiêu chí mấu chốt để những Eurowindow, Mê Linh PLAZA hay bất kỳ thương hiệu nào có thể đứng vững.

Dịch chuyển vốn xuyên quốc gia

Anh em ông Nguyễn Cảnh Sơn và Nguyễn Cảnh Hồng đầu tư rất nhiều tại Việt Nam. Ngoài Eurowindow, Melinh Plaza, Eurowindow Holding còn nắm vốn lớn tại nhiều DN khác như T&M, EuroFinance, Vicentra, Decotech, HICC1.

Eurowindow Holding được biết đến là doanh nghiệp thông qua các công ty thành viên đầu tư vào BĐS, trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng, vực xây dựng công trình công nghiệp, dân dụng, đường xá, cầu cống,… tại nhiều tình thành trên cả nước.

Thành lập đầu năm 2007, Eurowindow Holding có nhiệm vụ quản lý phần vốn được đầu tư chủ yếu tại Việt Nam, với các dự án nổi bật như: Tổ hợp đa chức năng Eurowindow Multicomplex (Trần Duy Hưng, Hà Nội), Khu đô thị mới Nghĩa Đô (Tây Hồ, Hà Nội), Melinh Plaza, Melinh Plaza Hà Đông, Melinh Plaza Thanh Hóa, Trung tâm thương mại, Căn hộ cao cấp và Nhà phố VICENTRA (Vinh, Nghệ An), Khu nhà vườn sinh thái Đồng Quang (Quốc Oai, Hà Nội), Làng châu Âu và TTTM Quốc Oai (Hà Nội), Khu du lịch sinh thái biển Hòn Ngang – Bãi Cát Thấm (Khánh Hòa), Khu khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp Ocean Window Spa & Resort (Khánh Hòa),…

Tổ hợp đa chức năng Incentra “Hà Nội – Mátxcơva” tại Mátxcơva
Tổ hợp đa chức năng Incentra “Hà Nội – Mátxcơva” tại Mátxcơva

Quyết định đầu tư 240 triệu usd vào Incentra tại Moscow (khánh thành 2013) là một bước trở lại thị trường Nga của ông Sơn, được xem là cầu nối thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp EAEU (gồm Nga, Belarus, Kazastan, Armenia và Kirgizya). Incentra được xem như một chợ đầu mối cho hàng Việt ở Moscow, từ đó bành trướng ra cả thị trường Nga và các nước lân cận. Nó đánh dấu một bước tiền mới trong quá trình dịch chuyển vốn xuyên quốc gia của doanh nhân này khi mà doanh nghiệp Việt đang năng động thâm nhập vào các thị trường khu vực này và Nga đang chuyển hướng về phương Đông. Việc đầu tư vào Incentra được xem khá đúng lúc, vừa có lợi cho EWH vừa cho các DN Việt.

Từ Sơn Eurowindow thành Sơn Techcombank

Ông Nguyễn Cảnh Sơn mặc dù không có xuất phát điểm từ ngân hàng, ông là kỹ sư xây dựng. Ông Nguyễn Cảnh Sơn phát triển sự nghiệp theo ngành liên quan đến bằng cấp của mình. Đó là xây dựng thương hiệu EuroWindow.

Dù là sếp lớn của hàng loạt công ty như Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Tổ hợp Thương mại Melinh Plaza Thanh Hóa, Công ty CP Đầu tư Trung tâm Thương mại Hà Nội – Mátxcơva (Incentra), Tập đoàn T&M Trans… thì tên tuổi ông Sơn vẫn gắn liền với Eurowindow.

Mặc dù có trong tay hàng loạt doanh nghiệp lớn và không được đào tạo về ngân hàng nhưng ông Sơn Eurowindow vẫn rất mặn mà với ngành này. Vì vậy, ông Sơn chọn Techcombank làm điểm đến cho bước dấn thân mới của mình. Tháng 9/2009, ông Sơn trở thành Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank.

Phó chủ tịch Nguyễn Cảnh Sơn và Chủ tịch Hồ Hùng Anh
Phó chủ tịch Nguyễn Cảnh Sơn và Chủ tịch Hồ Hùng Anh

Không phải vô cớ ông Nguyễn Cảnh Sơn đặt chân được vào Techcombank, trở thành đại gia ngân hàng khi bản thân ông và các công ty của ông là Eurowindow đầu tư vào Techcombank. Sau nhiều lần thay đổi tỷ lệ sở hữu, Eurowindow Holding chỉ sở hữu 0,0331% vốn.

Con số ở thời điểm hiện tại không nói lên nhiều vai trò của Eurowindow Holding tại Techcombank. Trước đây, Eurowindow Holding là cổ đông lớn của Techcombank. Trước khi TCB chào sàn chứng khoán, công ty riêng của ông Nguyễn Cảnh Sơn mới giảm tỷ lệ từ 2,8% xuống 0,03% sau khi bán 32,3 triệu cổ phiếu TCB.

Sau khi Eurowindow Holding thoái gần hết vốn tại Techcombank, các công ty của Sơn Eurowindow vẫn duy trì quan hệ với ngân hàng này. Công ty CP Eurofinance, Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Công nghệ cao và bản thân Eurowindow Holding vẫn đang sở hữu 46.014, 125.290 và 386.445 cổ phiếu TCB.

Các doanh nghiệp cũng nhận được lợi ích từ Techcombank. Techcombank đang là ngân hàng độc quyền tham gia hỗ trợ vay vốn cho dự án nhà ở xã hội Eurowindow River Park và còn là ngân hàng bảo lãnh cho dự án này. Công ty TNHH Thăng Long thuộc Eurowindow Holding là chủ đầu tư dự án Eurowindow River Park.

Techcombank cũng trực tiếp cho Eurowindow vay vốn. Tùy từng thời điểm, khoản vay có biến động khác nhau. Cuối quý 3/2016, Eurowindow vay 348 tỷ đồng từ Techcombank, tăng mạnh so với con số 171 tỷ đồng hồi cuối năm 2015.

Đầu tháng 05/2018, gia đình ông Nguyễn Cảnh Sơn cũng “vét” cổ phiếu TCB. Trong tháng 5, bà Nguyễn Phương Hoa, vợ ông Nguyễn Cảnh Sơn đăng ký chuyển nhượng 15 triệu cổ phiếu TCB. Trước đó, ngày 19/4, bà Hoa đã nhận chuyển nhượng 15 triệu cổ phiếu TCB thông qua giao dịch thỏa thuận.

Việc mua bán cổ phiếu TCB liên tục diễn ra. Tới đầu tháng 5, bà Nguyễn Phương Hoa đã nhận chuyển nhượng hơn 25 triệu cổ phiếu TCB. Ông Nguyễn Cảnh Sơn Tùng, con trai ông Sơn, nhận chuyển nhượng 7 triệu cổ phiếu TCB. Trong cùng thời điểm, Eurowindow thông báo đã hoàn tất việc bán/chuyển nhượng hơn 32 triệu cổ phiếu TCB vào ngày 9/5.

Như vậy tổng số cổ phiếu gia đình ông Sơn nhận chuyển nhượng vừa đúng số lượng Eurowindow thoái khỏi Techcombank. Không loại trừ khả năng, số cổ phiếu TCB mà người nhà ông Sơn nhận được là từ Eurowindow. Do đó, có thể hình dung đây là hình thức chuyển từ tay trái sang tay phải.

Hiện tại cá nhân ông Nguyễn Cảnh Sơn sở hữu 0,5123% cổ phần Techcombank; vợ ông bà Nguyễn Thị Phương Hoa sở hữu 2,1675%, con trai ông Nguyễn Cảnh Sơn Tùng sở hữu 0,5992% cổ phần…

Tiểu sử ông Nguyễn Cảnh Sơn

  • Họ tên: Nguyễn Cảnh Sơn
  • Sinh ngày: 10/04/1967
  • Nơi sinh: Thanh Chương – Nghệ An
  • Trình độ: Kỹ sư xây dựng tại Cộng Hòa Liên Bang Xô Viết

Quá trình công tác

  • Từ 09/1990 – 09/1994: Kinh doanh tại Mátxcơva – Liên bang Nga
  • Từ 10/1994 – nay: Chủ tịch – Tập đoàn T&M Trans (trụ sở tại Russian, Moscow)
  • Từ 08/1996 – 03/1998: Thành viên Ban kiểm soát – Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB)
  • Từ 03/1998 – 03/2001: Ủy viên HĐQT – Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam
  • Từ 03/2001 – 12/2002: Phó Chủ tịch HĐQT – Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam
  • Từ 03/2002 – 12/2013: Chủ tịch HĐQT – CTCP Đầu tư T&M Việt Nam
  • Từ 01/2014 – nay: Thành viên HĐQT – CTCP Đầu tư T&M Việt Nam
  • Từ 08/2002 – nay: Chủ tịch HĐQT- Công ty CP Eurowindow
  • Từ 03/2007 – nay: Chủ tịch HĐQT – Công ty CP Eurowindow Holding
  • Từ 08/2007 – nay: Thành viên HĐQT – CTCP Đầu tư xây dựng và phát triển công nghệ cao
  • Từ 09/2007 – 06/2013: Thành viên HĐQT – CTCP Đầu tư Trung tâm thương mại Vinh
  • Từ 01/2008 – 06/2016: Thành viên HĐQT – CTCP Đầu tư du lịch Eurowindow Nha Trang
  • Từ 01/2008 – nay: Thành viên HĐQT – CTCP Đầu tư và du lịch T&M Vân Phong
  • Từ 01/2008 – 08/2016: Thành viên HĐQT – CTCPP Đầu tư T&M Hà Tây
  • Từ 12/2008 – nay: Thành viên HĐQT – CTCP Eurofinance
  • Từ  05/2008 – 03/2009: Thành viên HĐQT – Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)
  • Từ 04/2009 – nay: Phó Chủ tịch HĐQT – Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)
  • Từ 05/2009 – nay: Chủ tịch HĐQT – CTCP Đầu tư Trung tâm thương mại Hà Nội – Mátxcơva (Incentra)
  • Từ 08/2011 – nay: Chủ tịch HĐQT – CTCP đầu tư tổ hợp thương mại Melinh Plaza Thanh Hóa
  • Từ 02/2012 – 02/2014: Chủ tịch HĐQT – CTCP Trường học Nghĩa Đô
  • Từ 05/2012 – nay: Thành viên HĐQT – CTCP Xây dựng và Phát triển công nghệ cao (Hitech)
  • Từ 03/2013 – nay:  Chủ tịch HĐQT – CTCP Quản lý và khai thác tổ hợp TTVH-TM và KS Hà Nội – Mátxcơva
    (HMMO)

Các chức vụ đang nắm giữ

  • Phó chủ tịch ngân hàng Techcombank
  • Chủ tịch HĐQT – CTCP Eurowindow
  • Chủ tịch HĐQT – CTCP Eurowindow Holding;
  • Chủ tịch HĐQT – CTCP quản lý và khai thác tổ hợp TTVHTM-KS Hà Nội-Matsxcova (HMMO);
  • Chủ tịch HĐQT – CTCP đầu tư trung tâm thương mại Hà Nội – Mátxcơva (Incentra);
  • Chủ tịch HĐQT – CTCP Đầu tư tổ hợp thương mại Melinh Plaza Thanh Hóa;
  • Thành viên HĐQT – CTCP Đầu tư Du lịch T&M Vân Phong;
  • Thành viên HĐQT – CTCP EuroFinance;
  • Thành viên HĐQT – CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Công nghệ cao
  • Thành viên HĐQT – CTCP Xây dựng và Phát triển công nghệ cao (Hitech)
Phó chủ tịch ngân hàng Techcombank Nguyễn Cảnh Sơn
Phó chủ tịch ngân hàng Techcombank Nguyễn Cảnh Sơn

Mặc dù đứng đầu một tập đoàn lớn và là cổ đông của nhiều định chế tài chính, nhưng anh em doanh nhân Nguyễn Cảnh Sơn và Nguyễn Cảnh Hồng lại là người rất kín tiếng. Đặc biệt, Phó chủ tịch Techcombank Nguyễn Cảnh Sơn, hầu như không có những phát ngôn trước giới truyền thông, có rất ít thông tin về cuộc sống và các nhân của ông.

5/5 - (3 bình chọn)

Đăng ký
Nhận thông báo
guest

0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận
DMCA.com Protection Status
error: Bản quyền thuộc Adautu.com